Xây dựng đền thờ bà Hoàng Thị Loan tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên
Bộ VH,TT&DL vừa có văn bản thống nhất chủ trương lập dự án xây dựng đền thờ bà Hoàng Thị Loan tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên.

Khu mộ bà Hoàng Thị Loan tại núi Động Tranh, xã Nam Giang (Nam Đàn, Nghệ An). - ảnh ITN.
Bộ VH,TT&DL cho biết, nhận được Tờ trình 3011/TTr-UBND ngày 15/4/2025 của UBND tỉnh Nghệ An về việc đề nghị có ý kiến về chủ trương lập dự án xây dựng đền thờ bà Hoàng Thị Loan tại Khu mộ bà Hoàng Thị Loan (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).
Sau khi xem xét, Bộ VH,TT&DL thống nhất chủ trương dự án nói trên, nhằm đáp ứng tình cảm của nhân dân cả nước và người dân địa phương đối với thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đó giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ, đồng thời tiếp tục góp phần phát huy giá trị di tích.
Bộ VH,TT&DL cũng cho biết, ngày 27/11/2020, quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1943/QĐ-TTg. Vì vậy, để có thể triển khai việc xây dựng đền thờ, đề nghị UBND tỉnh Nghệ An báo cáo Thủ tướng xem xét, thống nhất chủ trương cho phép xây dựng đền thờ thuộc quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên.
Bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh năm 1868 tại làng Chùa, xã Chung Cự (nay là xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Năm 1883, bà kết hôn với người học trò nghèo, là ông Nguyễn Sinh Sắc. Từ đó, bà lo toan mọi việc gia đình, giúp đỡ cha mẹ để chồng có điều kiện thi cử.
Năm 1895, bà Hoàng Thị Loan cùng hai con vào kinh đô Huế giúp chồng theo đuổi con đường cử nghiệp. Năm Canh Tý (1900), bà sinh thêm người con thứ 4 là Nguyễn Sinh Xin nhưng sau đó lại lâm bệnh nặng. Ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý (10/2/1901), bà Hoàng Thị Loan trút hơi thở cuối cùng khi mới 33 tuổi.
Thi hài bà được đưa bằng thuyền lên mai táng dưới chân núi Tam Tầng, thuộc dãy núi Ngự Bình, thành phố Huế. Năm 1922, bà Nguyễn Thị Thanh bị quản thúc ở Huế, nhân một chuyến được phép về thăm quê đã bí mật đưa hài cốt mẹ về an táng tại vườn nhà ở Làng Sen. Năm 1942, cậu Nguyễn Sinh Khiêm chọn núi Động Tranh, xã Nam Giang, huyện Nam Đàn làm nơi an nghỉ vĩnh hằng của bà.