Xây dựng Di sản Văn hóa thế giới Hội An thành hình mẫu 'du lịch xanh'
Thành phố Hội An là một trong những địa phương đầu tiên tại Việt Nam thí điểm thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, nói không với túi ni lông.
Từ một thành phố chịu áp lực lớn về rác thải, nhiều năm lúng túng giữa phát triển du lịch và bảo vệ môi trường, Hội An bây giờ được xem là thành phố thân thiện với môi trường. Năm Du lịch quốc gia 2022 khai mạc tại thành phố Hội An vào cuối tháng 3 tới với chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh” tiếp tục khẳng định, du lịch xanh là hướng đi chủ đạo của du lịch đất Quảng nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung trong thời gian tới.
Thành phố Hội An là một trong những địa phương đầu tiên tại Việt Nam thí điểm thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, nói không với túi ni lông. Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, thành phố Hội An được xem là hình mẫu của một điểm đến không rác thải. Ít ai biết rằng, cách đây không lâu, lúc cao điểm, mỗi ngày Hội An thu gom hơn 100 tấn rác thải, 2/3 trong số đó xuất phát từ các hoạt động du lịch.
Hiện nay, với nhiều doanh nghiệp làm du lịch tại Hội An, câu chuyện du lịch xanh đã không còn mới mẻ. Chị Phạm Thị Linh Chi, chủ biệt thự du lịch Vườn Ông Thọ cho biết, những ngày đầu thực hiện nói không với rác thải nhựa, hạn chế dùng bao bì, hộp nhựa một lần, nhân viên phục vụ và cả du khách đều lạ lẫm, nhiều người không đồng tình. Theo chị Linh Chi, nhờ quyết tâm và kiên trì thực hiện nên giờ đây việc sử dụng các vật dụng thân thiện với môi trường như ống hút gạo, ly giấy… dần trở thành thói quen, nếp sống. Nhiều chủ homestay, villa tại Hội An chú trọng phân loại rác tại nhà bếp để làm phân hữu cơ, giảm tác động môi trường. Chị Phạm Thị Linh Chi cho rằng, điều này không chỉ giúp các cơ sở lưu trú xây dựng hình ảnh riêng biệt, mà qua đó truyền đi thông điệp về cách làm du lịch thân thiện với môi trường.
Chị Linh nói: “Nếu sợ trở ngại thì tôi đã không theo từ đầu rồi, xuất phát từ cái tâm nên đã lan tỏa đến các nhân viên, cùng nhau giúp sức. Khi làm thành công rồi thì mới thấy được cái lợi về hướng đi bền vững cùng như thuận lợi trong kinh doanh nên mọi người đều rất vui và cùng nắm tay làm.”
Ông Phạm Vũ Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch dịch vụ Hoa Hồng cho biết, hơn 2 năm chịu ảnh nặng nề bởi dịch Covid-19, chính quyền, người dân và cộng đồng doanh nghiệp hiểu rằng, để sớm vực dậy ngành du lịch, không còn cách nào khác là phải tìm hướng đi mới. Theo ông Phạm Vũ Dũng, cộng đồng doanh nghiệp tại Hội An luôn nỗ lực thể hiện trách nhiệm đối với Di sản Văn hóa Thế giới, xây dựng thành phố du lịch thân thiện với môi trường, điểm đến an toàn cho du khách.
Ông Dũng nói: “Phát triển du lịch luôn đi liền kề với những tác động gây ô nhiễm môi trường. Đối với Hội An, đây là giai đoạn tái cơ cấu lại các sản phẩm du lịch. Muốn du khách quay lại thì phải xem mình có sản phẩm gì mới ngoài những sản phẩm cũ mà chúng ta đã khai thác hơn 20 năm rồi. Thì chính đây là những mô hình theo định hướng thiên về những sản nông nghiệp sạch, nông nghiệp xanh.”
Hội An hiện có 5 mô hình du lịch xanh được thí điểm thực hiện thành công. Ngoài ra, trên 60 doanh nghiệp đã ký cam kết nói không với rác thải nhựa, phấn đấu đến năm 2025 ít nhất từ 70 đến 100 đơn vị có chứng nhận du lịch xanh. Đây là nền tảng để Hội An sớm được công nhận là điểm đến “du lịch xanh”. Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương đã cơ bản hoàn thiện Bộ tiêu chí du lịch xanh, dự kiến sẽ được công bố sau Lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2022. Như vậy, tỉnh Quảng Nam là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng được Bộ tiêu chí du lịch xanh, cụ thể hóa cam kết trách nhiệm của chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp khi thực hiện các mô hình du lịch bền vững, thân thiện với môi trường.
“Làm du lịch xanh hay làm bất cứ mô hình gì thì cần phải có định lượng chứ không nên định tính, tức là phải mã hóa thành những bộ tiêu chí. Ví dụ như anh muốn tham gia vào bộ tiêu du lịch xanh thì anh bắt buộc phải tuần hoàn rác, tiết kiệm rác, tiết kiệm điện nặng, tiết kiệm nước…”, ông Thanh nói.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, từ bài học thực tiễn tại Quảng Nam, ngành Du lịch Việt Nam sẽ đúc kết kinh nghiệm trong quá trình phục hồi ngành công nghiệp không khói. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, phát triển kinh tế xanh đang là xu hướng tất yếu của nhiều quốc gia trên thế giới; nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cần nỗ lực tạo ra vùng xanh, xây dựng những điểm đến an toàn cho du khách.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói: “Chúng ta đã xác định du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn thì nội hàm “xanh” đã thể hiện rõ ở định hướng tăng trưởng bền vững. Du lịch còn giữ vai trò hỗ trợ cho các nhóm ngành kinh tế khác. Trên cơ sở Nghị quyết 08 củ Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đặc biệt là Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ về phục hồi kinh tế trong đó có phục hồi ngành Du lịch… hi vọng là 2 năm tới Du lịch Việt Nam sẽ khởi sắc"./.