Xây dựng đô thị bền vững: 'Không chỉ là đưa người đến ở'

Nhằm phân tích những xu hướng và thị hiếu lựa chọn không gian sống trong đô thị hiện đại và những yếu tố tạo nên không gian sống cho cư dân trong đô thị hiện đại, nhất là dưới góc nhìn văn hóa, mới đây, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam đã tổ chức buổi Tọa đàm Không gian sống trong đô thị hiện đại với chủ đề: 'Những yếu tố an cư thời hiện đại'.

Không chỉ đưa người dân đến ở mà phải giải quyết được cả cuộc sống cư dân trong đô thị

Theo quan điểm của KTS. Lê Anh Tuấn, đô thị bền vững và thông minh được quan tâm ở châu Âu từ rất lâu, năm 1987 họ đã đưa ra định nghĩa về bền vững, đó là yếu tố bắt buộc phải nói đến, không chỉ ở nhà đầu tư mà khía cạnh lớn hơn là chính phủ, quốc gia.

KTS. Lê Anh Tuấn

KTS. Lê Anh Tuấn

“Bền vững là xây dựng không gian quần thể làm sao để hài hòa thiên nhiên, hướng đến tương lai mà không ảnh hưởng đến không gian xung quanh” - KTS Lê Anh Tuấn cho biết.

Cũng theo vị KTS này, phát triển đô thị bền vững không chỉ là đưa người đến ở mà chúng ta phải giải quyết được cả cuộc sống của cư dân trong đô thị đó. Vì thế, hiện nay Chính phủ có nhiều chính sách hướng đến 4.0 - là giải pháp hướng đến sự phát triển hài hòa, bền vững.

Từ những dự án, ban đầu chủ đầu tư phải tìm được nhà tư vấn phát triển dự án để tư vấn hoàn thiện các tiêu chí. Đồng thời, nhà tư vấn phải có năng lực tính toán, chia sẻ với nhà đầu tư về các tiêu chí làm sao có thể cân nhắc được tính xã hội đưa vào hiện thực và khi ứng dụng phải có sự chắt lọc theo từng dự án, từng khu vực.

Người Việt Nam rất khó "sống yên" mà không giao tiếp hàng xóm

Về góc độ văn hóa, Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho rằng, văn hóa không dễ dàng rời bỏ một con người ở bất kỳ thế hệ nào, nó truyền qua các thế hệ, là sản phẩm của quốc gia, mỗi người chúng ta không thể để đánh mất văn hóa. Theo quan điểm của nhà văn này, phát triển đô thị bền vững nhất là làm thế nào để người ta bước vào đó mà được hưởng thụ, được sống trong sự thanh thản, bình yên nhất.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều.

“Ở Việt Nam, tôi nghĩ rằng có 2 đặc điểm quan trọng. Thứ nhất là người Việt rất thích hòa đồng với thiên nhiên. Thậm chí nhiều đại gia cũng rất yêu thích không gian cây cảnh, đất đai rộng lớn làng quê. Thứ hai là giao tiếp cộng đồng. Người Việt Nam rất khó "sống yên" mà không giao tiếp hàng xóm. Giao tiếp họ hàng, dòng tộc, làng xóm là một đặc điểm quan trọng” - Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho hay.

Cũng theo ông Thiều: “Chúng ta xây dựng bất kỳ thứ gì hiện đại đều phải dựa trên nền tảng văn hóa, truyền thống, nền tảng phong thủy cũng như các yếu tố tâm linh của người Việt. Tôi mới đi Cuba, Havana rất đẹp. Tại đây, muốn sơn một cánh cửa phải xin phép cơ quan quản lý để giữ được sự đồng bộ tổng thể”.

Lấy ví dụ như vậy để muốn nhấn mạnh rằng, chúng ta phải làm sao để một chung cư, căn hộ vừa đảm bảo sự riêng tư, cách biệt, tự do nhưng vừa tạo ra được một không gian hòa đồng, chia sẻ với nhau. Chúng ta có những khu đô thị mới cực đẹp, dù rất thích nhưng tôi sẽ không vào đấy ở vì đó chỉ là những ốc đảo. Đô thị sống ở đây không thể tách biệt mà phải nằm trong tổng thể, hài hòa với cả thành phố.

Cần có những ban quản lý với đầy tâm huyết, ban quản trị nhiệt tâm

Nói về phong thủy, TS. KTS. Tô Như Toàn cho rằng, đúng là các chủ đầu tư xác định vấn đề này là một phần rất quan trọng trong đầu tư bất động sản, nhưng cũng không thể nào mê tín. Không gian tâm linh mỗi vùng miền lại khác nhau nên cần có sự chọn lọc kiến trúc và ứng dụng khác nhau trong mỗi dự án.

KTS. Tô Như Toàn.

KTS. Tô Như Toàn.

“Các nhà phát triển bất động sản chú ý từ đầu đến phong thủy thì người dân về không cần sửa chữa nhiều, có thể tiết kiệm cho người dân. Về bếp cũng vậy, chủ đầu tư khi xây nhà cũng cố gắng làm sạch hết cho họ. Nhưng rồi tôi thấy về họ cũng vẫn đập hết ra để sửa chữa lại” - KTS Toàn nói.

Vì thế, vị KTS này cho rằng, chúng ta không cần thiết phải làm hết mà phải chú trọng nhiều đến không gian sống. Bởi, lý do đơn giản đó là chúng ta không thể làm hài lòng hàng ngàn người chung cư.

“Nhà cao tầng thì yếu tố phong thủy cũng tối giản hơn, chúng ta không thể đặt nhà vệ sinh ở tầng trên lại nằm trên bếp ở tầng dưới chẳng hạn. Chúng ta chú trọng đến không gian và làm sao để cư dân họ hiểu, cần nhất là đáp ứng các yêu cầu của họ về không gian sống” - vị KTS này nêu quan điểm.

Tuy nhiên, cũng theo KTS Tô Như Toàn, về mặt nguyên lý cần có những ban quản lý với đầy tâm huyết, ban quản trị nhiệt tâm. Với tâm lý nhà đầu tư, tòa nhà là “con đẻ” của mình nên họ trân trọng, nếu có sự quản lý, chuyên môn rõ ràng về cảnh quan họ sẽ quan tâm hết sức tới các tòa nhà.

Thế Công

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/xay-dung-do-thi-ben-vung-khong-chi-la-dua-nguoi-den-o-20200526184933281.htm