Xây dựng đô thị động lực cần mang bản sắc riêng
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin là một trong 3 khâu đột phá để thực hiện mục tiêu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc. Do đó, ngay sau Đại hội, các ngành chức năng của tỉnh đã tập trung xây dựng đề án, dự thảo Nghị quyết của Tỉnh ủy, bảo đảm tổ chức thực hiện bài bản, khoa học, hiệu quả.
Tỉnh ta hiện có 7 đơn vị hành chính, trong đó hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh gồm có thành phố Tuyên Quang là đô thị loại II trực thuộc tỉnh và 6 đô thị loại V thuộc trung tâm các huyện. Hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh phát triển không đồng đều, chưa có đô thị loại III, IV, chất lượng đô thị hóa nhìn chung còn thấp, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa đồng bộ, tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị còn chậm so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; việc triển khai đầu tư phát triển đô thị còn dàn trải, chưa mang đặc trưng riêng của một tỉnh miền núi...
Trước thực trạng đó, huy động mọi nguồn lực để đầu tư, phát triển hệ thống đô thị đồng bộ, có bản sắc riêng trở thành động lực cho sự phát triển là yêu cầu cấp thiết, phải làm trong giai đoạn tới. Đô thị động lực mang bản sắc riêng sẽ tạo cú huých cho phát triển du lịch, dịch vụ, liên kết tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương, tạo việc làm và nâng cao đời sống cho người dân. Tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo tỉnh trong tháng 2 vừa qua, Thủ tướng yêu cầu xây dựng thành phố Tuyên Quang phát triển hài hòa, hiện đại, tăng trưởng xanh, thông minh, hướng đến đô thị loại I, trở thành trung tâm cho các đô thị khác phát triển. Đây là nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn tới đang được tỉnh tập trung thực hiện, hoàn thiện các tiêu chí thành phố đạt thấp, đầu tư kết cấu hạ tầng, trọng tâm là xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, nâng cấp các tuyến quốc lộ qua thành phố, xây dựng hệ thống cầu trên sông Lô, hoàn thành xây dựng các khu đô thị, du lịch hiện đại, tầm cỡ như khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng công cộng thuộc Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm, Khu du lịch núi Dùm, Khu đô thị Việt Mỹ, Đông Sơn... để kết nối với các đô thị trong tỉnh và các tỉnh trong khu vực.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 27%, hình thành 4 đô thị loại IV là thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa), thị trấn Tân Yên (Hàm Yên), thị trấn Na Hang (Na Hang) và thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương). Đồng thời, hình thành 16 đô thị loại V tại trung tâm các xã: Sơn Nam, Tân Trào, Hồng Lạc (Sơn Dương); Thượng Lâm (Lâm Bình); Đà Vị, Yên Hoa (Na Hang); Phúc Sơn, Ngọc Hội, Hòa Phú, Kim Bình, Trung Hà (Chiêm Hóa); Phù Lưu, Thái Sơn (Hàm Yên); Mỹ Bằng, Trung Sơn, Xuân Vân (Yên Sơn). Đây là các xã hiện có tốc độ đô thị hóa khá cao, có hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thương mại tương đối phát triển, được đầu tư xây dựng trong thời gian tới sẽ đạt các tiêu chí đô thị loại V.
Trong quá trình phát triển đô thị động lực, tỉnh chú trọng xây dựng đô thị thông minh, đô thị xanh, mang đặc trưng riêng. Trong đó, xây dựng đô thị thông minh, đô thị xanh tại thành phố Tuyên Quang, phường Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang) và xã Tân Trào (Sơn Dương). Xây dựng đô thị động lực mang đặc trưng riêng, gồm đô thị Na Hang là dịch vụ du lịch gắn với cảnh quan thiên nhiên; đô thị Sơn Dương là dịch vụ du lịch gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào; thành phố Tuyên Quang là trung tâm hành chính, giao lưu kinh tế, là đô thị dịch vụ trung chuyển quan trọng phụ trợ cho tuyến hành lang phát triển Hà Nội - Lào Cai.
Phát triển đô thị động lực mang đặc trưng riêng để tạo sự khác biệt, độc đáo, lấy dịch vụ du lịch làm trung tâm để thu hút đầu tư phát triển trong giai đoạn tới, tạo tiền đề để Tuyên Quang bứt phá.