Xây dựng đội ngũ cán bộ tinh gọn, chất lượng, trách nhiệm
Tính đến ngày 31/12/2023, tỉnh Hòa Bình có 29.206 cán bộ, công chức, viên chức (CB,CC,VC), người lao động hợp đồng hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh luôn quan tâm xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp có trình độ chuyên môn, lý luận chính trị (LLCT), đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng phát triển, vững mạnh.
Tính đến ngày 31/12/2023, tỉnh Hòa Bình có 29.206 cán bộ, công chức, viên chức (CB,CC,VC), người lao động hợp đồng hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh luôn quan tâm xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp có trình độ chuyên môn, lý luận chính trị (LLCT), đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng phát triển, vững mạnh.
Trao đổi về chất lượng đội ngũ cán bộ của huyện Yên Thủy, đồng chí Bùi Thị Nhung, Phó trưởng Phòng Nội vụ huyện cho biết: Nhìn chung chất lượng biên chế ở cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của huyện được đào tạo, bồi dưỡng cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ và LLCT, đảm bảo tiêu chuẩn chức danh và phù hợp với vị trí việc làm. Tỷ lệ cán bộ có trình độ trên đại học ngày càng tăng. Trình độ LLCT cũng được nâng lên, tỷ lệ cán bộ có trình độ cử nhân và cao cấp LLCT khối đảng, đoàn thể huyện là 44%, khối chính quyền 42%. Các cơ quan chuyên môn đã tham mưu cấp có thẩm quyền sắp xếp, luân chuyển, điều động CC, VC giữa các cơ quan, đơn vị nhằm đảm bảo số biên chế cần thiết cho từng cơ quan, đơn vị để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, đồng thời tạo điều kiện cho CB,CC,VC được học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, hoàn thiện tiêu chuẩn theo từng chức danh đảm nhận.
Cũng như Yên Thủy, nhìn chung, đội ngũ cán bộ các cấp của tỉnh ngày càng phát triển về mọi mặt. Trong tổng số 29.206 CB,CC,VC, người lao động toàn tỉnh thì trình độ đại học chiếm 69%, thạc sĩ 6%, tiến sĩ 0,05%. Trình độ LLCT cao cấp, cử nhân chiếm 8,5%. Đa số cán bộ có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, gương mẫu, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.
Bên cạnh nâng cao trình độ, sắp xếp tinh gọn bộ máy, tỉnh triển khai nhiều giải pháp để phát huy tinh thần gương mẫu, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ. Cụ thể là tập trung chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên (CB,ĐV), người đứng đầu thực hiện nghiêm túc Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI, XII và Kết luận số 21-KL/TW của BCH T.Ư khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; các quy định về nêu gương và Quy định số 34-QĐi/TU, ngày 29/01/2019 của Tỉnh ủy về trách nhiệm nêu gương của CB,ĐV, trước hết là Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh. Thường xuyên thực hiện kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm CB,ĐV khi có dấu hiệu vi phạm… góp phần ngăn chặn tiêu cực, có tác dụng cảnh báo, răn đe, phòng ngừa vi phạm. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn tỉnh đã kiểm tra, phát hiện CB,ĐV vi phạm pháp luật và xử lý kỷ luật đối với 909 đảng viên với hình thức kỷ luật Đảng 743; bị khởi tố, truy tố hình sự 166. CB,ĐV bị kết luận và xử lý do có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, tư tưởng chính trị là 160 đồng chí.
Để góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu BTV Tỉnh ủy ban hành các quy định về đánh giá cán bộ, về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý cũng như các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về kiểm điểm, đánh giá tập thể, cá nhân cán bộ, lãnh đạo quản lý hằng năm. Do đó những năm gần đây, công tác đánh giá cán bộ được thực hiện theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm, đổi mới theo hướng khoa học, dân chủ, khách quan, thực hiện nghiêm túc việc gắn đánh giá trách nhiệm của cá nhân với kết quả thực hiện nhiệm vụ của tập thể.
Trao đổi về vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh, đồng chí Bùi Thu Hằng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, công tác quy hoạch cán bộ được triển khai thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ; cơ bản đúng phương châm, đảm bảo nguyên tắc, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở; lấy quy hoạch cấp dưới làm cơ sở cho quy hoạch cấp trên, thực hiện theo phương châm "mở” và "động”, chất lượng cán bộ dự nguồn quy hoạch ngày càng nâng lên; duy trì nghiêm cơ cấu ba độ tuổi trong quy hoạch cấp ủy và lãnh đạo, quản lý các cấp. Hàng năm, thực hiện rà soát bổ sung, điều chỉnh quy hoạch, lựa chọn đưa vào quy hoạch những nhân tố mới có triển vọng phát triển, ưu tiên cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc, đồng thời, đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, những đồng chí vi phạm bị kỷ luật… Chất lượng cán bộ được quy hoạch đáp ứng yêu cầu về công tác cán bộ của tỉnh, lấy quy hoạch làm cơ sở cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng, bầu cử, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.
Tỉnh cũng chú trọng thực hiện bố trí, điều động, luân chuyển cán bộ trẻ có triển vọng về tiếp cận cơ sở để đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ kế cận lâu dài; chủ động hơn nguồn cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Công tác luân chuyển cán bộ tuân thủ nghiêm các quy định của T.Ư về tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý và điều kiện cụ thể của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, khả năng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác của cán bộ, gắn với quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí một số chức danh không phải là người địa phương. Từ đó từng bước xây dựng và hoàn thiện đội ngũ cán bộ tinh gọn về số lượng, nâng cao về chất lượng, có kinh nghiệm thực tiễn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong thời kỳ mới.