Xây dựng dự toán thu ngân sách năm 2024 sát thực tế
Việc tính toán thận trọng để xây dựng dự toán thu - chi ngân sách Nhà nước (NSNN) cho những năm sau là hết sức cần thiết, do ngân sách còn eo hẹp nên phải 'liệu cơm gắp mắm'. Bởi vậy, tỉnh Yên Bái tính toán mức dự toán thu NSNN trong những năm tới phải tích cực nhưng trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng các yếu tố, đảm bảo chủ động linh hoạt trong điều kiện kinh tế có nhiều biến động.
Theo đó dự toán thu NSNN năm 2024 được UBND tỉnh và các ngành chức năng xây dựng trên cơ sở đánh giá sát khả năng thực hiện thu ngân sách (TNS) năm 2023, các dự báo về khả năng phục hồi kinh tế năm 2024.
Đồng thời, tính toán cụ thể các yếu tố tăng, giảm thu do thục hiện các luật thuế mới sửa đổi, bổ sung các chính sách thuế mới và các văn bản hướng dẫn do thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan theo cam kết quốc tế; dự báo mức đóng góp gia tăng của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do đưa các dây chuyền sản xuất mới vào vận hành của các doanh nghiệp (DN) trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, dự kiến số tăng thu do thực hiện các giải pháp chống thất thu, thu nợ đọng thuế từ các năm trước, quản lý có hiệu quả các nguồn thu mới phát sinh trong điều kiện phát triển kinh tế số, các khoản thu từ các dự án đầu tư đã hết thời gian ưu đãi, các khoản thu được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán…
Trên cơ sở đó, phấn đấu tỷ lệ huy động vào NSNN (không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết) tăng bình quân tối thiểu 5 - 7% so với đánh giá ước thực hiện năm 2023 theo đúng quy định tại Thông tư 51/2023/TT - BTC ngày 17/7/2023 của Bộ Tài chính và chỉ đạo của UBND tỉnh. Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng bình quân tối thiểu 4 - 6% so với đánh giá ước thực hiện năm 2023.
Theo lãnh đạo Sở Tài chính, đối với dự toán thu nội địa, các địa phương khi xây dựng dự toán thu NSNN trên địa bàn năm 2024 ngoài việc phải bảo đảm các yêu cầu như đã nêu trên, phải tổng hợp đầy đủ các nguồn thu NSNN phát sinh trên địa bàn và loại trừ các khoản không thuộc nguồn thu NSNN theo chế độ quy định.
Khi xây dựng dự toán thu NSNN năm 2024 phải dựa trên cơ sở đánh giá đầy đủ kết quả thực tế thực hiện năm 2023, những đặc thù của năm 2024 và số kiểm tra về dự toán thu năm 2024 đã được thông báo.
Dự toán thu NSNN năm 2024 phải được xây dựng trên cơ sở hệ thống dữ liệu thông tin về đất đai, đối tượng nộp thuế, bảo đảm tính đúng, đủ từng khoản thu, sắc thuế, lĩnh vực thu đối với từng địa bàn, chi tiết số thu từ các dự án mới đi vào hoạt động có số thu lớn theo các quy định hiện hành về thuế, phí, lệ phí và thu khác ngân sách.
Tổng hợp đầy đủ các khoản thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thu cấp quyền khai thác tài nguyên nước; tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính, phạt tịch thu khác theo quy định của pháp luật do các cơ quan nhà nước trung ương, địa phương xử lý; thu từ sắp xếp lại nhà đất, xử lý tài sản công và số thu từ khai thác quỹ đất, mặt nước; thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, các công ty TNHH một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu hoặc DN có vốn của trung ương, địa phương tham gia trước khi thực hiện cổ phần hóa…
Đối với dự toán thu từ các hoạt động xuất nhập khẩu được xây dựng căn cứ vào dự báo tăng trưởng kim ngạch của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có thuế trong bối cảnh hội nhập, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, chuyển dịch cơ cấu mặt hàng, đặc biệt là các mặt hàng truyền thống có nguồn thu chủ lực và các mặt hàng mới phát sinh.
Xét đến các yếu tố tác động chính như giá trong nước và giá trên thị trường quốc tế của những mặt hàng có số thu lớn, tỷ giá hối đoái giữa đồng Việt Nam và đồng tiền của các đối tác thương mại chiến lược; tác động giảm thu từ việc thực hiện theo lộ trình cắt giảm thuế quan theo các hiệp định thương mại tự do đã ký kết trong năm 2024.
Với các khoản thu phí, lệ phí nộp NSNN và được để lại chi theo chế độ quy định, các cơ quan, đơn vị ước số phí, lệ phí thực hiện năm 2023, dự kiến những yếu tố tác động đến số thu năm 2024 để xây dựng dự toán thu phù hợp, tích cực, cụ thể theo từng khoản thu phí, lệ phí.
Với khoản thu học phí, giá dịch vụ y tế và các khoản thu dịch vụ sự nghiệp công, không giao chỉ tiêu giao dự toán thu, chi NSNN cho các cơ quan, đơn vị, địa phương nhưng phải lập dự toán riêng và xây dựng phương án sử dụng gửi cơ quan tài chính và cơ quan chủ quản để giám sát theo quy định.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện cơ chế tạo nguồn từ nguồn thu này và các khoản thu khác được để lại chi thực hiện cải cách tiền lương theo quy định.