Xây dựng Dung Quất trở thành Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia

Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Quảng Ngãi thúc đẩy mối liên kết giữa Khu kinh tế Dung Quất với Khu kinh tế mở Chu Lai để hình thành Trung tâm công nghiệp ven biển trọng điểm của khu vực Duyên hải Trung Bộ và cả nước.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên mới có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi về tình hình công nghiệp, thương mại, năng lượng.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, hiện Sở Công Thương đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong việc xây dựng Đề án Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu Kinh tế Dung Quất.

Đẩy nhanh tái cơ cấu Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp tục tạo việc làm cho người lao động, đảm bảo các yếu tố về an ninh, năng lực sản xuất, góp phần khôi phục ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam...

Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi (Ảnh: MOIT).

Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi (Ảnh: MOIT).

Về Dự án Nhà máy điện TBKHH Dung Quất I và Dự án Nhà máy điện TBKHH Dung Quất III, có công suất 750MW/mỗi nhà náy (do EVN làm chủ đầu tư), hiện nay đã lập hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi nhưng chưa thể trình cấp thẩm quyền phê duyệt để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo vì chưa xác định được thời điểm cấp khí từ mỏ Cá Voi Xanh.

Dự án Nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất II, do Sembcorp Utilities Pte Ltd (Singapore) làm chủ đầu tư theo hình thức BOT với công suất 750MW, vốn đầu tư khoảng 793 triệu USD, sử dụng nhiên liệu khí từ mỏ khí Cá Voi Xanh.

Nhà đầu tư đã lập, trình báo cáo nghiên cứu khả thi và đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 4345 ngày 20/11/2018.

Hiện nay, nhà đầu tư đang phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện các bước tiếp theo đối với dự án, trong đó có việc ký hợp đồng dự án BOT theo quy định.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng đánh giá, Quảng Ngãi có nhiều lợi thế riêng có tiềm năng to lớn phát triển kinh tế biển. Nhất là ngành công nghiệp trọng điểm như phát triển công nghiệp nặng với hai ngành chủ lực là lọc hóa dầu và luyện cán thép, tương lai là đóng tàu, có điều kiện để phát triển năng lượng và thương mại, dịch vụ logicstic, du lịch biển...

Dù ghi nhận những kết quả phát triển công nghiệp - thương mại, xuất nhập khẩu của tỉnh Quảng Ngãi, song Bộ trưởng chỉ ra rằng, địa phương vẫn còn nhiều khó khăn hạn chế.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại buổi họp (Ảnh: MOIT).

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại buổi họp (Ảnh: MOIT).

Nổi bật nhất là sự thiếu cân đối của các lĩnh vực công nghiệp. Tỉ trọng ngành công nghiệp tại Quảng Ngãi chiếm tỉ trọng rất cao (trên 80% trong GRDP) của tỉnh nhưng cơ cấu các lĩnh vực trong ngành công nghiệp còn thiếu cân đối.

"Nhưng nếu chỉ chú trọng vào một vài ngành, như "trúng chỉ bỏ vào một vài giỏ" thì khi có sự cố sẽ bị động", ông Diên nói.

Để ngành Công Thương tỉnh Quảng Ngãi phát triển, Bộ trưởng đề nghị cần có chính sách đột phá mới được ban hành trong lĩnh vực năng lượng như cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu,...

Rà soát kỹ đối chiếu Quy hoạch tỉnh với Quy hoạch vùng, Quy hoạch quốc gia. Cùng với đó, khẩn trương triển khai thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia.

Ví dụ trong lĩnh vực Công Thương có 4 quy hoạch thì Quảng Ngãi đều có đủ. Theo đó, đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh được quy hoạch 20 dự án nguồn điện (4 dự án điện khí; 14 dự án thủy điện nhỏ; 2 dự án điện mặt trời tự án tự tiêu); 15MW điện rác; 39 MW điện mặt trời mái nhà; 20 dự án lưới điện và 35 điểm mỏ khoáng sản.

Đặc biệt, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao đóng góp của sản xuất công nghiệp trong GRDP địa phương.

Chủ động thúc đẩy mối liên kết giữa Khu kinh tế Dung Quất với Khu kinh tế mở Chu Lai để hình thành Trung tâm công nghiệp ven biển trọng điểm của khu vực Duyên hải Trung Bộ và cả nước. Đồng thời, xây dựng Dung Quất trở thành Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng Quốc gia với 4 nhà máy nhiệt điện và rất nhiều tổ hợp điện nhỏ khác.

Ông Diên nêu rõ, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Quảng Ngãi xây dựng và triển khai Đề án Trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển thương mại theo hướng đổi mới, sáng tạo và số hóa, công nghệ hóa phương thức kinh doanh.

Bộ trưởng đề nghị Cục Xuất nhập khẩu nên thống nhất với địa phương tổ chức các Hội nghị logistics ở đây để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đến Quảng Ngãi.

Thanh Loan

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/xay-dung-dung-quat-tro-thanh-trung-tam-loc-hoa-dau-va-nang-luong-quoc-gia-204240809091442093.htm