Xây dựng gia đình văn hóa từ cơ sở

Tuyên truyền về phong trào TDĐKXDĐSVH bằng hình thức sân khấu hóa. Trong ảnh: Một tiểu phẩm về xây dựng GĐVH. Ảnh: THIÊN LÝ

Thời gian qua, phong trào Xây dựng gia đình văn hóa (GĐVH) trên địa bàn tỉnh được triển khai và tạo sức lan tỏa sâu rộng. Qua đó góp phần gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp trong mỗi gia đình Việt

Tích cực tuyên truyền, vận động

Xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa) là một trong những điểm sáng về xây dựng GĐVH. Thời gian qua, Ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH của xã này thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình; triển khai các mô hình, tuyên truyền Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới.

Hàng năm, tổ chức hướng dẫn cho cơ sở thực hiện việc bình xét GĐVH từ các thôn, tổ dân phố theo quy trình công khai, dân chủ, bảo đảm thực chất, không chạy theo thành tích. Đồng thời hướng việc xây dựng GĐVH trở thành phong trào tự nguyện, tự giác trong quần chúng nhân dân.

Với quan điểm “Gia đình là tế bào của xã hội”, hộ ông Nguyễn Minh Chánh - GĐVH tiêu biểu ở xã Bình Kiến luôn gương mẫu trong cách sống. Gia đình ông Chánh được người dân trong xóm biết đến vì tình yêu thương, gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. Ông Chánh chia sẻ: “Xác định việc chăm sóc gia đình là niềm vui, trách nhiệm chung nên vợ chồng tôi luôn san sẻ việc nhà với nhau. Tôi không nề hà việc phụ vợ đi chợ nấu cơm, làm công việc nhà...”.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa) cho biết: “Hưởng ứng phong trào TDĐKXDĐSVH nói chung, xây dựng GĐVH của địa phương nói riêng, hầu hết các gia đình ở xã Bình Ngọc đều ý thức tự giác thực hiện tốt các tiêu chí như: nghĩa vụ công dân, sống gương mẫu, hòa thuận, đầm ấm và hạnh phúc.

Đặc biệt, vào ngày 18/11 hàng năm, các khu dân cư trên địa bàn xã đồng loạt tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc và trao giấy chứng nhận GĐVH cho các hộ đạt chuẩn. Từ đó tạo tinh thần vui tươi, phấn khởi, tự hào về những thành tích đạt được”.

Không riêng gì xã Bình Ngọc, Bình Kiến ở TP Tuy Hòa, phong trào xây dựng GĐVH đã lan tỏa sâu rộng đến từng thôn, buôn, khu phố và từng gia đình trên toàn tỉnh. Tỉ lệ GĐVH trên địa bàn luôn tăng theo thời gian. Cụ thể đến nay, toàn tỉnh có 240.577/255.024 hộ được công nhận danh hiệu GĐVH, đạt tỉ lệ 94,3%, tăng 42,4% so với năm 2001.

Xây dựng gia đình thời hiện đại

Theo Sở VH-TT-DL, hiện nay, xây dựng GĐVH chính là kế thừa tinh hoa truyền thống và tiếp thu có chọn lọc những giá trị mới trong cuộc sống hiện đại như: bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực gia đình, chống thói gia trưởng... Tuy nhiên, trong thực tế nhiều gia đình chưa quan tâm đúng mức việc giáo dục đạo đức nhằm tu dưỡng, bồi đắp phẩm chất đạo đức, tạo nên cốt cách con người.

Vì vậy, cần nâng cao nhận thức, phát huy vai trò vị trí của gia đình, trong tuyên truyền giáo dục đạo đức, ý thức bảo vệ môi trường để chuyển đổi hành vi trong phòng, chống bạo lực gia đình và xây dựng gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững. Đây là giải pháp thiết thực giúp phong trào TDĐKXDĐSVH và xây dựng GĐVH thu hút được đông đảo người dân hưởng ứng.

Bên cạnh đó, sự phát triển của khoa học, công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ thông tin trong xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa là điều kiện giúp các gia đình học hỏi, áp dụng thành tựu của khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất làm tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho gia đình, tạo cơ sở vật chất giúp gia đình có điều kiện để chăm sóc, quan tâm lẫn nhau, có điều kiện để đầu tư cho con cái học hành, nâng cao dân trí, tiếp thu cái mới...

Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa cũng tạo ra những hiện tượng phức tạp, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường và chất lượng cuộc sống của mỗi gia đình.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, vai trò của gia đình Việt Nam trong việc hình thành và phát triển xã hội chưa bao giờ mất đi giá trị của nó. Không những thế, việc xây dựng các chuẩn mực về văn hóa gia đình để góp phần phát huy giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc lại càng trở nên cấp thiết trong đời sống hiện nay, nhất là đời sống gia đình đô thị…, khi mà những chuẩn mực đạo đức trong xã hội đang có những thay đổi.

“Vì vậy, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp và nâng cao trách nhiệm của các ban ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; phát huy vai trò, tinh thần trách nhiệm của thành viên Ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH và xây dựng GĐVH các cấp; đẩy mạnh, đổi mới nội dung và phương thức tuyên truyền, vận động ở cơ sở với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát và biểu dương khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng GĐVH, góp phần đưa phong trào này ngày càng lan tỏa rộng khắp và đi vào chiều sâu, có thực chất hơn nữa”, bà Thái cho biết.

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, vai trò của gia đình Việt Nam trong việc hình thành và phát triển xã hội chưa bao giờ mất đi giá trị của nó.

Không những thế, việc xây dựng các chuẩn mực về văn hóa gia đình để góp phần phát huy giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc lại càng trở nên cấp thiết trong đời sống hiện nay, nhất là đời sống gia đình đô thị…, khi mà những chuẩn mực đạo đức trong xã hội đang có những thay đổi.

Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Nguyễn Thị Hồng Thái

THIÊN LÝ - NGUYỄN YÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/250289/-xay-dung-gia-dinh-van-hoa-tu-co-so-%C2%A0.html