Xây dựng giải pháp đảm bảo công trình kháng động đất

Trận dư chấn do động đất tại Myanmar vào khoảng 13 giờ ngày 28-3 đã khiến một số nhà cao tầng tại TPHCM rung lắc. Nhiều cư dân và nhân viên làm việc ở tòa nhà Rivera Park Sài Gòn (quận 10) và 184 Lê Đại Hành (quận 11), chung cư The Gold View (quận 4)... cảm nhận sự rung lắc.

Dư chấn nhỏ, không gây thiệt hại

Chia sẻ với PV, ông Phạm Hoàng Long, Trưởng Ban Quản trị chung cư The Gold View thông tin, ban quản trị tháp A thông tin có ghi nhận hiện tượng rung lắc tòa nhà do ảnh hưởng dư chấn động đất. Các tầng từ 33 xuống 25 một số vị trí có dấu hiệu nứt nhẹ ở khung bao cửa sổ và nứt vữa nhẹ. Một số căn hộ tầng cao ở tháp A3 có hiện tượng nứt xung quanh khung bao cửa sổ, nứt vữa.

 Nhiều người làm việc trong tòa nhà Vincom Đồng Khởi, quận 1, TPHCM thoát xuống đất sau dư chấn động đất tại Myanmar. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nhiều người làm việc trong tòa nhà Vincom Đồng Khởi, quận 1, TPHCM thoát xuống đất sau dư chấn động đất tại Myanmar. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ông Hoàng Văn Công, Chủ tịch UBND phường 1, quận 4, TPHCM, cho biết, có một số căn hộ chung cư ở tầng cao xảy ra hiện tượng rung lắc nhẹ. Tuy nhiên, sự rung lắc này không ảnh hưởng nhiều.

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn xây dựng TTAD, thông tin, theo quy định tất cả các công trình ở TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung khi thiết kế đều được xem xét đến các yếu tố động đất theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 9386:2012: Thiết kế công trình chịu động đất. Do đó, về nguyên tắc các công trình hiện nay tại TPHCM có thể kháng động đất được từ 4,5 đến 5 độ richter.

Sự việc rung lắc tại TPHCM hôm qua tuy chưa có thông tin chính thức về cường độ của dư chấn động đất nhưng qua truyền thông, tại một số khu vực có thể cảm nhận rất rõ nhưng có những vùng hầu như không cảm nhận sự rung lắc dù chiều cao công trình như nhau. Có thể đây là dư chấn nhỏ và hiện nay chưa ghi nhận báo cáo chính thức thiệt hại.

Chiều 29-3, chia sẻ với PV Báo SGGP, đại diện một số công ty du lịch trên địa bàn TPHCM cho biết, lịch trình của một số đoàn khách tại Thái Lan vẫn ổn định và không xáo trộn. Ông Phạm Anh Vũ, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Việt, thông tin, đơn vị có 1 đoàn 30 khách tham quan Thái Lan. Ngay khi xảy ra động đất, khách hàng có chút lo lắng nhưng đến thời điểm hiện tại, lịch trình vẫn diễn ra bình thường.

Thoát hiểm an toàn như thế nào?

Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH) PC07, Công an TPHCM, đưa ra khuyến cáo về kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn khi động đất xảy ra. Theo đó, mỗi người, mỗi gia đình cần xác định vị trí trú ẩn an toàn như: gầm bàn, gầm giường, góc tường... và lập ra lối thoát hiểm, điểm hẹn gặp nhau sau khi động đất chấm dứt.

Nếu không có nơi trú ẩn an toàn, hãy bảo vệ đầu, cổ bằng tay. Người làm việc và sinh sống tại các tòa nhà, văn phòng, chung cư cao tầng hãy giữ bình tĩnh, hít thở sâu và bảo vệ đầu, cổ bằng tay hoặc vật dụng có sẵn. Đồng thời, chui xuống gầm bàn hoặc tìm đến góc tường bên trong nếu không có bàn và tránh xa cửa sổ. Sử dụng thang bộ để di chuyển, tuyệt đối không dùng thang máy. Khi di chuyển ra khỏi tòa nhà, hãy đi bằng cầu thang bộ và ra khu vực trống, quan sát kỹ vật dụng trên cao có thể rơi xuống...

Chủ động kịch bản ứng phó nhiều cấp độ

Theo thống kê của Bộ Công thương, trên cả nước hiện có gần 430 hồ chứa thủy điện và gần 7.000 hồ chứa thủy lợi. Trong đó, các công trình thủy điện quy mô lớn như Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang, Lai Châu, Sơn La đều nằm ở khu vực Tây Bắc, là nơi được cảnh báo đã và sẽ có hoạt động địa chấn mạnh nhất cả nước.

Về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Ngô Sơn Hải thông tin, đơn vị đã có kế hoạch mời các chuyên gia hàng đầu để đánh giá chi tiết, xây dựng giải pháp chủ động nhằm bảo đảm an toàn cho các công trình thủy điện trước nguy cơ động đất, nhất là ở khu vực Tây Bắc.

Thứ trưởng Bộ NN-MT Nguyễn Hoàng Hiệp (phụ trách lĩnh vực phòng chống thiên tai) cho biết, nên có sự chủ động trong xây dựng kế hoạch ứng phó từ Trung ương đến địa phương. Mỗi tỉnh thành cần có giải pháp phù hợp với nguy cơ động đất riêng của mình. Một số khu vực có nguy cơ bị thiệt hại lớn nếu có động đất mạnh xảy ra như Hà Nội nên nghiên cứu lắp đặt hệ thống cảnh báo sớm động đất, xây dựng kịch bản ứng phó với các cấp độ động đất khác nhau.

Một số đới đứt gãy vẫn hoạt động mạnh

Trận động đất mạnh 7,7 độ richter tại Myanmar và gây dư chấn đến các nước Đông Nam Á đã khiến dư luận quan tâm, lo lắng nhất là các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM. PV Báo SGGP có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu.

PHÓNG VIÊN: Trận động đất lớn tại Myanmar có ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam?

* TS NGUYỄN XUÂN ANH: Trận động đất tại Myanmar mặc dù ở xa nhưng có cường độ lớn nên đã gây ra dư chấn cảm nhận được tại nhiều khu vực ở Việt Nam. Việt Nam không nằm trong khu vực có tần suất động đất cao như Nhật Bản, Indonesia, Myanmar hay Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng vẫn chịu ảnh hưởng từ các đứt gãy kiến tạo và có nguy cơ xảy ra động đất, đặc biệt ở các khu vực dọc theo các đới đứt gãy lớn.

TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu

Theo những nghiên cứu địa chấn, những khu vực có nguy cơ động đất cao tại Việt Nam bao gồm: khu vực Tây Bắc, trong đó khu vực Điện Biên, Lai Châu, Sơn La thường xuyên ghi nhận các trận động đất do nằm trên đới đứt gãy sông Đà và đứt gãy Điện Biên - Lai Châu. Trận động đất mạnh nhất từng ghi nhận tại Điện Biên vào năm 1935 với cường độ 6,75 độ richter. Khu vực Bắc bộ và vùng ven biển Bắc Trung bộ, bao gồm: Hà Nội, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An nằm gần đới đứt gãy sông Hồng và sông Chảy. Động đất tại khu vực này thường có cường độ khoảng 4-5,5 độ richter nhưng vẫn có thể gây rung chấn mạnh.

Khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên, trong đó các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên có nguy cơ động đất do tác động của các hồ chứa thủy điện lớn. Động đất kích thích đã xảy ra nhiều lần tại khu vực này, trong đó có trận động đất mạnh tới 4,7 độ richter vào năm 2022 tại tỉnh Kon Tum. Còn với khu vực Nam bộ, mặc dù nguy cơ thấp hơn, nhưng khu vực TPHCM và Nam bộ cũng chịu ảnh hưởng từ các đới đứt gãy xa hơn, có thể gây ra động đất nhẹ đến trung bình (dưới 4,5 độ richter).

Thời gian tới, liệu có xảy ra động đất tại Việt Nam không?

* Động đất là loại hình thiên tai chưa thể dự báo trước mà hiện mới chỉ quan trắc và cảnh báo. Các nhà khoa học cảnh báo rằng động đất vẫn sẽ tiếp tục xảy ra tại Việt Nam, đặc biệt là ở các khu vực: Tây Bắc, Bắc Trung bộ và khu vực Nam Trung bộ. Những trận động đất mạnh nhất với độ lớn đạt tới 6,7-6,8 độ richter đã được ghi nhận trong lịch sử.

Hiện nay, các nghiên cứu địa chấn cho thấy một số đới đứt gãy vẫn đang hoạt động mạnh và có thể phát sinh các trận động đất tới 5-6 độ richter trong tương lai. Trong đó, khu vực Tây Bắc như Điện Biên, Lai Châu, Sơn La... có thể phải chịu những chấn động cường độ mạnh.

Đối với khu vực Tây Nguyên, nhất là khu vực Kon Tum, động đất kích thích sẽ còn tiếp diễn, gây ảnh hưởng đến khu vực đông dân cư và những công trình trọng điểm. Do đó, địa phương cần cập nhật thông tin thường xuyên để đưa ra phương án thiết kế kháng chấn cho các loại công trình.

Tại Hà Nội và TPHCM hiện nay mật độ chung cư, tòa nhà cao tầng khá dày. Đây có phải là điều lo lắng khi có động đất hoặc dư chấn từ các vụ động đất lớn?

* Hiện nay, một số công trình quan trọng ở Hà Nội, TPHCM và các khu vực có nguy cơ cao đã được thiết kế theo tiêu chuẩn chống động đất. Người dân cũng cần được hướng dẫn cách ứng phó với động đất, đặc biệt ở các khu vực có nguy cơ cao.

Điều quan trọng là nên có hệ thống quan trắc động đất đặt tại các tòa nhà cao tầng ở đô thị. Hà Nội có mật độ xây dựng rất cao, với nhiều công trình quan trọng, nhưng hiện vẫn chưa có hệ thống theo dõi chuyên biệt để đánh giá định lượng mức độ rung lắc khi có động đất xảy ra.

PHÚC HẬU thực hiện

THI HỒNG - THANH HIỀN - CHÍ THẠCH - GIAO LINH - PHÚC VĂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/xay-dung-giai-phap-dam-bao-cong-trinh-khang-dong-dat-post788333.html