Xây dựng hệ thống an sinh bền vững và hiện đại

Ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đang tiên phong trong công tác chuyển đổi số, nhiệm vụ trọng tâm nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp. Sự đổi mới này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý và vận hành của ngành, mà còn mang lại nhiều tiện ích thiết thực cho các đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Một trong những thành tựu nổi bật là BHXH Việt Nam đã kết nối thành công với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hiện nay, 98% người tham gia đã được cập nhật và đồng bộ thông tin với dữ liệu quốc gia về dân cư, cho phép người dân sử dụng căn cước công dân (CCCD) để khám chữa bệnh (KCB) BHYT thay thế thẻ BHYT giấy. Ngoài ra, các ứng dụng VNeID của Bộ Công an và VssID của BHXH cũng hỗ trợ người dân thực hiện các giao dịch y tế một cách tiện lợi.

Các lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ đều ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin. Ảnh: TRẦM NGHĨ.

Các lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ đều ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin. Ảnh: TRẦM NGHĨ.

Ông Lê Hùng Cường, Phó giám đốc BHXH tỉnh, cho biết, tỉnh Cà Mau đến cuối tháng 5 đã xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia đạt 97,6% so với số người đang tham gia tại tỉnh, tương ứng với 1.032.145 người. Hiện có 100% cơ sở KCB tiếp nhận bệnh nhân bằng CCCD. Hầu hết các lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ đều ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin 100%; giao dịch điện tử của BHXH tỉnh đạt 99,98%.

Về việc liên thông dữ liệu, hiện nay ngành BHXH và một số ngành đã liên thông được dữ liệu và cấp giấy tờ liên quan đến người dân như liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử từ các cơ sở KCB trên toàn tỉnh, phục vụ triển khai các dịch vụ công trực tuyến cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe và 2 nhóm thủ tục hành chính (TTHC) liên thông: Ðăng ký khai sinh - đăng ký thường trú cấp mã định danh cá nhân - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng; giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp trực tuyến...

Người dân thực hiện TTHC bảo hiểm tại Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh. Ảnh: TRẦM NGHĨ

Người dân thực hiện TTHC bảo hiểm tại Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh. Ảnh: TRẦM NGHĨ

Hiện nay, người dân có thể sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trên dịch vụ công hoặc trên VssID của BHXH để nộp hồ sơ đăng ký tham gia đóng BHXH tự nguyện; đăng ký đóng, cấp thẻ BHYT đối với người chỉ tham gia BHYT; giải quyết hưởng BHXH một lần (thuộc nhóm áp dụng thí điểm xác thực chữ ký số được tích hợp trong ứng dụng trên thiết bị di động để phục vụ cung cấp DVCTT), nhằm đơn giản hóa thành phần hồ sơ, cắt giảm thời gian, chi phí, tạo thuận lợi tối đa phục vụ người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan BHXH.

Với phương châm “Lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ”, các ứng dụng quản lý người tham gia đã mang lại nhiều lợi ích tối ưu, giúp người dân dễ dàng tra cứu và quản lý thông tin trên điện thoại thông minh qua ứng dụng VssID. Hệ thống thông tin giám định BHYT cũng đã kết nối với 125 cơ sở KCB trên toàn tỉnh, góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch và đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT.

Ông Lê Hùng Cường thông tin, khi ứng dụng các phần mềm quản lý người tham gia cũng như người thụ hưởng các chính sách BHYT, BHTN, ngành BHXH luôn đặt lên hàng đầu việc đảm bảo bảo mật thông tin cá nhân trên các phần mềm. Thực hiện theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, ngành đã có Nghị quyết 398-NQ/BCSÐ, ngày 15/3/2024 về tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng của BHXH Việt Nam. Theo đó, BHXH tỉnh đã ban hành chương trình thực hiện Nghị quyết 398-NQ/BCSÐ với nhiều nội dung quan trọng về công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng, đề ra nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện cụ thể.

Trong đó, 100% công chức, viên chức được phổ biến quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong thực hiện công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng số, kỹ năng bảo mật thông tin trên môi trường mạng; thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn của BHXH Việt Nam về an toàn thông tin mạng và các quy trình nghiệp vụ gắn với việc phân cấp, phân quyền trên phần mềm nghiệp vụ bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm.

Thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số theo hướng toàn diện, ưu tiên triển khai các DVCTT để người dân, người lao động và doanh nghiệp có thể thực hiện các TTHC mọi lúc, mọi nơi. Kế hoạch phát động phong trào thi đua “Chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam vì sự phát triển bền vững an sinh xã hội quốc gia” giai đoạn 2023-2030 cũng đã được triển khai để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong toàn ngành.

Chuyển đổi số trong ngành BHXH Việt Nam không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp mà còn góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, tính minh bạch và giảm thiểu thời gian, chi phí trong các giao dịch với cơ quan BHXH. Những nỗ lực này khẳng định vai trò tiên phong của ngành BHXH trong công cuộc chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu xây dựng hệ thống an sinh xã hội bền vững và hiện đại./.

Phúc Duy

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/xay-dung-he-thong-an-sinh-ben-vung-va-hien-dai-a33248.html