Xây dựng hệ thống đường sắt Thủ đô đủ khả năng kết nối giao thông với các đô thị vệ tinh
Góp ý vào quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; và đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến 2045, tầm nhìn đến năm 2065, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, để giải quyết vấn đề giao thông ùn tắc, Hà Nội cần xây dựng hệ thống đường sắt Thủ đô đủ khả năng kết nối giao thông với các đô thị vệ tinh...
Xây dựng hệ thống đường sắt đủ khả năng kết nối giao thông rộng khắp
Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho biết, ông là người may mắn được tham gia vào quá trình xây dựng quy hoạch.
Theo ông, đây là quy hoạch cho Thủ đô của cả nước, do vậy quy hoạch phải mang tất cả những yếu tố hội tụ và mang tính đại diện cho sự phát triển của cả nước.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, trước hết, phải tập trung giải quyết vấn đề giao thông ùn tắc, trọng tâm là đầu tư xây dựng được 14 tuyến đường sắt đô thị như trong đề án vạch ra, thành một hệ thống mạng lưới đường sắt đủ khả năng kết nối giao thông cho người dân có thể di chuyển bất kể một địa điểm nào trên khu vực Thủ đô, thì khi đó sẽ thay thế được các phương tiện giao thông cá nhân. Như vậy vấn đề về ùn tắc hay ô nhiễm môi trường hiện nay sẽ được giải quyết thông qua việc phát triển hệ thống đường sắt này.
Khi mạng lưới đường sắt phát triển thì kết nối với các vùng ngoại thành, tự động nó sẽ giãn các hoạt động kinh tế đang tập trung ở nội đô ra những vùng đô thị mới như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam, sẽ biến các tỉnh đó, các đô thị đó gần như là những đô thị vệ tinh để tạo ra kết nối phát triển, đồng thời cũng phân tán sự tập trung.
Khi đã có được một hệ thống đường sắt như thế, những khu vực đô thị như khu chung cư cũ, những khu nhà dân thấp tầng lụp xụp, chen chúc có thể dồn lại, chỉ cần xây dựng 2-3 nhà cao tầng mới. Đồng thời phát triển hệ thống không gian ngầm bên dưới trở thành một khu thương mại dịch vụ và trên mặt đất trở thành không gian trống để phát triển cây xanh, phát triển công cộng. Theo đại biểu, đấy mới là hình ảnh của đô thị văn minh, hiện đại chứ không thể tồn tại như những khu chung cư cũ, những khu nhà phố chật chội hiện nay.
Thứ hai, theo đại biểu cần phải đầu tư xây dựng được một hệ thống thu gom nước thải tách rời khỏi hệ thống nước mưa và xây dựng, bố trí những khu vực xử lý nước thải cục bộ và nước thải tập trung. Việc này đồng thời với việc cần phải triển khai xây dựng 2 đập tràn dâng nước ở trên sông Hồng và trên sông Đuống.
“Việc này đã có trong quy hoạch thủy lợi mà Bộ Nông nghiệp nhiều lần đã đề xuất” - đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết.
Ông lý giải, khi chúng ta xây dựng 2 đập này thì tự nhiên mặt nước sông Hồng vào mùa cạn sẽ dâng cao lên và nó sẽ đẩy nước vào các sông như sông Đáy, sông Nhuệ, hệ thống sông Bắc Hưng Hải và tự động làm dòng sông này sống lại, chảy trôi đi, không còn hạn hán như hiện nay.
Đặc biệt, khi có hệ thống đập dâng nước này thì hằng năm tiết kiệm khoảng 5 tỷ m3 nước, hồ Hòa Bình không phải xả nước vào mùa cạn. Việc đó có thể giải quyết nước cho sản xuất của cả khu vực vùng Đồng bằng sông Hồng, không thiếu nguồn nước phát điện. Khi mặt sông của khu vực Hà Nội trở thành một mặt hồ tràn, chúng ta xây dựng 2 con đường di sản hai bên sông như quy hoạch. Một bên là con đường để thể hiện lịch sử ngàn năm văn hiến, các câu chuyện lịch sử xây dựng nước, những câu chuyện như Hà Nội 60 ngày đêm quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Một bên sông đề xuất xây dựng một con đường di sản nhưng nó quy tụ, thể hiện những hình ảnh về đất nước Việt Nam, con người Việt Nam…
Hỗ trợ cho người dân về nơi ở mà không thu hồi nhà
Trong quy hoạch có chỉ ra trục phát triển Hồ Tây - Cổ Loa là một trục kết nối giữa trung tâm hành chính quốc gia Ba Đình và trung tâm hành chính mới của thành phố Hà Nội ở phía Bắc sông Hồng, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, chính trục đại lộ quảng trường kết nối giữa trung tâm hành chính quốc gia Ba Đình với trung tâm hành chính của thành phố phía Bắc sông Hồng sẽ tạo nên một nơi hội tụ của người dân ở những dịp lễ hội.
Cũng theo đại biểu, cần phải có một cơ chế để hỗ trợ cho người dân ở khu vực phố cổ. Đại biểu lý giải, muốn cải tạo, chỉnh trang khu vực này thì phải hỗ trợ cho người về nơi ở và phải thực hiện cơ chế không thu hồi nhà của những người dân.
Bởi theo đại biểu, nếu được hỗ trợ như thế thì tự những người dân sẽ dành không gian này trở thành không gian kinh doanh dịch vụ, thương mại. Khi tài sản vẫn của người dân, thì người dân có thể tự sản xuất, kinh doanh hoặc cho những nhà đầu tư vào đầu tư, cải tạo trở thành những nơi lưu trú, trở thành những nơi để kinh doanh ăn uống. Như vậy sẽ phát triển được một không gian về kinh tế đêm cho Hà Nội, không phải chỉ quanh khu vực Bờ Hồ như hiện nay mà cả khu vực phố cổ, cả khu vực Hồ Tây, cả khu vực sông Hồng trở thành một không gian phát triển du lịch và kinh tế đêm.
“Tôi cho rằng đó sẽ là những điểm tạo ra được động lực phát triển rất lớn của Thủ đô” – đại biểu Hoàng Văn Cường khẳng định.