Chọn tổ hợp gì cho học sinh vừa trúng tuyển lớp 10?
Sắp hết thời hạn làm thủ tục xác nhận nhập học, nhiều phụ huynh học sinh đang băn khoăn với việc chọn tổ hợp lựa chọn đối với chương trình lớp 10, định hướng xét tuyển đại học.

Nhiều phụ huynh học sinh vẫn đang băn khoăn chọn tổ hợp cho học sinh lớp 10
Theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội, học sinh trúng tuyển lớp 10 đợt 1 cần xác nhận nhập học từ ngày 10-7 đến 24h ngày 12-7.
Trong thời gian xác nhận nhập học, nếu cha mẹ học sinh tự nguyện nộp hồ sơ trúng tuyển thì các trường trung học phổ thông tạo điều kiện kiểm tra và tiếp nhận theo quy định.
Đây cũng là thời điểm các trường THPT tư vấn, định hướng cho phụ huynh học sinh lựa chọn các môn tự chọn theo năng lực học sinh.
Theo Chương trình GDPT 2018, cấp THPT sẽ là giai đoạn định hướng nghề nghiệp, nhằm phát triển năng lực theo sở trường, nguyện vọng của từng học sinh, bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp hoặc thị trường lao động trong tương lai.
Cụ thể, học sinh lớp 10 phải học 8 môn bắt buộc bao gồm: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Giáo dục của địa phương và Lịch sử.
Ngoài các môn bắt buộc, học sinh sẽ được lựa chọn 4 môn trong 9 môn học bao gồm: Địa lý; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lý; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc; Mỹ thuật. Ngoài ra, học sinh còn phải lựa chọn các chuyên đề học tập khác nhau.
Cô Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức cho biết, thời gian vừa qua, các em học sinh đã phải trải qua một kì thi rất căng thẳng với những cuộc đua để vào lớp 10 THPT của các trường công lập.
Bởi lẽ đó, các em tập trung toàn bộ vào việc ôn luyện các môn thi cho kì thi đó thôi và xem nhẹ các môn khác nên khi vào cấp 3, nhất là xu thế ngại các môn tự nhiên, chủ yếu tìm các môn học thuộc lòng, các môn xã hội cho tổ hợp lựa chọn của mình.
Tuy nhiên, các nhà trường cần định hướng cho học sinh mạnh dạn chọn các môn tự nhiên vì nếu không có khoa học cơ bản, xây dựng khối thi cho học sinh sau này sẽ khó khăn hơn.
Ví dụ nếu học sinh lựa chọn môn Lý, về sau, các em sẽ mở rộng cơ hội bởi Toán, Văn, Ngoại ngữ vốn là các môn bắt buộc và thuộc khối D nhưng khi có thêm môn Lý sẽ hình thành thêm khối A1 gồm Toán, Lý, Ngoại ngữ. Còn với môn Hóa, sẽ thành khối D7 là Toán, Hóa, Ngoại ngữ. Những tổ hợp như Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học sẽ cho các em cơ hội thi tuyển rất nhiều khối gồm như D, A và B.