Xây dựng huyện Tân Yên thành miền quê đáng sống

Mặc dù là một huyện 'trẻ' của tỉnh Bắc Giang nhưng thời gian qua, huyện Tân Yên đã không ngừng vươn lên phát triển, phát huy thế mạnh địa phương. Sau khi về đích nông thôn mới năm 2020, huyện tiếp tục phấn đấu hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới nâng cao và thôn nông thôn mới kiểu mẫu, đưa Tân Yên trở thành 'một miền quê thực sự đáng sống'.

Huyện Tân Yên trên đà phát triển. Ảnh: baobacgiang

Huyện Tân Yên trên đà phát triển. Ảnh: baobacgiang

Theo ông Nguyễn Viết Toàn, Chủ tịch UBND huyện Tân Yên, huyện nằm trên vùng đất cổ kính có bề dày lịch sử. Trải qua nhiều thử thách, khó khăn, bước sang giai đoạn 2006-2010, kinh tế của huyện đã liên tục phát triển khá, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 12,1%/năm và vẫn giữ đà tăng trưởng này trong những năm tiếp theo.

Năm 2020 huyện đã đạt đích nông thôn mới, các vùng quê đã thực sự được "thay da đổi thịt", đời sống của bà con nông dân cũng không ngừng được cải thiện, nâng cao. Các vấn đề về an sinh xã hội được bảo đảm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực.

Kết quả này có được là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự chung tay góp sức của nhân dân địa phương khi người góp ngày công lao động, người hiến đất làm đường… tất cả vì mục tiêu xây dựng quê hương giàu đẹp.

Về kết quả huy động nguồn vốn cho thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tính đến nay, toàn huyện đã huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí hơn 100 tỷ đồng.

Tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025. Năm 2022 là năm đầu tiên các địa phương thực hiện tiêu chí "tiếp cận pháp luật" trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025.

UBND huyện Tân Yên đã chủ động, sớm ban hành kế hoạch của năm để triển khai như: Tập trung chỉ đạo giải phóng mặt bằng xây dựng, nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông; đầu tư kinh phí cải tạo, nâng cấp công trình hành chính công khu trung tâm huyện; tu bổ công trình văn hóa... Đồng thời, chỉ đạo đồng loạt các xã tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí xã nông thôn mới; chỉ đạo 3 xã xây dựng nông thôn mới nâng cao, 19 thôn xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu; 9 sản phẩm tham gia chương trình OCOP năm 2022; các nội dung cơ bản bảo đảm tiến độ đề ra.

Điển hình như mới đây, tại xã Hợp Đức, sau khi hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới, xã đã nỗ lực, bắt tay xây dựng và đến nay đã hoàn thành 14/14 tiêu chí của xã nông thôn mới nâng cao. Theo đó, hệ thống hạ tầng cơ sở đều được đầu tư khang trang, hiện đại, cảnh quan môi trường sạch đẹp; xây dựng được nhiều mô hình phát triển sản xuất hiệu quả, ngành nghề nông thôn được chú trọng… Từ đó, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao, đạt và vượt mức chuẩn của các tiêu chí.

Trong giai đoạn 2019-2021, xã đã huy động 3,691 tỷ đồng thực hiện chương trình này. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 46,39 triệu đồng/người/năm; tăng 10,19 triệu đồng so với năm 2019 (sau khi đạt chuẩn nông thôn mới). Theo chuẩn mới giai đoạn 2021-2025 tính đến 31/10/2021, xã Hợp Đức có 95 hộ nghèo, tỉ lệ 4,88%, thấp hơn mặt bằng chung của huyện.

Ngoài những kết quả trên, tình hình kinh tế-xã hội của huyện Tân Yên cũng phát triển; vấn đề an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cũng được giữ vững. Cơ cấu giá trị sản xuất chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp - dịch vụ. Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục tiếp tục ổn định và phát triển…

Có thể thấy, với xuất phát điểm thấp của một vùng quê nghèo, sau mấy chục năm đổi mới và nỗ lực phấn đấu, đến nay huyện Tân Yên đã phát triển với nhiều kết quả đáng khích lệ.

Huyện Tân Yên có nhiều đặc sản nông nghiệp nổi tiếng như vú sữa Tân Yên, vải sớm Phúc Hòa... Ảnh: baobacgiang

Huyện Tân Yên có nhiều đặc sản nông nghiệp nổi tiếng như vú sữa Tân Yên, vải sớm Phúc Hòa... Ảnh: baobacgiang

Cùng với xây dựng nông thôn mới, tình hình phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện Tân Yên cũng được đẩy mạnh, đặc biệt là vấn đề chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, qua đó đã giúp cho các sản phẩm tiêu thụ thuận lợi, nâng cao hiệu quả kinh tế. Trong đó, huyện chú trọng phát triển các mô hình nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc nông sản; hỗ trợ xây dựng, cấp và quản lý mã số vùng trồng. Khi được cấp mã vùng trồng, người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể tiếp cận thông tin về sản phẩm dễ dàng, tạo điều kiện cho xuất khẩu và lên sàn thương mại điện tử.

Thời gian qua, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của huyện đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viettel Bắc Giang tạo mã QR truy xuất nguồn gốc cho 3 hợp tác xã là: Núi ông Vệ; sản xuất và tiêu thụ ổi lê Tân Yên; mật ong Phồn Nhi. Phòng Văn hóa và Thông tin huyện rà soát, lập danh sách đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông hỗ trợ cấp chứng thư số cho 12 hợp tác xã, phục vụ giao dịch trên sàn thương mại điện tử.

Bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Tân Yên cũng gặp những khó khăn, vướng mắc như một số dự án được giao đối với chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững chưa có văn bản hướng dẫn định mức, nội dung thực hiện; văn bản hướng dẫn về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 mới có từ tháng 7/2022, nên việc triển khai thực hiện các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia năm 2021 và 2022 ở địa phương còn lúng túng, chưa có căn cứ để thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù.

Việc giải ngân các nguồn vốn xây dựng nông thôn mới ở một số chương trình lồng ghép còn gặp khó khăn do một số doanh nghiệp, hợp tác xã chưa thể huy động vốn theo thời gian cam kết; huy động các doanh nghiệp tham gia hỗ trợ xây dựng các công trình nông thôn mới chưa được nhiều, tỉ lệ đạt thấp.

Đường làng ngõ xóm sáng, xanh, sạch đẹp nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh: baobacgiang

Đường làng ngõ xóm sáng, xanh, sạch đẹp nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh: baobacgiang

Để đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra, theo Chủ tịch UBND huyện Tân Yên Nguyễn Viết Toàn, huyện chỉ đạo các xã tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hạng mục công trình nâng cao tiêu chí.

Đồng thời chủ động liên hệ với các sở, ngành liên quan trong việc hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ chứng minh tiêu chí các xã, chịu trách nhiệm về kết quả thẩm tra chất lượng hồ sơ minh chứng theo lĩnh vực ngành phụ trách, phấn đấu hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới nâng cao năm 2022 đối với 4 xã: Phúc Sơn, Ngọc Châu, Quế Nham, Phúc Hòa; 19 thôn nông thôn mới kiểu mẫu; chỉ đạo các xã rà soát đăng ký xây dựng xã nông thôn mới nâng cao/kiểu mẫu, thôn nông thôn mới kiểu mẫu và chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2023.

Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng đấu giá đất, thực hiện các hạng mục công trình nâng cao tiêu chí đối với tiêu chí chưa hoàn thành; phối hợp với ngành, thành viên Ban chỉ đạo huyện thiết lập và hoàn thiện hồ sơ chứng minh tiêu chí đối với các chỉ tiêu, tiêu chí đã hoàn thành theo Bộ tiêu chí mới đã được ban hành.

Về công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các ngành, thành viên Ban chỉ đạo huyện: Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao có trách nhiệm trực tiếp tham mưu, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và thẩm tra các tiêu chí xây dựng nông thôn mới thuộc lĩnh vực ngành phụ trách. Ban chỉ đạo huyện thành lập đoàn kiểm tra liên ngành giữa Ban chỉ đạo rà soát hộ nghèo, cận nghèo và các tổ chức hội, đoàn thể chính trị thực hiện kiểm tra, giám sát 5 công tác rà soát hộ nghèo của toàn bộ 22/22 xã thị trấn…

Thiện Tâm

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/xay-dung-huyen-tan-yen-thanh-mien-que-dang-song-102221205113556872.htm