XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN NHÀ Ở CẤP TỈNH: TĂNG TÍNH CHỦ ĐỘNG, TỰ CHỊU TRÁCH NHIỆM CHO CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG

Tham gia thảo luận tại hội trường về dự án luật Nhà ở (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng khi xây dựng, phê duyệt chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh, cần giao hoàn toàn trách nhiệm, thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, bỏ quy định việc lấy ý kiến góp ý của Bộ Xây dựng để tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm trong triển khai chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương.

Tránh chồng chéo với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh

Trình Quốc hội dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, nội dung về chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh được quy định từ Điều 25 đến Điều 31. Theo đó, dự thảo Luật quy định về căn cứ xây dựng Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia; Nội dung Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia; Kỳ xây dựng Chiến lược và thẩm quyền phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia; Nguyên tắc và căn cứ xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh; Nội dung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh; Điều chỉnh chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh; Xây dựng, phê duyệt chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh.

So với Luật Nhà ở năm 2014, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có một số điểm mới như: Gộp một số Điều về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở tại các chương khác nhau của Luật hiện hành và Luật hóa một số nội dung từ Nghị định số 99/2015/NĐ-CP và Nghị định số 30/2021/NĐ-CP.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị

Bên cạnh đó, Luật cũng sửa đổi, bổ sung một số nội dung như: Căn cứ xây dựng, nội dung Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia; Kỳ xây dựng Chiến lược và thẩm quyền phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia; Căn cứ, yêu cầu xây dựng, nội dung Chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh; Xây dựng, điều chỉnh Chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh; Căn cứ xây dựng và kỳ kế hoạch, nội dung kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh; Xây dựng, phê duyệt, điều chỉnh kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh, bãi bỏ kế hoạch phát triển nhà ở hằng năm.

Đặc biệt, việc xây dựng và phê duyệt chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương được quy định cụ thể tại Điều 31. Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng chương trình phát triển nhà ở và gửi lấy ý kiến góp ý của Bộ Xây dựng về các nội dung tại các điểm c, d, đ và điểm e khoản 1 Điều 29 của Luật này trước khi trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua. Sau khi được Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm phê duyệt và triển khai thực hiện chương trình.

Trên cơ sở chương trình phát triển nhà ở đã được phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở; trường hợp trong kế hoạch có sử dụng nguồn vốn ngân sách để phát triển nhà ở thì phải lấy ý kiến của Hội đồng nhân dân cùng cấp trước khi phê duyệt.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, một số nội dung của Chương trình phát triển nhà ở, như điểm c và điểm đ khoản 1 Điều 29 quy định: “c) Dự kiến tổng nhu cầu diện tích sàn xây dựng nhà ở tăng thêm ..., phân định nhu cầu về diện tích nhà ở của từng nhóm đối tượng ...”, “đ) Định hướng chỉ tiêu phát triển nhà ở trong kỳ chương trình, ...; diện tích sàn nhà ở tối thiểu; dự kiến diện tích sàn xây dựng nhà ở sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong kỳ chương trình...;”… là các nội dung quản lý quá cụ thể, có thể dẫn đến tình trạng can thiệp hành chính quá mức cần thiết vào quan hệ thị trường bất động sản, nếu bị lạm dụng có thể trở thành “quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm, được sản xuất, tiêu thụ” đã bị cấm theo quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật Quy hoạch.

Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị rà soát lại nội dung của Kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh để tránh trùng lặp, chồng chéo với các nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện quy định tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), quy hoạch tỉnh đang được quy định tại Luật Quy hoạch , gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, làm gia tăng chi phí tuân thủ pháp luật. Ví dụ: điểm c và điểm d khoản 2 Điều 29 của dự thảo Luật quy định về “c) Danh mục các dự án đầu tư xây dựng nhà ở đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, dự kiến danh mục các dự án phát triển nhà ở, ...; d) Dự kiến nhu cầu diện tích đất trong kỳ kế hoạch để phát triển nhà ở trên địa bàn, trong đó xác định diện tích đất để phát triển các loại hình nhà ở theo dự án;”.

Phân cấp, phân quyền mạnh mẽ để tăng tính chủ động và trách nhiệm của chính quyền địa phương

Tại các phiên thảo luận tổ, nhiều đại biểu Quốc hội cho biết, Điểm a khoản 1 Điều 31 của dự thảo Luật quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng chương trình phát triển nhà ở và gửi lấy ý kiến góp ý của Bộ Xây dựng trước khi trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua là mở rộng đối tượng lấy ý kiến so với Điều 169 của Luật hiện hành là chỉ các thành phố trực thuộc trung ương mới phải lấy ý kiến góp ý của Bộ Xây dựng.

Theo các đại biểu, Điều này làm phát sinh thêm thủ tục trong việc xin ý kiến và tăng thêm nguồn lực phục vụ cho công tác góp ý về chương trình phát triển nhà ở, chưa phù hợp với chủ trương của Đảng về đẩy mạnh phân cấp cho địa phương trong việc lập, phê duyệt chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh. Do đó, nhiều ý kiến đề nghị không mở rộng đối tượng phải lấy ý kiến góp ý của Bộ Xây dựng về chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh, đồng thời làm rõ sự cần thiết tiếp tục quy định các thành phố trực thuộc trung ương phải lấy ý kiến Bộ Xây dựng về nội dung này.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định

Trong phiên thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cho rằng, việc yêu cầu UBND tỉnh xin ý kiến Bộ Xây dựng trước khi thông qua chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở địa phương chưa thực sự thỏa mãn được mong muốn, quan điểm phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho địa phương.

Bên cạnh đó, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở địa phương được xây dựng căn cứ trên nguyên tắc, điều kiện, nội dung trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, do chính Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ thông qua. Như vậy, địa phương phải xin ý kiến Bộ Xây dựng 02 lần, làm mất thời gian của địa phương, gây chậm trễ việc thông qua chấp thuận các dự án phát triển nhà ở địa phương. Đại biểu đề nghị cân nhắc, nghiên cứu kỹ đối với quy định này.

Đại biểu Phạm Hùng Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam

Đại biểu Phạm Hùng Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam

Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Phạm Hùng Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cơ bản đồng tình với các nội dung về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh, tuy nhiên đại biểu cho rằng cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng nội dung này để đảm bảo quy định rõ hơn, tránh chồng chéo, trùng lặp, phát sinh các thủ tục hành chính.

Đặc biệt, đại biểu đề nghị xem xét kỹ việc UBND cấp tỉnh phải xin ý kiến Bộ Xây dựng trong việc ban hành chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh. Đại biểu cho biết quy định này mới được bổ sung trong dự án luật sửa đổi lần này. Luật hiện hành chỉ quy định yêu cầu này với các thành phố trực thuộc trung ương. Việc bổ sung quy định này chắc chắn làm phát sinh thêm thủ tục hành chính cho địa phương. Vì vậy, đại biểu đề nghị bỏ nội dung về việc quy định phải gửi lấy ý kiến góp ý của Bộ Xây dựng về chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh trong dự thảo luật.

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Tham gia thảo luận, đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đề nghị, khi xây dựng, phê duyệt chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh, cần giao hoàn toàn trách nhiệm, thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nên bỏ quy định việc lấy ý kiến góp ý của Bộ Xây dựng để tạo tính chủ động, tự chịu trách nhiệm trong triển khai chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương, giảm bớt chi phí thời gian, không làm tăng khối lượng công việc của các cơ quan trung ương.

Minh Hùng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=77129