Xây dựng khát vọng về Chính phủ điện tử từ môi trường học đường

Một trong những vấn đề được Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu trong Chỉ thị số 2268/CT-BGDĐT về nhiệm vụ, giải pháp năm học 2019 - 2020 là phải triển khai hiệu quả Nghị quyết 17/NQ-CP của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong phát triển Chính phủ điện tử.

Ảnh minh họa.

Trước đó Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 117/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025.

Trong công văn hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ công nghệ thông tin các năm học gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều đưa ra yêu cầu nhằm thay đổi nhận thức của cán bộ, giáo viên; tạo động lực thôi thúc các nhà trường ứng dụng công nghệ thông tin trong trường học một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Về cơ sở vật chất, gần như trường học nào cũng được ngân sách Nhà nước đầu tư phòng máy tính, biên chế giáo viên dạy tin học; một số trường được bố trí kinh phí triển khai mô hình lớp học thông minh, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành, phần mềm quản lý...

Yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong trường học đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là tất yếu, phù hợp xu thế hiện nay, nhưng tiếc là không phải lúc nào điều đó cũng được các trường học sốt sắng thực hiện.

Có những phòng máy tính mới chỉ dừng lại là nơi để học sinh ra vào với những tiết học miễn cưỡng, hiệu quả rất khó để đánh giá. Thậm chí có học sinh vào phòng máy tính chỉ để chơi game.

Một bộ phận giáo viên vẫn lên bục giảng dạy “chay” dù lớp học bố trí hệ thống máy chiếu, màn hình thông minh, dụng cụ tích hợp.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong tư duy của nhiều cán bộ quản lý có vẻ như vẫn là điều gì đó khá xa xôi, không sát sườn như các môn học phục vụ cho thi học sinh giỏi hay kiểm tra đánh giá mức độ giảng dạy của giáo viên...

Một số người còn quan niệm rằng việc dạy và học công nghệ thông tin chỉ là việc có cho đủ, cho khỏi bị phê bình.

Để thực hiện thành công Chính phủ điện tử và hệ thống chính quyền điện tử rõ ràng phải có nguồn nhân lực, kiến thức về công nghệ thông tin tốt.

Môi trường học đường ở bất cứ cấp học nào nếu được tổ chức tốt cũng sẽ tạo ra nền tảng, cảm hứng, nuôi dưỡng khát vọng để các em vươn lên chinh phục đỉnh cao công nghệ và trí tuệ nhân tạo. Người làm công tác quản lý trường học đừng xem đó là sự chạy theo thời cuộc, mà phải xác định là vấn đề hết sức nghiêm túc, một sự đầu tư trách nhiệm cho tương lai.

Lam Vũ

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/xay-dung-khat-vong-ve-chinh-phu-dien-tu-nbsp-tu-moi-truong-hoc-duong/107556.htm