Xây dựng kho dữ liệu về nông nghiệp

Thích nghi với xu hướng chuyển đổi số phục vụ nông nghiệp, báo chí có thể xây dựng kho dữ liệu riêng về nông sản, cùng với ứng dụng trí tuệ nhân tạo (Al) giúp nông dân phân tích nhanh và kịp thời những diễn biến thị trường, dự báo giá nông sản. Từ đó, người nông dân có kế hoạch sản xuất, phản ứng nhanh nhạy trước biến động thị trường, nhằm đạt được lợi nhuận tối đa và giảm thiểu rủi ro…

Ông Nguyễn Lực ở bìa phải, trong vườn cà phê.

Ông Nguyễn Lực ở bìa phải, trong vườn cà phê.

Trong xu thế tất yếu của chuyển đổi số, báo chí đã luôn đồng hành và đóng góp vai trò quan trọng vào thành tựu chung của ngành nông nghiệp. Với độ phủ sóng rộng khắp và nhanh nhạy trong thông tin, báo chí đã chuyển tải những thông tin mới nhất về diễn biến thị trường, số liệu xuất nhập khẩu nông sản, giúp nông dân nắm bắt để sản xuất theo nhu cầu thị trường.

NÔNG DÂN CẦN DỮ LIỆU VỀ THỊ TRƯỜNG NÔNG SẢN

Đến huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk, chúng tôi ngạc nhiên khi chứng kiến những khu vườn trồng xen kẽ đủ loại cây: cà phê, tiêu, mắc ca, sầu riêng. Ông Nguyễn Lực, Trưởng ban kiểm soát của Hợp tác xã Nông nghiệp bền vững Ea Tóh, cho biết trước đây nông dân ở địa phương luôn phải quay cuồng với “trồng- chặt”, bởi cảnh “được mùa rớt giá”. Để đối phó với biến động thị trường, Hợp tác xã đưa ra giải pháp là chuyển hướng từ trồng độc canh một loại cây nông sản sang trồng đa canh, trong vườn của mỗi hộ dân trồng xen canh nhiều loại cây.

“Cây nào đang được giá bán cao sẽ bù được cho những cây giá bán thấp, không còn phải “đau đầu” lo cây nào rớt giá. Trồng đa canh tuy không thu được lợi nhuận cao ngất ngưởng, nhưng năm nào cũng ổn định với lợi nhuận 150-200 triệu đồng/ha”, ông Lực chia sẻ.

Khi được hỏi: điều trăn trở nhất của nông dân là gì?, ông Lực cho hay: cần những phân tích dự báo chính xác về diễn biến của thị trường. Mặc dù, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có một số cơ quan làm nhiệm vụ thống kê phân tích số liệu, dự báo diễn biến thị trường nông sản; tuy vậy, vẫn chỉ là số liệu “câm”, chưa dự báo chính xác được diễn biến thị trường từng loại nông sản, khiến người nông dân lúng túng trong quyết định canh tác.

Chia sẻ với ông Lực về việc đang hướng tới xây dựng những bộ dữ liệu về nhiều lĩnh vực kinh tế, trong đó có nông sản, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy cho biết Tạp chí đã xây dựng công cụ tra cứu thông tin kinh tế trên nền tảng trí tuệ nhân tạo mang tên “Askonomy”. Đây là “trợ lý thông tin kinh tế” được đào tạo bằng các dữ liệu chính thống đăng tải trên các ấn phẩm, Tạp chí điện tử VnEconomy và cơ sở dữ liệu độc quyền của Trung tâm Phân tích dữ liệu trực thuộc Tạp chí.

Trước thông tin này, ông Lực bày tỏ kỳ vọng trong tương lai, báo chí nói chung, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy nói riêng có thể phát triển hệ thống dữ liệu về nông sản, cùng với trí tuệ thông minh nhân tạo phân tích dữ liệu chuyên sâu, giúp nông dân ra quyết định sản xuất chính xác, hiệu quả nhất. Với trí tuệ nhân tạo đủ uy lực, phân tích dữ liệu sẽ đưa ra dự báo nhanh và chính xác rằng vào tháng 6/2025, tháng 6/2028, tháng 6/2030… với sản lượng thu hoạch và nhu cầu tiêu dùng, thì giá bán cà phê, hồ tiêu, mắc ca, sầu riêng sẽ là bao nhiêu?

VAI TRÒ CỦA BÁO CHÍ ĐỐI VỚI NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam (CPV), cho biết ngành nông nghiệp có những rủi ro cố hữu liên quan đến điều kiện thời tiết, dịch bệnh ảnh hưởng đến năng suất cây trồng vật nuôi; biến động giá cả hàng hóa nông sản và vật tư đầu vào ảnh hưởng đến lợi nhuận. Các nhà sản xuất, kinh doanh nông sản cần xác định những rủi ro này bằng cách phân tích dữ liệu lịch sử và thông tin thị trường hiện tại, từ đó lên kế hoạch quản lý rủi ro để giảm thiểu tổn thất tài chính.

CPV luôn sử dụng phân tích kinh doanh để đánh giá thị trường, từ nhu cầu tiêu dùng thịt lợn, thịt gia cầm đến xu hướng sử dụng thức ăn chăn nuôi. Thông qua việc thu thập và phân tích dữ liệu, CPV có thể điều chỉnh kế hoạch kinh doanh của mình để phản ứng nhanh với nhu cầu thị trường hiện tại và tiềm năng. Tuy nhiên, CPV cũng chưa thể thu thập được đầy đủ mọi số liệu dữ liệu về nông sản, ngành hàng chăn nuôi. Trong khi đó, các số liệu và dữ liệu về thị trường được các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thu thập và công bố vẫn còn rời rạc, mỗi báo cáo công bố chỉ là số liệu tại từng thời điểm, chưa có sự liên kết mang tính lịch sử với các dữ liệu lâu dài về thời gian.

Theo ThS. Lê Thị Thu Hiền, Trường Đại học Vinh, các giải pháp chuyển đổi số hiện đã được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản… Ứng dụng công nghệ phân tích và hệ thống dữ liệu lớn hỗ trợ người nông dân phân tích, quản lý các dữ liệu về môi trường, đất đai, ánh sáng, cây giống, con giống… Chuyển đổi số giúp nông dân thoát khỏi sự chèn ép của thương lái, kết nối trực tiếp người bán và người mua thông qua các kênh thương mại điện tử.

Tuy vậy, bà Hiền cho rằng việc xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về nông nghiệp như thị trường, nông sản, công nghệ… còn thiếu, dẫn đến việc tổng hợp và phân tích số liệu cũng chưa đạt hiệu quả mong đợi...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 25-2024 phát hành ngày 17/6/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Chu Khôi

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/xay-dung-kho-du-lieu-ve-nong-nghiep.htm