Xây dựng kho học liệu số cho trường tiểu học
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Khánh Hòa vừa có văn bản đề nghị các phòng GD-ĐT triển khai xây dựng kho học liệu điện tử các môn học, hoạt động giáo dục trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học. Trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Hữu Quỳnh - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết:
- Đây là hoạt động lần đầu tiên được triển khai nhằm thực hiện kế hoạch chuyển đổi số của ngành GD-ĐT tỉnh, góp phần xây dựng nền tảng dạy và học, thi kiểm tra đánh giá trực tuyến. Đồng thời, đáp ứng mục tiêu 5% tỷ trọng nội dung chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học được triển khai dưới hình thức trực tuyến theo Quyết định số 131, ngày 25-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GD-ĐT giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
- Cụ thể, các học liệu số gồm những gì, thưa ông?
- Kho học liệu gồm các bài giảng điện tử, giáo án điện tử, tranh, ảnh, biểu đồ, thí nghiệm ảo, hệ thống câu hỏi bài tập… Trên cơ sở đó, giáo viên, học sinh có thể tự nghiên cứu, tự học, học trực tuyến. Trước mắt, các trường sẽ triển khai cho giáo viên thiết kế các bài giảng điện tử. Đó có thể là bài giảng được tạo ra từ các phần mềm thiết kế bài giảng e-Learning, hoặc được giáo viên thiết kế và ghi hình dưới dạng video, có thời lượng không quá 25 phút, thể hiện súc tích, cô đọng nội dung cốt lõi của bài học hoặc chủ đề các môn học. Lộ trình xây dựng bài giảng điện tử như sau: Năm học 2023 - 2024, thực hiện từ lớp 1 đến lớp 3; năm học 2024 - 2025, thực hiện từ lớp 4 đến lớp 5 (theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018). Từ năm học 2025 - 2026, hàng năm, nhà trường tiến hành rà soát các nội dung đã thực hiện của mỗi khối lớp để tiếp tục xây dựng bài giảng điện tử, môn học từ lớp 1 đến lớp 5, không trùng các hình thức, nội dung, môn học đã thực hiện.
- Để đảm bảo nội dung và chất lượng các bài giảng điện tử cần những yếu tố gì, thưa ông?
- Các bài giảng điện tử phải đảm bảo sự chính xác và khoa học; tính thẩm mỹ và sư phạm trong thiết kế bố cục kênh hình, kênh chữ, xử lý âm thanh, hình ảnh màu sắc, hiệu ứng, thể hiện sự cuốn hút nhưng không bị phân tán sự chú ý của người học. Sở GD-ĐT yêu cầu các phòng GD-ĐT chỉ đạo các trường tổ chức sinh hoạt chuyên môn, lựa chọn giáo viên giỏi, cốt cán nghiên cứu, chọn lọc nội dung cốt lõi của bài học, chủ đề các môn học từ lớp 1 đến lớp 5 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 để xây dựng các bài giảng điện tử cho từng tiết học, môn học, khối lớp đảm bảo về nội dung và chất lượng. Các trường tiểu học có thể phối hợp với các tổ chức, cá nhân, cơ sở kinh doanh dịch vụ, đài truyền thanh - tiếp hình địa phương… để hỗ trợ công tác quay video và định dạng file bài giảng. Sở đã có quy định về số lượng bài giảng điện tử đối với từng môn, trên cơ sở đó, các phòng GD-ĐT phân bổ số lượng cần xây dựng; đôn đốc, chỉ đạo các trường trên địa bàn thực hiện đúng tiến độ hoàn thành nhiệm vụ; đưa các bài giảng điện tử lên kho học liệu của phòng; kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả, chất lượng các bài giảng và tổng hợp gửi về sở. Các bài giảng sẽ được chia sẻ, dùng chung cho các trường tiểu học trong toàn tỉnh, phục vụ cho việc đổi mới nội dung, phương pháp dạy học trong toàn ngành.
- Xin cảm ơn ông!
H.NGÂN (Thực hiện)