Xây dựng làng nghề bánh đa Hội Yên xanh
Việc đầu tư công nghệ trong sản xuất tại làng nghề bánh đa Hội Yên không chỉ tăng năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hướng làng nghề phát triển xanh, bền vững.
Những năm qua, làng nghề bánh đa Hội Yên ở xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện) phát triển theo hướng xanh, sạch. Việc đổi mới trong tư duy và cách làm đã giúp nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, góp phần phát triển làng nghề theo hướng bền vững.
Nghề làm bánh đa truyền thống ở thôn Hội Yên đã có từ lâu đời với khoảng 200 hộ theo nghề và từ năm 2004 chính thức được công nhận là làng nghề truyền thống. Hiện nay số lượng hộ theo nghề tuy không còn nhiều như trước nhưng sản lượng bánh đa làm ra lại tăng, chất lượng được nâng cao. Thương hiệu bánh đa Hội Yên đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và đã được xuất khẩu. Có được kết quả này là nhờ sự thay đổi về tư duy, cách làm nghề của người dân và chính quyền địa phương.
Theo những người dân ở thôn Hội Yên kể lại, khoảng 20 năm trước, các hộ dân đều sản xuất bánh đa thủ công. Mọi công đoạn từ nhào bột, tráng bánh, phơi bánh, thái bánh đều được làm bằng tay. Người dân sử dụng than để đốt lò làm bánh. Nước thải từ các hộ không được xử lý mà xả trực tiếp xuống ao hồ, cống rãnh. Vì vậy, chỉ cần đến đầu làng đã ngửi thấy mùi khét của khói than, mùi chua của nước gạo rất khó chịu. Khắp đường làng, ngõ xóm trong thôn đều thấy cảnh bánh đa phơi la liệt nhưng năng suất bánh đa của làng ngày ấy không nhiều, chỉ khoảng 1- 2 tấn bánh mỗi ngày.
Để cải thiện môi trường làng nghề và nâng cao năng suất, nhiều hộ dân đã chung nhau đầu tư máy móc, thiết bị để làm bánh. Thay vì một gia đình làm thủ công tất cả các khâu thì các hộ từng bước kết hợp với nhau thực hiện chuyên môn hóa từng khâu trong sản xuất bánh đa để nâng cao hiệu quả sản xuất. Khoảng 5 năm trở lại đây, đã có 2 gia đình trong thôn Hội Yên đầu tư dàn làm bánh đa liên hoàn giúp bảo vệ môi trường làng nghề, tăng năng suất, chất lượng bánh đa và tạo việc làm cho hàng chục lao động khác tại địa phương.
Sau gần 30 năm làm nghề sản xuất bánh đa theo phương pháp thủ công, đến năm 2018, gia đình anh Phan Đắc Thược đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để mua dàn tráng sấy liên hoàn. Anh Thược kể lại, trước đây làm nghề rất vất vả, cả gia đình 5 - 6 người phải dậy từ 3 giờ sáng, làm đến 10 giờ đêm mới được khoảng 2tạ bánh. Mỗi ngày gia đình anh Thược phải sử dụng khoảng 20kg than để đốt lò tráng bánh. Từ khi đầu tư máy móc hiện đại, mỗi ngày gia đình anh sản xuất được khoảng 4 tấn bánh đa. Hiện nay, gia đình anh đang tạo việc làm cho gần 30 lao động địa phương với mức thu nhập từ 7 - 15 triệu đồng/người/tháng.
Anh Thược chia sẻ: "Công suất của dàn máy này thay thế cho khoảng 20 hộ sản xuất thủ công. Việc đầu tư máy móc cũng chuyển từ nhiên liệu than sang sử dụng điện và một phần củi. Gia đình tôi đã đầu tư hệ thống hầm biogas chất lượng cao nhiều ngăn để xử lý nước thải trong sản xuất. Việc đầu tư công nghệ trong sản xuất đã góp phần giảm khí thải, nước thải ra môi trường". Quá trình sấy khô, thái bánh liên hoàn giúp bảo đảm chất lượng bánh. Năm 2020, sản phẩm bánh đa Q5 của gia đình anh đã được tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao và đã xuất khẩu đi Phần Lan, Cộng hòa Séc.
Là hộ duy nhất trong thôn Hội Yên còn sản xuất bánh đa theo phương pháp thủ công nhưng gia đình ông Nguyễn Văn Hài cũng đã từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm và chú ý bảo vệ môi trường trong quá trình làm nghề. Ông Hài chia sẻ, trước đây gia đình ông nuôi nhiều lợn để tận dụng bánh đa thừa, nước gạo trong quá trình làm bánh. Vài năm trở lại đây, gia đình ông không nuôi lợn nữa. Bánh đa được phơi trong sân và trên tầng nhà, không phơi ra đường, tường rào như trước. Cống thoát nước thải đã được xây kín, không còn gây ô nhiễm môi trường.
Theo ông Nguyễn Đức Minh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Chi Lăng Nam, hoạt động của làng nghề bánh đa Hội Yên đã được ứng dụng máy móc, công nghệ hiện đại hơn, áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn để nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường. Sản phẩm bánh đa Hội Yên đã có tem mác, truy xuất được nguồn gốc và tiêu thụ rộng rãi. Đặc biệt, làng nghề bánh đa Hội Yên đã phát huy được hiệu quả du lịch làng nghề gắn với khu du lịch sinh thái Đảo Cò. Làng nghề hướng đến phát triển xanh, bền vững không chỉ giải "bài toán" về môi trường, mà còn thu hút một lượng lớn khách tham quan, du lịch. Xây dựng và phát triển làng nghề bánh đa Hội Yên theo hướng xanh là yêu cầu tất yếu nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế của địa phương.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/moi-truong/xay-dung-lang-nghe-banh-da-hoi-yen-xanh-215057