XÂY DỰNG LUẬT CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG, AN NINH VÀ ĐỘNG VIÊN CÔNG NGHIỆP ĐỂ ĐÁP ỨNG NHIỆM VỤ BẢO VỆ AN NINH TỔ QUỐC TỪ SỚM, TỪ XA
Ngày 8/11, thảo luận tổ về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp nhiều đại biểu thống nhất với sự cần thiết xây dựng luận để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh Tổ quốc từ sớm, từ xa, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh tại các khu vực phòng thủ, phù hợp với quy định tại Luật Quốc phòng.
Cơ sở ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp thuyết phục và toàn diện.
Góp ý hoàn thiện dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp tại phiên thảo luận tổ, nhiều ý kiến cho rằng, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh Tổ quốc từ sớm, từ xa, việc ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp là rất cần thiết, để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh tại các khu vực phòng thủ, phù hợp với Điều 4, Luật Quốc phòng về huy động nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; đồng thời bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quốc phòng, an ninh, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế và sách Trắng Quốc phòng của Việt Nam.
Cơ sở ban hành Luật thể hiện trong Tờ trình của Chính phủ là thuyết phục và toàn diện. Bởi hiện nay, cơ sở pháp lý trực tiếp điều chỉnh lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp vẫn là những văn bản dưới luật (Pháp lệnh Động viên công nghiệp năm 2003, Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng năm 2008, Nghị định số 63/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về công nghiệp an ninh) và có nhiều điểm không phù hợp với các luật chuyên ngành, chưa thể chế hóa được quan điểm của Đảng trong lĩnh vực này. Do vậy, để có cơ sở pháp lý đủ mạnh và thống nhất, cần gộp ba lĩnh vực trên để đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trong giai đoạn hiện nay.
Với 07 chương và 73 điều, nội dung của dự án Luật đã thể hiện khá rõ 05 nhóm chính sách đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua trong quá trình đề xuất điều chỉnh bổ sung đưa dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Cụ thể: (i) phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh theo hướng lưỡng dụng, bảo đảm sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh; (ii) hoàn thiện, sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh; (iii) thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh; (iv) huy động nguồn lực cho phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh; (v) bảo đảm hiệu quả hoạt động động viên công nghiệp.
Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát nội dung của Dự thảo Luật để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất tránh chồng chéo, trùng lặp với các luật hiện hành, như nội dung quy định về: quỹ đầu tư phát triển trong Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; quỹ phát triển khoa học công nghệ trong Luật Khoa học và Công nghệ; chính sách miễn trách nhiệm dân sự, hình sự trong Luật Khoa học và Công nghệ, Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, quy hoạch xây dựng công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh trong Luật Quy hoạch; tổ chức bộ máy trong Luật Tổ chức Chính phủ; miễn giảm một phần thuế thu nhập cá nhân cho chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong Luật Thuế Thu nhập cá nhân....
Bổ sung quy định ưu tiên, ưu đãi cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh.
Đóng góp ý kiến về chính sách của Nhà nước đối với xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho biết, dự án luật chưa có Điều quy định về chính sách của Nhà nước. Đại biểu đề nghi bổ sung một điều quy định về chính sách của Nhà nước đối với xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh, thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp.
Đối với quy định tại khoản 1 Điều 25 dự án luật về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét chỉnh sửa các quy định tại Điều 25 Dự thảo Luật theo hướng tăng cường thu hút doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Bởi nnhững chính sách được quy định tại điều này chưa đủ hấp dẫn để huy động doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh. Cần bổ sung quy định ưu tiên, ưu đãi cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh nhằm huy động nguồn lực xã hội to lớn vào lĩnh vực hết sức quan trọng này. Nhất là đối với lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nhấn mạnh, cơ chế, chính sách cho nghiên cứu, sản xuất các vũ khí trang bị kỹ thuật, vật tư kỹ thuật và các sản phẩm, dịch vụ phục vụ quốc phòng, an ninh thường có tính đặc thù, có chính sách ưu tiên và được bảo đảm bí mật đặc biệt, không bị kiểm tra, thanh tra, giám sát của các cơ quan chức năng...
Điểm c khoản 1 và điểm c khoản 2 Điều 3 của Dự thảo Luật quy định công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh tham gia phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Khi công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh tham gia phát triển kinh tế - xã hội cũng áp dụng như các ngành công nghiệp khác phải tuân theo pháp luật, chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, không được hưởng chính sách ưu tiên, có nguy cơ về lộ, lọt bí mật nhà nước. Do vậy, đại biểu đề nghị nghiên cứu, làm rõ cơ chế việc bảo vệ bí mật trong quá trình thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp quốc phòng, an ninh tham gia phát triển kinh tế - xã hội.
Qua tổng hợp ý kiến đóng góp vào dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, đại biểu Trần Thị Vân – Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho biết, tại Khoản 7, Điều 18 quy định "Tổ chức cá nhân tham gia hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh theo nhiệm vụ do cấp có thẩm quyền phê duyệt được hưởng chính sách miễn trách nhiệm dân sự theo quy định của Luật Khoa học và công nghệ và được loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại, rủi ro do nguyên nhân khách quan". Có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu kỹ lưỡng, bởi hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng an ninh thực hiện theo Luật Khoa học và công nghệ nhưng Luật này lại không có quy định miễn trách nhiệm dân sự. Ngoài ra, quy định trên cũng không phù hợp với nguyên tắc bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 601 của Bộ luật Dân sự.
Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự án luật, đại biểu Đỗ Đức Duy – Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái quan tâm đến quy hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, đại biểu cho biết có hai loại quy hoạch độc lập nhau, đó là quy hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng và quy hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp an ninh. Đại biểu nhận thấy tại các khoản và tên các Điều 67, 89 đều dùng khái niệm chung là quy hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh. Điều này có thể dẫn đến cách hiểu là lập một quy hoạch, một đồ án quy hoạch chung cho việc xây dựng và phát triển cả công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh, như vậy sẽ khó khăn trong quá trình thực hiện, kể cả là các chủ thể có liên quan.
"Tôi đề nghị là biên tập lại theo hướng tách bạch rõ quy hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng với quy hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp an ninh. Và khi đó thì các chủ thể có liên quan được đề cập như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cũng sẽ được tách bạch rõ ràng hơn”, đại biểu Đỗ Đức Duy nêu quan điểm.
Đại biểu phân tích, theo quy định, quy hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh là các quy hoạch ngành quốc gia. Điều đó có nghĩa là việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh các quy hoạch này phải tuân thủ theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, trừ các nội dung liên quan đến bí mật nhà nước. Tuy nhiên, quy định trong dự thảo hiện nay chưa bảo đảm các quy định của Luật Quy hoạch, chẳng hạn nhưng không có bước phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, không có nội dung quy định về điều chỉnh quy hoạch thì đề nghị rà soát, biên tập lại cho phù hợp.
Liên quan đến giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng chủ chốt, cơ sở công nghiệp an ninh, đại biểu Đỗ Đức Duy đề nghị nghiên cứu quy định theo hướng thống nhất với các quy định hiện hành về giao nhiệm vụ đặt hàng, đấu thầu, cung cấp dịch vụ công và hiện nay quy định bằng các nghị định của Chính phủ. Hiện nay trong dự án luật giao cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an quy định về trình tự, thủ tục giao nhiệm vụ đặt hàng các sản phẩm quốc phòng, an ninh về dịch vụ quốc phòng, an ninh tại các cơ sở công nghiệp quốc phòng, cơ sở công nghiệp an ninh, về vấn đề này đại biểu đề nghị chuyển giao thẩm quyền này cho Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ.
Về chế độ, chính sách xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh trong dự thảo luật đưa ra nhiều cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho công nghiệp quốc phòng, an ninh khác với quy định của các pháp luật hiện hành như quy hoạch, xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh, giao nhiệm vụ, đặt hàng đối với các cơ sở công nghiệp quốc phòng, an ninh, hoạt động khoa học công nghệ rồi bảo đảm nguồn lực… Đại biểu đề nghị có báo cáo giải trình làm rõ các cơ chế, chính sách đặc thù khác với quy định của luật hiện hành.
Thảo luận dự án luật, một số ý kiến đề nghị khoản 2, Điều 5 dự thảo Luật cần bổ sung thêm quy định cấm hành vi chuyển đổi các tài sản do Nhà nước giao cho cơ sở công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh hoặc giao cho doanh nghiệp để hoàn chỉnh dây chuyền động viên công nghiệp để phù hợp với Luật Đất đai hiện hành.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=81915