Xây dựng Luật Nhà giáo: Cần một khung pháp lý chuyên biệt cho nhà giáo

Trong Dự thảo Luật Nhà giáo trình Chính phủ, chính sách về tiền lương, đãi ngộ đối với giáo viên là 1 trong 4 chính sách cơ bản được đề cập. Chính sách này nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 29-NQ/TW 'tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo theo quy định của Chính phủ'.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bài 1: Mong chờ việc luật hóa chủ trương lương giáo viên cao nhấtThêm động lực để giáo viên yên tâm công tác

Thực tế, nhà giáo đang có mức lương thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung nhiều ngành nghề ở nước ta. Đây cũng được xem là một nguyên nhân khiến nhiều giáo viên nghỉ việc, chuyển việc trong thời gian gần đây.

Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, tính từ tháng 8/2023 đến tháng 4/2024, có 7.215 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc. Mặc dù số giáo viên nghỉ việc, chuyển việc của năm học 2023-2024 đã giảm khoảng 2.000 người so với cùng khoảng thời gian năm trước đó (năm học 2022 - 2023 có 9.295 giáo viên bỏ việc, chuyển việc) nhưng vẫn ở mức cao.

Trong 7.215 giáo viên nghỉ việc, số giáo viên bỏ nghề ở bậc mầm non chiếm tỷ lệ cao (1.600 giáo viên mầm non) và giảm dần theo các cấp học từ thấp đến cao. Theo Bộ GD&ĐT, giáo viên nghỉ việc chủ yếu tập trung ở các vùng kinh tế - xã hội phát triển, giáo viên có nhiều sự lựa chọn để chuyển đổi nghề nghiệp với mức thu nhập cao hơn.

Vậy nên, chính sách về tiền lương trong Dự thảo Luật Nhà giáo được kỳ vọng sẽ giúp nhà giáo yên tâm làm việc, cống hiến và phát triển nghề nghiệp; thu hút, trọng dụng và ưu đãi với người có tài năng làm nhà giáo; thu hút nhà giáo về công tác và công tác lâu dài trong ngành Giáo dục, đặc biệt ở các vùng khó khăn...

Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD & ĐT)

Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD & ĐT)

Hơn 10 năm đứng trên bục giảng và thuộc thế hệ nhà giáo trẻ, anh Nguyễn Văn Quang (35 tuổi), công tác tại một trường THPT trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình), thẳng thắn thừa nhận tiền lương là một trong những yếu tố then chốt ảnh hưởng đến quyết định có gắn bó với nghề của mình.

"Như tôi, mặc dù đã công tác trong ngành được hơn 10 năm nhưng mức lương hàng tháng của tôi chỉ đủ để trang trải cuộc sống ở nông thôn. Ngoài thời gian lên lớp, nhiều giáo viên khác có thể dạy thêm ở ngoài nhưng với giáo viên giảng dạy môn Địa lý như tôi thì điều đó rất khó. Vậy nên, bản thân tôi cũng phải nhận thêm việc để có thêm thu nhập.

Thực tế, câu chuyện lương của giáo viên đã được nhắc đến nhiều lần rồi, mỗi lần đọc được thông tin, chúng tôi đều mừng và hy vọng. Chúng tôi mong Dự thảo Luật Nhà giáo nếu như được thông qua sẽ giải quyết dứt điểm vấn đề lương của giáo viên", anh Quang cho biết.

Cùng chung quan điểm, cô Nguyễn Thị Quang, giáo viên Trường Tiểu học Chiềng Sơn (Mộc Châu, tỉnh Sơn La) bày tỏ, với mức lương hiện nay, đội ngũ giáo viên không đủ trang trải cuộc sống, đặc biệt là những giáo viên mới ra trường. Từ thực tế trên, cô Quang mong muốn, Dự thảo Luật Nhà giáo sẽ có những chính sách, đãi ngộ điều chỉnh thu nhập cho đội ngũ giáo viên.

Đề xuất phụ cấp ưu đãi theo nghề ở mức cao nhất

Về chính sách tiền lương đối với nhà giáo, Dự thảo Luật Nhà giáo quy định, chính sách tiền lương của nhà giáo bao gồm tiền lương, phụ cấp và các chế độ khác (nếu có). Tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Cô Nguyễn Thị Quang, giáo viên Trường Tiểu học Chiềng Sơn (Mộc Châu, Sơn La)

Cô Nguyễn Thị Quang, giáo viên Trường Tiểu học Chiềng Sơn (Mộc Châu, Sơn La)

Tiền lương và các chính sách theo lương của các nhà giáo công tác tại các cơ sở giáo dục dân lập, cơ sở giáo dục tư thục và các cơ sở giáo dục công lập tự chủ chi thường xuyên, tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo có cùng trình độ đào tạo, cùng thâm niên, cùng chức danh trong các cơ sở giáo dục công lập đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước và không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ.

Nhà giáo công tác ở các ngành, lĩnh vực có chế độ đặc thù thì được hưởng chế độ đặc thù đó nếu đáp ứng được các quy định của chính sách. Nhà giáo công tác ở ngành lĩnh vực mà ngành, lĩnh vực đó có chính sách trùng với chính sách dành cho nhà giáo nhưng ở mức cao hơn thì được hưởng 1 chính sách có mức cao nhất.

Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), cho biết, chính sách tiền lương là 1 trong 4 chính sách cơ bản của Dự thảo Luật Nhà giáo, gồm: Định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo.

Trong đó, Dự thảo Luật Nhà giáo quy định, nhà giáo được xếp lương cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp, bảo đảm bình đẳng giữa nhà giáo công lập và ngoài công lập.

Liên quan đến băn khoăn của nhiều giáo viên rằng, liệu mức tiền lương mới (theo đề xuất) có thấp hơn mức lương hiện tại hay không, ông Vũ Minh Đức cho biết, theo quy tắc xây dựng tiền lương mới, tiền lương cơ bản chiếm 70%, phụ cấp ưu đãi chiếm 30%. Riêng ngành Giáo dục sẽ được hưởng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề ở mức cao nhất.

"Theo quy định, tiền lương mới không thấp hơn tiền lương cũ, trong trường hợp thấp hơn, nhà giáo sẽ được bảo lưu mức cũ", ông Đức nhấn mạnh.

Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết thêm, dự thảo Luật còn đề xuất các chế tài để bảo đảm tiền lương và chính sách theo lương của nhà giáo công tác tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, tự chủ phải bảo đảm không ít hơn so với nhà giáo có cùng trình độ đào tạo, cùng thâm niên, cùng chức danh trong các cơ sở giáo dục công lập đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

Bài sau: Băn khoăn về đề xuất nhà giáo phải có chứng chỉ hành nghề

Nguyễn Hải Phong

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/xay-dung-luat-nha-giao-can-mot-khung-phap-ly-chuyen-biet-cho-nha-giao-20240701151421295.htm