Xây dựng luật phải tháo gỡ vướng mắc thực tiễn

Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 27-8 đã chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật, thảo luận, cho ý kiến đối với 3 dự án luật: Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN); Luật Nhà giáo; Luật Công nghiệp công nghệ số.

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã nghe trình bày tờ trình tóm tắt, báo cáo tiếp thu ý kiến thẩm định và thảo luận các nội dung, chính sách.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng yêu cầu xây dựng luật cần bám sát, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về các vấn đề liên quan; tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn.

Với dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại DN, Thủ tướng yêu cầu bám sát, thể chế hóa các nội dung tại Nghị quyết 12/2017 của Trung ương về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DN nhà nước; đặt lợi ích chung, lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết.

Về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, người đứng đầu Chính phủ lưu ý tiếp tục bám sát, quán triệt và thể chế hóa các chủ trương của Đảng tại các nghị quyết của Trung ương, kế hoạch của Bộ Chính trị liên quan việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đối với dự án Luật Nhà giáo, Thủ tướng yêu cầu khi soạn thảo cần có các chính sách nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, sứ mệnh "trồng người" trong điều kiện mới, với quan điểm "thầy cô giáo là động lực, truyền cảm hứng cho học sinh, sinh viên".

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao các bộ Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo tiếp thu, giải trình ý kiến của Thường trực Chính phủ, thành viên Chính phủ để chỉnh lý, hoàn thiện các dự án luật, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10-2024.

Minh Chiến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/xay-dung-luat-phai-thao-go-vuong-mac-thuc-tien-196240827205814153.htm