Xây dựng mã vùng trồng để phát triển bền vững
'Trước đây, nghe nói xây dựng mã vùng trồng sẽ được bao tiêu sản phẩm, giá cả thị trường ổn định nên nông dân trông đợi lắm. Nay được hướng dẫn triển khai, chúng tôi hào hứng tham gia bởi đó là quyền lợi sát sườn của mình. Chúng tôi quyết tâm xây dựng mã vùng trồng sầu riêng thành công để phát triển nông nghiệp bền vững'. Đó là chia sẻ của ông Phạm Văn Chiến ở thôn 3, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng, người đã có nhiều năm gắn bó với cây sầu riêng.
Vườn sầu riêng Thái và Ri6 hơn 4 năm tuổi của gia đình ông Chiến đang trong thời kỳ kết trái. Từ khi xuống giống đến nay, ông Chiến luôn học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc của những người đi trước, trên sách báo, internet để áp dụng vào vườn nhà. Ông còn tham khảo quy trình và tự ủ phân cá bón cho cây để sầu riêng sinh trưởng, phát triển tốt.
Ông Phạm Văn Chiến trông đợi xây dựng thành công mã vùng trồng để phát triển nông nghiệp bền vững - Ảnh: Hoàng Vũ
Với những nông dân như ông Chiến, được trở thành một mắt xích trong chuỗi sản xuất nông nghiệp hiện đại, bền vững, có năng suất, chất lượng và hiệu quả luôn là khát khao hướng tới. Bởi vậy, cuối năm 2022, khi có doanh nghiệp về ký hợp đồng hướng dẫn xây dựng mã vùng trồng sầu riêng cho nông dân ở xã Thống Nhất, ông Chiến đã tích cực tham gia.
Không chỉ ông Chiến, những nông dân ở xã Thống Nhất khi tham gia xây dựng mã vùng trồng sầu riêng đều rất hào hứng. Qua những cuộc họp phổ biến, hội thảo, đi thực tế… bà con hiểu rằng, xây dựng mã vùng trồng sầu riêng chính là thay đổi tư duy sản xuất. Tham gia xây dựng mã vùng trồng đồng nghĩa với người nông dân phải tuân thủ nghiêm các yêu cầu của sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, từ canh tác, chăm sóc, thu hoạch, chế biến đến vận chuyển, phân phối… Việc thay đổi thói quen sản xuất dù khó nhưng bà con vẫn rất tâm huyết và quyết tâm thực hiện.
Bà Dương Thị Yiêm hy vọng khi được cấp mã vùng trồng, sầu riêng đạt năng suất, chất lượng, có đầu ra ổn định và khẳng định được thương hiệu sầu riêng Việt Nam trên thị trường quốc tế - Ảnh: Hoàng Vũ
Có 2 ha sầu riêng tham gia chuỗi liên kết xây dựng mã vùng trồng, bà Dương Thị Yiêm ở thôn 11, xã Thống Nhất cho biết đã thực hiện đúng theo yêu cầu của đơn vị hướng dẫn về quy trình sản xuất, chủ yếu sử dụng phân bón hữu cơ, hạn chế thuốc hóa học và thực hiện bảo hộ lao động, ghi chép đầy đủ thông tin trong nhật ký canh tác… “Tôi hy vọng khi phát triển mã vùng trồng, sầu riêng đạt năng suất, chất lượng, có đầu ra ổn định, xuất khẩu chính ngạch sẽ khẳng định được thương hiệu sầu riêng Việt Nam trên thị trường quốc tế” - bà Yiêm kỳ vọng.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thống Nhất Nguyễn Văn Điềm cùng nông dân kiểm tra tỷ lệ đậu trái của vườn sầu riêng - Ảnh: Hoàng Vũ
Ông Nguyễn Văn Điềm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thống Nhất cho biết, thông qua các cuộc họp, hội đã tuyên truyền, định hướng để các hộ dân biết về tầm quan trọng của việc xây dựng mã vùng trồng. Theo quy định, yêu cầu về diện tích cây ăn trái phải tối thiểu từ 10 ha trở lên, trong khi đó, diện tích canh tác sầu riêng của các hộ trong xã chủ yếu từ 1-2 ha. Do đó, Hội Nông dân xã đã hỗ trợ thành lập tổ liên kết nông dân trồng sầu riêng để thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển mã vùng trồng.
Thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Thống Nhất đã chuyển đổi cây trồng từ tiêu, điều, cao su sang sầu riêng, vì thế diện tích sầu riêng của xã hiện khoảng 400 ha. Trong đó, 22 hộ đã tham gia xây dựng mã vùng trồng sầu riêng với tổng diện tích 31 ha. Đến nay, các hộ đã hoàn thiện hồ sơ xin cấp mã vùng trồng và gửi cơ quan chức năng để tiến hành các bước theo quy định.
Đông Nam Bộ là một trong những khu vực được Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cảnh báo trồng sầu riêng ồ ạt, tiềm ẩn rủi ro khi cung vượt cầu. Để tránh tái diễn tình trạng trồng - chặt như một số loại cây trồng những năm trước, bên cạnh việc định hướng phát triển, tham gia xây dựng mã vùng trồng sẽ góp phần đảm bảo đầu ra cho người trồng sầu riêng thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Việc thiết lập và đăng ký cấp mã số vùng trồng nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, chất lượng sản phẩm đảm bảo sự an toàn của nông sản trong từng giai đoạn, từ trước và sau thu hoạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng như quy cách đóng gói... Như vậy, người nông dân giữ một khâu rất quan trọng trong chuỗi giá trị sản xuất của ngành hàng nông sản. Quyền lợi sẽ đi đôi với trách nhiệm tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Hiểu được điều đó, người nông dân mới có thể làm chủ được trên thương trường.