Xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp

Theo Kết luận số 130-KL/TW/2025 của Bộ Chính trị, về số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp (còn 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương), tên gọi và trung tâm hành chính - chính trị của đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp.

Kết thúc cấp huyện

Kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện hiện nay kể từ ngày 1/7/2025 sau khi Hiến pháp năm 2013 (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) có hiệu lực thi hành. Bộ Chính trị giao Đảng ủy Chính phủ phối hợp với Đảng ủy Quốc hội nghiên cứu quy định thời gian chuyển tiếp để hoàn thành việc bàn giao, kết thúc hoạt động của chính quyền địa phương cấp huyện và thời gian chính thức đi vào hoạt động của các cơ quan cấp tỉnh, cấp xã sau khi sắp xếp, sáp nhập, bảo đảm hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình dự kiến sắp xếp, sáp nhập.

Trung tâm hành chính huyện Hàm Thuận Bắc. Ảnh: N.Lân

Trung tâm hành chính huyện Hàm Thuận Bắc. Ảnh: N.Lân

Về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã: Thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm cả nước giảm trên 50% số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện nay. Không thực hiện sắp xếp đối với đơn vị hành chính có vị trí biệt lập hoặc có vị trí đặc biệt quan trọng liên quan đến quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia… Việc đặt tên của đơn vị hành chính cấp cơ sở sau sắp xếp cần dễ nhận diện, ngắn gọn; đặt tên của đơn vị hành chính có giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa và được Nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ.

Thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp

Về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: Tổ chức chính quyền địa phương cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương). Chính quyền địa phương cấp tỉnh gồm có HĐND và UBND. HĐND cấp tỉnh tổ chức 3-4 ban chuyên môn giúp việc. UBND cấp tỉnh tổ chức 14 sở và tương đương (riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tổ chức 15 sở và tương đương). Số lượng cán bộ, công chức, viên chức của cấp tỉnh sau sắp xếp tối đa không vượt quá tổng số cán bộ, công chức, viên chức (số có mặt) của cấp tỉnh trước sắp xếp và thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm trong thời hạn 5 năm cơ bản bố trí theo đúng quy định. Sau khi chính quyền địa phương cấp tỉnh đi vào hoạt động, giao Đảng ủy Chính phủ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan căn cứ quy mô dân số, diện tích tự nhiên, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh để xây dựng vị trí việc làm trình cấp có thẩm quyền giao biên chế công chức, viên chức cho địa phương.

Tổ chức chính quyền địa phương cấp xã: Về cơ cấu tổ chức, chính quyền địa phương cấp xã có HĐND và UBND. HĐND cấp xã tổ chức 2 ban chuyên môn giúp việc; UBND cấp xã tổ chức 4 phòng chuyên môn và tương đương. Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chính quyền địa phương cấp xã thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Chính phủ; đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền địa phương cấp xã theo năng lực và yêu cầu quản lý. Về biên chế, chuyển biên chế cấp huyện hiện có để bố trí biên chế cấp xã, có thể tăng cường cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh về cấp xã.

Truớc mắt giữ nguyên số lượng biên chế cán bộ, công chức, viên chức của cấp huyện, cán bộ, công chức của cấp xã hiện có trước sắp xếp và thực hiện việc rà soát, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm trong thời hạn 5 năm cơ bản theo đúng quy định. Sau khi chính quyền địa phương đi vào hoat động, giao Đảng ủy Chính phủ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan căn cứ quy mô dân số, diện tích tự nhiên, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã để xây dựng vị trí việc làm trình cấp có thẩm quyền giao biên chế công chức, viên chức cho địa phương.

Trước mắt giữ nguyên thôn, tổ dân phố

Kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; giao chính quyền địa phương xem xét, có thể sắp xếp người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tham gia công tác tại thôn, tổ dân phố và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ không bố trí công tác theo quy định.

Tiếp tục xác định thôn, tổ dân phố là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư, không phải là cấp hành chính; trước mắt giữ nguyên thôn, tổ dân phố hiện có; sau đó giao Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu và xác định lộ trình sắp xếp, tổ chức lại thôn, tổ dân phố theo hướng tinh gọn, phục vụ trực tiếp đời sống của cộng đồng dân cư trên địa bàn cơ sở.

Về tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập, giữ nguyên các đơn vị sự nghiệp giáo dục, y tế và thực hiện chuyển giao cho chính quyền cấp xã quản lý các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non, trạm y tế của đơn vị cơ sở mới để bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân ngay tại cơ sở và bảo đảm đủ trường, lớp cho học sinh trên địa bàn cơ sở. Đối với trung tâm y tế thuộc UBND cấp huyện hiện nay sẽ chuyển về Sở Y tế quản lý để tổ chức cung ứng dịch vụ theo khu vực liên xã, phường. Đối với các đơn vị sự nghiệp khác, giao Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tinh gọn đầu mối, bảo đảm cung ứng nhiều dịch vụ công cơ bản, thiết yếu trên địa bàn đơn vị hành chính cấp xã, liên xã.

TUẤN KHÔI

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/xay-dung-mo-hinh-chinh-quyen-dia-phuong-2-cap-129987.html