Xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị - Tạo cơ hội cho HTX phát triển

Sản xuất sản phẩm theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học kỹ thuật đang là xu thế, hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển bền vững của toàn ngành nông nghiệp. Vì vậy, Liên minh HTX tỉnh đang đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ các HTX xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị.

Chăm sóc cây sâm Bố Chính tại HTX Sâm Cúc Phương Bochi. Ảnh: Hồng Nhung

Chăm sóc cây sâm Bố Chính tại HTX Sâm Cúc Phương Bochi. Ảnh: Hồng Nhung

Thực hiện Kế hoạch số 61/KH-UBND ngày 31/3/2022 của UBND tỉnh về phát triển kinh tế tập thể, HTX năm 2022, Liên minh HTX tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai các mô hình sản xuất sản phẩm theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao tại một số HTX trên địa bàn tỉnh. Trong đợt này, Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ 4 HTX xây dựng mô hình sản xuất sản phẩm theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học kỹ thuật.

Là một trong 4 HTX được hỗ trợ lần này, HTX Sâm Cúc Phương BoChi, xã Yên Quang (Nho Quan) với ngành nghề chính là chuyên trồng, chế biến các sản phẩm từ sâm Bố Chính được Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ xây dựng triển khai mô hình sản xuất sản phẩm theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao.

Sâm Bố Chính hay còn gọi là sâm Thổ hào, sâm núi. Theo các nhà khoa học sâm Bố Chính có dược tính rất cao, tương đương nhân sâm Hàn Quốc và có vị ngọt, tính mát. Tác dụng chính là điều trị ho, hạ sốt, bồi bổ cơ thể, tăng cường chức năng tiêu hóa, điều hòa kinh nguyệt, hỗ trợ điều trị ung thư. Nhận thấy nhu cầu và sử dụng dược liệu để chế biến các thực phẩm chức năng phục vụ nâng cao sức khỏe của người dân ngày càng cao, đặc biệt phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao, năm 2021, HTX Sâm Cúc Phương BoChi huyện Nho Quan chính thức được thành lập.

Ông Quách Văn Kỳ, Giám đốc HTX Sâm Cúc Phương Bochi cho biết: Năm 2020 chúng tôi đưa cây sâm Bố Chính về trồng thử nghiệm tại bìa rừng Vườn Quốc gia Cúc Phương. Qua 1 năm đưa vào khai thác nhận thấy cây sâm này phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây, đặc biệt là chất lượng củ sâm rất tốt, đưa ra thị trường được khách hàng chấp nhận. Năm 2021, được sự tư vấn, hỗ trợ của các cấp, các ngành đã thành lập HTX Sâm Cúc Phương Bochi và từng bước mở rộng diện tích canh tác lên 3 ha, hiện nay đang khai thác 2 ha, còn 1 ha để trồng gối vụ.

Đặc điểm cây sâm rất khó tính, quá trình trồng áp dụng KHKT tưới nhỏ giọt, xử lý toàn bộ phân hữu cơ, bón lót bằng phân chuồng hoai mục ủ với phân vi sinh đảm bảo mới đưa xuống đất bón lót. Trong quá trình trồng canh tác theo quy trình hữu cơ, không dùng phân bón hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật, chỉ chăm sóc bằng vi sinh, đạm cá, trùn quế..., ứng dụng công nghệ cao ở những công đoạn như tưới nước tự động, sấy lạnh.

Hiện HTX đang cho ra các sản phẩm như: sâm tươi, trà sâm, bột sâm, sâm thái lát... Trung bình mỗi vụ, mỗi ha thu được 1,5 tấn sâm tươi, với giá bán củ sâm tươi dao động từ 600 nghìn - 1,5 triệu đồng/kg, tùy chất lượng loại củ. Sâm sau thu hoạch được đem sấy lạnh, chế biến thành trà sâm, tinh bột sâm. Tinh bột sâm có giá khoảng 400 nghìn đồng/hộp 100gram; trà sâm có giá khoảng 60 nghìn đồng/hộp 100gram. Ước tính trung bình mỗi vụ cây sâm Bố Chính cho HTX thu nhập trên 1 tỷ đồng. Ngoài ra, HTX còn tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương với thu nhập 200 nghìn đồng/ngày.

Nhận thấy tiềm năng từ cây sâm mang lại cũng như tạo điều kiện giúp HTX phát triển bền vững, Liên minh HTX tỉnh đã tiến hành khảo sát và hỗ trợ HTX triển khai xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi sản xuất bằng việc hỗ trợ HTX đầu tư mua sắm máy móc cũng như tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao KHKT về trồng và chăm sóc cây sâm theo hướng VietGap với tổng kinh phí 700 triệu đồng, trong đó Liên minh hỗ trợ 500 triệu đồng, còn lại là vốn đối ứng của HTX.

Hệ thống tưới tự động cho rau má tại HTX nông nghiệp Vân Trà (Yên Thắng, Yên Mô). Ảnh: Hoàng Hiệp

Việc hỗ trợ HTX đầu tư lắp đặt hệ thống máy móc phục vụ chế biến sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như mẫu mã sẽ góp phần giúp HTX từng bước khẳng định được vị thế trên thị trường, hướng tới mục tiêu mở rộng thị trường vào hệ thống các siêu thị, các cửa hàng nông sản sạch, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, từng bước nâng cao thu nhập cho các hộ thành viên.

Đồng chí Nguyễn Cao Các, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho biết: Thời gian qua trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng trồng cây dược liệu, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với cấy lúa. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo phòng Nông nghiệp huyện quy hoạch những diện tích trồng lúa kém hiệu quả chuyển đổi sang mô hình trồng cây dược liệu phục vụ sản xuất những sản phẩm dược phẩm phục vụ nhu cầu thị trường.

Đồng chí Tô Quốc Việt, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Năm 2022 Liên minh HTX tỉnh đang triển khai hỗ trợ cho 4 đơn vị xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, làm cơ sở nhân rộng cho các mô hình tiếp theo. Mỗi mô hình triển khai với tổng kinh phí 700 triệu đồng, trong đó tỉnh hỗ trợ 500 triệu đồng mua sắm trang thiết bị, máy móc, công nghệ mới cho các HTX ứng dụng, còn lại là nguồn vốn của HTX.

Việc hỗ trợ các HTX tham gia mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị là điều kiện thuận lợi để các HTX nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường, giúp các HTX xây dựng được chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo cơ hội cho các HTX ngày càng phát triển.

Hồng Nhung

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/xay-dung-mo-hinh-san-xuat-theo-chuoi-gia-tri-tao-co-hoi-cho/d20221204211551386.htm