Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm: Trẻ có thêm nhiều cơ hội phát triển

Một trong những kết quả nổi bật của ngành Giáo dục mầm non Đồng Nai trong 5 năm qua (2015-2020) là thực hiện thành công chuyên đề xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.

Học sinh Trường mầm non Ánh Dương (P.Bảo Vinh, TP.Long Khánh) trải nghiệm hoạt động mua bán hàng tại khu vực chợ quê trong sân trường. Ảnh: H. Yến

Học sinh Trường mầm non Ánh Dương (P.Bảo Vinh, TP.Long Khánh) trải nghiệm hoạt động mua bán hàng tại khu vực chợ quê trong sân trường. Ảnh: H. Yến

Thông qua chuyên đề này, các trường mầm non, mẫu giáo trong toàn tỉnh đã đầu tư thêm nhiều đồ dùng, đồ chơi; tạo nhiều sân chơi trong và ngoài lớp học. Nhờ đó, trẻ có nhiều sân chơi để phát triển kỹ năng của bản thân.

* Thay đổi diện mạo ngôi trường

Trường mầm non Ánh Dương (P.Bảo Vinh, TP.Long Khánh) là điển hình tiêu biểu trong thực hiện chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm. Chỉ trong vòng 5 năm, “bộ mặt” của nhà trường đã hoàn toàn thay đổi. Từ một ngôi trường mới được xây dựng có rất ít cây xanh, hầu như thiếu vắng các góc hoạt động ngoài trời cho trẻ, đến nay trường đã được phủ bởi một màu xanh mát. Trong sân trường, trẻ có rất nhiều góc hoạt động: khu vực sân khấu ca nhạc cho những trẻ đam mê ca hát; khu chợ quê cho các bé trải nghiệm hoạt động mua bán; khu thư viện cho trẻ làm quen với sách...

Để có được diện mạo ấy, nhà trường đã xây dựng kế hoạch, thiết kế chi tiết các góc hoạt động ở sân trường theo tiêu chí giúp trẻ vừa được gần gũi thiên nhiên vừa được làm quen với môi trường của một xã hội thu nhỏ. Kế hoạch được tập thể giáo viên trong trường góp ý, phổ biến đến phụ huynh để kêu gọi tinh thần cộng đồng trách nhiệm của phụ huynh học sinh. Năm đầu tiên thực hiện, không có nhiều người mặn mà với hoạt động này. Nhưng từ hiệu quả ban đầu, dần dần, số phụ huynh ủng hộ, chung sức chung lòng với nhà trường ngày càng nhiều. Từ đó, việc huy động nguồn lực xã hội hóa cũng trở nên thuận lợi hơn.

Đầu tư nhiều thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi

Thực hiện chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, Sở GD-ĐT đã tham mưu UBND tỉnh đầu tư 754 tỷ đồng để mua sắm, trang bị thiết bị dạy học và đồ dùng, đồ chơi cho các trường mầm non trong tỉnh.

Ngoài ra, các phòng GD-ĐT đã tập trung chỉ đạo cơ sở làm tốt công tác tham mưu với lãnh đạo địa phương và phối kết hợp với các ban, ngành, các tổ chức và cá nhân... đầu tư kinh phí để xây dựng, mua sắm, cung cấp thêm một số thiết bị hỗ trợ cho việc thực hiện chuyên đề; ưu tiên nguồn kinh phí đầu tư xây dựng, sửa chữa và bổ sung trang thiết bị dạy học cho các trường mầm non công lập thực hiện mô hình thí điểm với tổng kinh phí hơn 215 tỷ đồng.

Khi vui chơi ở các góc, trẻ được hoạt động tích cực, sáng tạo ra nhiều cách chơi, học cách chia sẻ, cộng tác hoặc chơi cùng với bạn, mở rộng hiểu biết. Hoạt động vui chơi ở các góc giúp trẻ lĩnh hội kiến thức, kỹ năng một cách nhẹ nhàng, tự nhiên, hiệu quả, phát triển trí tuệ và phát huy được tính sáng tạo của mình.

“Nếu không có phụ huynh thì dù kế hoạch của trường có hay cách mấy cũng khó xây dựng được môi trường giáo dục phù hợp cho trẻ. Ở đây, phụ huynh không chỉ đóng góp tiền mà còn ủng hộ cả tinh thần, công sức nữa” - cô Sái Thị Là, Hiệu trưởng Trường mầm non Ánh Dương chia sẻ.

Nhờ cách làm hợp lý, hiệu quả, Trường mầm non Ánh Dương không chỉ trở thành đơn vị đi đầu trong thực hiện chuyên đề này ở tỉnh mà còn nhận được bằng khen của Bộ GD-ĐT trong cuộc thi chuyên đề năm 2018.

Trường mầm non Long Thành (H.Long Thành) là một trong 4 trường được chọn làm điểm của tỉnh về xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Trước khi thực hiện chuyên đề này, trường cũng thiếu các mảng xanh, thiếu đồ chơi tự tạo, thiếu các khu vực vui chơi giúp trẻ khám phá, trải nghiệm... Do đó, giáo viên chủ yếu tổ chức các hoạt động trong lớp mà ít có các hoạt động giáo dục ngoài lớp học.

Tháng 11-2017, trường bắt đầu được đầu tư mạnh để thực hiện chuyên đề này. Theo đó, Phòng GD-ĐT H.Long Thành đã tham mưu UBND huyện đầu tư 200 triệu đồng cho trường mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi. Bên cạnh đó, ban đại diện cha mẹ học sinh, các mạnh thường quân cũng góp sức, góp của để nhà trường thực hiện thành công chuyên đề này.

Kể từ khi được đầu tư, Trường mầm non Long Thành đã thay đổi hoàn toàn diện mạo của mình theo hướng thân thiện hơn với trẻ. Với khoảng không gian rộng, Trường mầm non Long Thành đã thiết kế các khu trò chơi cho trẻ như: khu vườn bí ẩn, vườn rau của bé, khu chợ quê, nhà vòm, thác nước, sân chơi cát, thư viện ngoài trời...

Các khu trò chơi này được trang bị đầy đủ vật dụng, đồ chơi, đáp ứng được nhu cầu vui chơi, khám phá của trẻ. Các khu vực vui chơi được quy hoạch theo hướng tận dụng các không gian sân vườn, hành lang, sảnh, cầu thang... để trẻ hoạt động phù hợp theo độ tuổi, theo chủ đề, theo lịch hoạt động góc ngoài trời được tổ chức cho từng khối lớp.

Nói về việc xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, bà Trương Thị Thủy Ngân, Trưởng phòng Nghiệp vụ 2 (Sở GD-ĐT) phấn khởi cho rằng: “Điểm nổi bật và dễ nhận thấy của chuyên đề này là đã tạo được sự đồng thuận của phụ huynh, từ đó nhà trường phối hợp với phụ huynh để thực hiện, làm thay đổi môi trường trong và ngoài lớp học một cách ngoạn mục. Với các góc hoạt động ngoài trời, trẻ có thể tham gia hoạt động vừa chơi vừa học kéo dài hàng tiếng đồng hồ (trước đây thời gian trẻ chơi ngoài trời chỉ khoảng 15-20 phút). Các góc hoạt động phong phú cũng giúp trẻ rèn luyện kỹ năng và phát huy tính sáng tạo”.

* Phát triển kỹ năng qua hoạt động chơi

Đối với trẻ ở độ tuổi mầm non, không có cách học nào tốt hơn là thông qua các trò chơi. Với việc trang bị nhiều đồ chơi, khu vui chơi, các trường mầm non trong toàn tỉnh đã tạo mọi điều kiện để trẻ “học bằng chơi, chơi bằng học” trong môi trường an toàn.

Trong 2 năm đầu của chuyên đề, các trường chủ yếu tâp trung đầu tư, cải tạo cảnh quan trong và ngoài lớp học. Kể từ năm thứ 3, các trường bắt đầu tập trung nhiều hơn cho hoạt động giáo dục, khai thác hiệu quả các cảnh quan, góc học tập, vui chơi... đã được đầu tư.

Trong lớp học, giáo viên trang trí phòng học đảm bảo thẩm mỹ, thân thiện, an toàn, thuận tiện... giúp trẻ hứng thú với các hoạt động vui chơi. Lớp học có đa dạng đồ dùng, đồ chơi, học liệu cho trẻ hoạt động...

Để thực hiện tốt chuyên đề, các giáo viên được trang bị, phổ biến bộ tiêu chí thực hành, áp dụng quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm trong trường mầm non. Tất cả các nhóm, lớp rà soát thực trạng theo tiêu chí xây dựng lớp học lấy trẻ làm trung tâm, sử dụng bộ tiêu chí nêu trên để làm công cụ hỗ trợ xây dựng các kế hoạch dạy học.

Theo đó, giáo viên chủ động trong việc lập kế hoạch, lựa chọn chủ đề, đề tài, sáng tạo các hoạt động, trò chơi, hình thức tổ chức linh hoạt, hướng đến mục tiêu lấy trẻ làm trung tâm, đảm bảo phù hợp với nhu cầu, khả năng của trẻ.

Chẳng hạn, để thực hiện hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, Trường mầm non Hoa Sen (TP.Biên Hòa) đã phối hợp với một đơn vị quân đội để tổ chức các hoạt động cho trẻ mẫu giáo 4-5 tuổi tham gia. Theo đó, các cán bộ, chiến sĩ của đơn vị kết nghĩa đã trực tiếp hướng dẫn cho trẻ nhiều hoạt động như: tập luyện thể dục, thể thao; chăm sóc vườn rau xanh; kỹ năng tự phục vụ (xếp chăn gối, quần áo, tự dọn cơm...); cách chăm sóc các loại vật nuôi trong gia đình... Sự tham gia của các chiến sĩ bộ đội đã đem đến “luồng gió mới” cho lớp học. Vì thế, không khí lớp học trở nên sôi nổi, hào hứng hẳn lên. Trẻ cũng rất hợp tác tham gia các hoạt động này.

“Từ các hoạt động vui chơi, giáo viên phải biết cách đặt câu hỏi mang tính gợi mở để kích thích tư duy của trẻ. Khi thực hiện chuyên đề này, trẻ thực sự được làm trung tâm của mọi hoạt động. Giáo viên là người hướng dẫn trẻ, tạo cơ hội cho trẻ chủ động, tích cực tham gia vào thiết lập môi trường cùng cô giáo và các bạn khám phá trải nghiệm các giác quan dưới nhiều hình thức khác nhau. Những hoạt động như vậy cũng giúp quá trình tiếp thu kiến thức của trẻ được dễ dàng hơn. Khi nhu cầu vui chơi và hoạt động của trẻ được thỏa mãn thì trẻ sẽ được phát triển toàn diện” - bà Trương Thị Thủy Ngân cho hay.

Hải Yến

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202010/xay-dung-moi-truong-giao-duc-lay-tre-lam-trung-tam-tre-co-them-nhieu-co-hoi-phat-trien-3026108/