Xây dựng môi trường sống phù hợp với trẻ em

Thực hiện Quyết định số 34/2014/QĐ-TTg, ngày 30-5-2014, các cấp, các ngành chức năng huyện Hà Trung đã đầu tư nhiều nguồn lực vật chất và con người để xây dựng môi trường sống phù hợp với trẻ em. Kết quả năm 2018 huyện có 25/25 xã, thị trấn đạt xã, thị trấn phù hợp với trẻ em.

Một buổi hoạt động ngoại khóa của học sinh Trường Tiểu học Hà Ninh (Hà Trung).

Sau 4 năm thực hiện Quyết định số 34/QĐ-TTg, xét thấy một số tiêu chí không còn phù hợp trong tình hình mới, ngày 3-1-2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 06/QĐ-TTg ban hành quy định tiêu chuẩn, trình tự đánh giá và công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em. Theo Quyết định 06/QĐ-TTg gồm có 13 tiêu chí, ít hơn quyết định cũ 2 tiêu chí, nhưng các tiêu chí đòi hỏi yêu cầu số điểm đạt cao hơn.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, giảm thiểu, loại bỏ các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em và tình trạng trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, tạo cơ hội để các em được tái hòa nhập cộng đồng và bình đẳng về cơ hội phát triển hài hòa về thể chất, trí tuệ và nhân cách; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, huyện Hà Trung đã tập trung tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là các nội dung tại Quyết định 06; lồng ghép trong các hoạt động kinh tế - xã hội của huyện để đẩy mạnh triển khai các nội dung liên quan đến tiêu chí về xây dựng xã, thị trấn phù hợp với trẻ em. Tổ chức các cuộc vận động, tư vấn trực tiếp tại cộng đồng để nâng cao trách nhiệm từng thành viên trong gia đình, nhà trường và xã hội trong việc thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và công tác xây dựng xã, thị trấn phù hợp với trẻ em nói riêng; ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em; tích cực vận động, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện tốt công tác xây dựng xã, thị trấn phù hợp với trẻ em, tạo môi trường sống thân thiện, an toàn và phù hợp với trẻ em. Bên cạnh đó huyện chú trọng nâng cao năng lực về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc hoàn thiện 13 tiêu chí theo Quyết định 06, đặc biệt đối với các xã đạt danh hiệu phù hợp với trẻ em theo tiêu chí cũ nhưng điểm đạt còn thấp như Hà Bắc, Hà Tiến, Hà Yên, Hà Vinh. Cùng với thực hiện các giải pháp trên, huyện ban hành các công văn chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng chống đuối nước, phòng chống xâm hại trẻ em. Thông qua các lớp dạy bơi do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với địa phương tổ chức và từ hoạt động ngoại khóa của các trường học, các em được trang bị những kỹ năng phòng tránh các tai nạn thương tích, xâm hại tình dục... từ đó biết tự bảo vệ mình và bạn bè.

Cô Vũ Thị Oanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Hà Ninh, chia sẻ: Nhận thức bậc tiểu học có tầm quan trọng trong hình thành nhân cách con người, nhằm xây dựng môi trường giáo dục an toàn mà ở đó trẻ được phát triển toàn diện cả trí tuệ, thể chất, tinh thần, ngoài dạy kiến thức chung, trường chú trọng đến đạo đức, dạy kỹ năng sống cho học sinh. Thường xuyên tổ chức cho các cháu tham gia các hoạt động ngoại khóa, thể dục – thể thao... Để không xảy ra bạo lực học đường, không có tệ nạn xã hội xâm nhập học đường, trường thực hiện tốt nội quy trường học. Hàng tuần đều tổ chức sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp; hằng tháng tổ chức sinh hoạt theo chủ đề, chủ điểm để quán triệt. Bên cạnh đó nhà trường thường xuyên liên hệ, trao đổi với phụ huynh học sinh để nắm bắt tình hình con em mình, không để trẻ có biểu hiện lệch lạc về nhân cách. Do đó, nhiều năm liền trường không xảy ra bạo lực học đường, không có tệ nạn xã hội xâm nhập học đường.

Ông Phạm Văn Cường, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện, cho biết: Với những cố gắng đó, trẻ em trên địa bàn luôn luôn được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình, xã hội lành mạnh, không có tình trạng trẻ em bị nghiện hút, bị xâm hại tính mạng, thân thể, danh dự và nhân phẩm; công tác tuyên truyền và đầu tư cho hoạt động chăm sóc, giáo dục bảo vệ trẻ em và nâng cao nhận thức của các bậc phụ huynh trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ em trong môi trường gia đình, lớp học và xã hội được đẩy mạnh. Từ đầu năm đến nay đã cấp 14.690 thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi. 100% xã, thị trấn đều đạt xã chuẩn về y tế. 100% trẻ dưới 6 tuổi được khám chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở y tế công lập; 100% trẻ em được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo quy định. Nhiều cháu bị hở môi vòm họng, khuyết tật mắt, khuyết tật vận động được đưa đi phẫu thuật trả lại ánh mắt, nụ cười trẻ thơ. Vào các dịp lễ, tết huyện cũng tổ chức nhiều hoạt động thiết thực dành cho trẻ em như: Thăm hỏi, tặng quà cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn, tàn tật; trẻ đang điều trị tại bệnh viện đa khoa trong dịp Tết Nguyên đán với tổng số tiền gần 70 triệu đồng. Nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6 các cơ quan liên ngành gồm: Giáo dục, Quỹ Bảo trợ trẻ em, huyện đoàn, hội khuyến học, hội phụ nữ phối hợp tổ chức gặp mặt, biểu dương, tặng quà, trao học bổng cho trẻ mồ côi, khuyết tật, trẻ em nghèo vượt khó học giỏi số tiền hàng chục triệu đồng. Trong Tháng hành động vì trẻ em đã dành tặng 100 suất quà cho trẻ thuộc hộ nghèo vươn lên học giỏi và tập huấn phòng chống đuối nước cho trẻ với kinh phí 50 triệu đồng. Công tác giáo dục trẻ em có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ huy động trẻ em đi mẫu giáo từ 3-5 tuổi đạt trên 75%, tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99%; huyện đã hoàn thành phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, đạt chuẩn phổ cập THCS và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Do đó, tính đến hết tháng 9-2019, 25/25 xã, thị trấn giữ vững danh hiệu xã, thị trấn phù hợp với trẻ em.

Bài và ảnh: Mai Phương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/xay-dung-moi-truong-song-phu-hop-voi-tre-em/108268.htm