Xây dựng một đạo luật chuyên biệt, toàn diện với người chưa thành niên

Thảo luận tại tổ sáng 8.6, các đại biểu Quốc hội tán thành với việc xây dựng dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, một đạo luật chuyên biệt, toàn diện đối với người chưa thành niên với nhiều quy định rất tiến bộ và nhân văn. Các đại biểu tin tưởng, những quy định này sẽ tạo điều kiện giúp người chưa thành niên sửa chữa sai lầm, có biện pháp phục hồi.

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn): Nhân văn hơn, thân thiện hơn

Trước khi tiến hành thẩm tra dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, Ủy ban Tư pháp đã tiến hành khảo sát ở nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là khảo sát ở 3/3 trường giáo dưỡng ở cả nước. Riêng trường giáo dưỡng ở Đồng Nai, có 64% các em rơi vào hoàn cảnh gia đình đặc biệt. Hoàn cảnh gia đình là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hành vi lầm lỡ của các em. Nếu chúng ta có sự thông cảm, chia sẻ thì chúng ta sẽ có hướng đi, hay trong dự án Luật gọi là biện pháp xử lý chuyển hướng để các em có điều kiện nhận ra sai lầm và phục hồi.

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn). Ảnh: Khánh Duy

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn). Ảnh: Khánh Duy

Bộ luật Hình sự hiện hành có 3 biện pháp xử lý chuyển hướng là: khiển trách, hòa giải tại cộng đồng và giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, trong quá trình tổng kết thi hành 3 biện pháp xử lý chuyển hướng này, trong 6 năm thi hành chỉ có 35 em vị thành niên được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng (mỗi năm chưa đến 6 trường hợp được áp dụng biện pháp chuyển hướng), dù rằng, đối với người chưa thành niên, chúng ta luôn mong muốn được áp dụng biện pháp nhân văn hơn, thân thiện hơn để có tính hướng thiện giúp các cháu sửa chữa sai lầm và có biện pháp phục hồi.

Do vậy, lần này dự thảo Luật tập trung vào các biện pháp xử lý chuyển hướng với người chưa thành niên. Cụ thể 11 biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng, để giám sát tại cộng đồng và 1 biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng. Quy định này rất tiến bộ và nhân văn cho các em. Những trường hợp các em có thể phục hồi được thì thực hiện giám sát ngoài cộng đồng, những em có mức độ, hành vi phạm tội hơn, nghiêm trọng hơn và gây nguy hiểm cho xã hội thì áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, do Bộ Công an trực tiếp quản lý. Biện pháp này đáp ứng các mục tiêu: vừa bảo đảm tính nhân văn, vừa bảo đảm tính nghiêm khắc, an toàn cho cộng đồng, an toàn cho nạn nhân.

Dự thảo luật quy định chuyển biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng từ biện pháp tư pháp thành biện pháp xử lý chuyển hướng. Thực tế, nếu giáo dục tại trường giáo dưỡng là biện pháp tư pháp thì phải hết giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm thì Thẩm phán, Hội đồng xét xử mới xem xét có áp dụng hình phạt tù với các em hay cho các em áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng. Như vậy, quy trình tố tụng rất dài.

Trong trường hợp chuyển biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng thành biện pháp xử lý chuyển hướng, thì ngay trong giai đoạn điều tra, cơ quan điều tra thấy rằng, các em có thể chuyển hướng bằng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng của Bộ Công an, thì sẽ lập hồ sơ gửi sang Thẩm phán và Thẩm phán mở phiên họp để xem xét quyết định. Thời gian sẽ rút ngắn hơn và tránh ảnh hưởng đến quyền học tập, được giáo dục của các cháu. Đồng thời, quy định này cũng đáp ứng Điều 40 của Công ước quốc tế Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em: Bất kể khi nào thấy có thể được và thấy cần thiết thì cơ quan tiến hành tố tụng chấm dứt thời hạn tố tụng, để chuyển các em áp dụng thủ tục không phải là tố tụng.

ĐBQH Hà Thị Nga (Đồng Tháp): Chưa quy định rõ tư cách tố tụng của người làm công tác xã hội

Tại Khoản 11, Điều 4 dự thảo Luật quy định người làm công tác xã hội trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên (gọi chung là người làm công tác xã hội) bao gồm nhân viên công tác xã hội, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, công chức văn hóa - xã hội cấp xã được cơ quan có thẩm quyền đề nghị tham gia hoạt động tư pháp người chưa thành niên. Dự thảo Luật đã quy định rõ vai trò, sự tham gia, trách nhiệm của nhân viên công tác xã hội trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên. Tuy nhiên, lại chưa quy định rõ tư cách tố tụng của người làm công tác xã hội; chưa quy định cụ thể chế độ đãi ngộ, nguồn lực chi trả cho đội ngũ này khi thực hiện các nhiệm vụ được giao theo quy định của Luật.

Hiện nay, công tác xã hội đang được cán bộ ở nhiều ngành tham gia song thực tế là cán bộ thuộc biên chế của những tổ chức, cơ quan, đơn vị cụ thể. Do vậy, trước hết họ phải thực hiện chức trách của người thuộc tổ chức, cơ quan, đơn vị đó; công tác xã hội chưa phải là công việc chính thường xuyên. Trong khi đó, dự thảo Luật quy định một số nhiệm vụ với thời gian thực hiện khá chặt chẽ có thể gây áp lực khi thực hiện.

Tại Điều 6 Thông tư số 26/2022/TT-BLĐTBXH, nhân viên công tác xã hội được quy định chịu trách thực hiện một số nghiệp vụ công tác xã hội có yêu cầu đơn giản về lý thuyết, phương pháp và kỹ năng thực hành theo sự phân công. Các hoạt động chủ yếu là trợ giúp, hỗ trợ các đối tượng, nhóm đối tượng trong phạm vi cụ thể được giao; thực hiện các dịch vụ công tác xã hội có yêu cầu đơn giản về lý thuyết, phương pháp và kỹ năng thực hành công tác xã hội… Bên cạnh đó, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đối với nhân viên xã hội còn chưa cao.

Do vậy, tôi đề nghị, cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đồng bộ quy định, rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, hoàn thiện các quy định về nhân viên công tác xã vừa bảo đảm phù hợp, vừa phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ này trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

ĐBQH Nguyễn Văn Huy (Thái Bình): Đánh giá kỹ lưỡng hơn nguồn lực bảo đảm thực hiện

Về phạm vi điều chỉnh tại Điều 1 dự thảo Luật, tôi tán thành việc quy định về hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên. Ngoài ra, để bảo đảm hình thành một đạo luật chuyên biệt, toàn diện đối với người chưa thành niên thì phạm vi điều chỉnh bao gồm cả chính sách hình sự đặc thù, thủ tục tố tụng thân thiện, điều kiện thi hành án phù hợp với lứa tuổi, bảo vệ các quyền cơ bản của trẻ em và tạo thuận lợi tái hòa nhập cộng đồng cho người chưa thành niên là hết sức cần thiết.

ĐBQH Nguyễn Văn Huy (Thái Bình). Ảnh: Minh Trang

ĐBQH Nguyễn Văn Huy (Thái Bình). Ảnh: Minh Trang

Đối với thi hành án phạt tù (Điều 156 đến Điều 165), dự thảo Luật quy định trại giam dành riêng cho người chưa thành niên là phạm nhân phải được bố trí, thiết kế phù hợp với lứa tuổi, giới tính. Thiết kế quy định như vậy là hợp lý, đáp ứng yêu cầu mục đích, quan điểm xây dựng Luật đề ra. Tuy nhiên, quy định này sẽ làm phát sinh kinh phí xây dựng cơ sở và bộ máy ở trại giam dành riêng cho người chưa thành niên. Do đó, cần đánh giá kỹ lưỡng hơn nguồn lực bảo đảm đối với chính sách này. Ngoài ra, cần nghiên cứu, rà soát thiết kế quy định để tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật vì tại Điều 30 Luật Thi hành án hình sự thì người chưa thành niên giam giữ chung cơ sở giam giữ với người trưởng thành.

Về tách vụ án hình sự có người chưa thành niên phạm tội (Điều 135), khoản 1 quy định: “Trong vụ án hình sự có người bị buộc tội là người chưa thành niên và người đã thành niên thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải tách vụ án hình sự đối với người chưa thành niên để giải quyết vụ án độc lập”. Tôi đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét lại quy định này. Vì hiện nay việc tách vụ án hình sự đang được quy định khoản 2 Điều 170 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021. Theo đó quy định: “Cơ quan điều tra chỉ được tách vụ án trong trường hợp cần thiết khi không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm và nếu việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án”.

ĐBQH Đặng Thị Bảo Trinh (Quảng Nam): Mở rộng đối tượng áp dụng hình phạt cảnh cáo là nhân văn với người chưa thành niên

ĐBQH Đặng Thị Bảo Trinh (Quảng Nam). Ảnh: Thanh Hải

ĐBQH Đặng Thị Bảo Trinh (Quảng Nam). Ảnh: Thanh Hải

Tôi tán thành việc mở rộng đối tượng được áp dụng hình phạt cảnh cáo đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hay phạm tội nghiêm trọng do vô ý và có tình tiết giảm nhẹ nhưng chưa đến mức miễn hình phạt. Quy định như vậy là phù hợp với chủ trương xử lý nhân văn với người chưa thành niên. Đồng thời, việc dự thảo Luật bổ sung một số điều quy định áp dụng hình phạt tiền đối với người chưa thành niên phạm tội nếu như cha, mẹ, người thân thích của người chưa thành niên có tài sản và tự nguyện thực hiện cũng là phù hợp. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng về nội dung cụ thể trong bốn loại hình phạt này để bảo đảm thể chế hóa yêu cầu của Đảng về xử lý nhân văn đối với lại người chưa thành niên.

Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên đã quy định về có sự tham gia của người làm công tác xã hội trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên, góp phần thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng, hạn chế tối đa việc áp đặt một chiều các biện pháp mang tính cưỡng chế nghiêm khắc từ phía cơ quan có thẩm quyền đối với người chưa thành niên, cũng như phù hợp với yêu cầu tại Mục 16 Quy tắc của Bắc Kinh. Tuy nhiên, dự thảo Luật cần quy định cụ thể về những chế độ, chính sách và người làm công tác xã hội được hưởng khi tham gia hoạt động tư pháp người chưa thành niên. Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ hướng dẫn chế độ, chính sách với người làm công tác xã hội khi tham gia hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

T. Thành - H. Ngọc – M. Trang – T. Hải ghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/xay-dung-mot-dao-luat-chuyen-biet-toan-dien-voi-nguoi-chua-thanh-nien-i374998/