Xây dựng nền hành chính hiện đại và hiệu quả - Bài 1: Điểm sáng vùng ĐBSCL

Với quan điểm 'đầu tư cho cải cách hành chính là đầu tư cho sự phát triển', tỉnh Long An tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân.

Người dân lấy số thứ tự tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Long An. Ảnh: Minh Hưng/TTXVN

Người dân lấy số thứ tự tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Long An. Ảnh: Minh Hưng/TTXVN

Với vị trí thuận lợi nằm ở cửa ngõ kết nối miền Tây và miền Đông Nam Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh và nước bạn Campuchia, tỉnh Long An xác định cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là khâu đột phá góp phần nâng cao lợi thế, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tỉnh tập trung chỉ đạo sâu sát, đồng bộ trên các lĩnh vực nhằm xây dựng chính quyền thân thiện, minh bạch, giảm tiêu cực, nhũng nhiễu, phiền hà, hướng đến nền hành chính hiện đại, kiến tạo vì dân phục vụ. Phóng viên TTXVN thực hiện hai bài viết với chủ đề “Xây dựng nền hành chính hiện đại và hiệu quả”.

Bài 1: Điểm sáng vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Với quan điểm “đầu tư cho cải cách hành chính là đầu tư cho sự phát triển”, tỉnh Long An tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân. Tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Sáng tạo, đột phá

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công huyện Tân Trụ, huyện 2 năm liền liên tiếp (2021 và 2022) xếp hạng nhất trong tổng số 15 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Long An về Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX). Ảnh: Minh Hưng/TTXVN

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công huyện Tân Trụ, huyện 2 năm liền liên tiếp (2021 và 2022) xếp hạng nhất trong tổng số 15 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Long An về Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX). Ảnh: Minh Hưng/TTXVN

Để đạt được thành tích hai năm liên tiếp (2021 - 2022) xếp hạng Nhất trong tổng số 15 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Long An về Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index), Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ Trịnh Phước Trung cho biết, các cơ quan, đơn vị của huyện đã tập trung triển khai đồng bộ các nội dung kế hoạch cải cách hành chính, nhất là công tác chỉ đạo, điều hành, ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng các tiện ích hỗ trợ người dân trong thực hiện các dịch vụ công, tạo sự hài lòng cao nhất cho người dân, doanh nghiệp.

Huyện tập trung, nâng cao tỷ lệ hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4, tiếp nhận, trả kết quả hồ sơ qua dịch vụ bưu chính; tăng cường giao dịch thanh toán trực tuyến; nâng cao chất lượng phục vụ, gắn với việc đổi mới cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” theo hướng số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Theo Phó trưởng Phòng Nội vụ huyện Tân Trụ Trần Thanh Vân, để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, đơn vị không ngừng rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng giảm thành phần hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục theo quy định. Từ cơ sở đã xuất hiện các mô hình hay, cách làm mới, tạo điểm sáng về công tác cải cách hành chính. Trong đó, sáng kiến về xây dựng tổng đài - Callbot được áp dụng trên toàn huyện. Khi có người gọi đến Tổng đài 1020, Callbot sẽ tiếp nhận ban đầu. Hệ thống sẽ phân tích nội dung và đưa ra câu trả lời phù hợp nhất theo kịch bản đã được thiết kế. Giải pháp này đã làm tăng sự hài lòng, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp ở mục lúc mọi nơi mà không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố về thời gian, môi trường, cảm xúc.

Là địa phương xếp thứ 2 về Chỉ số PAR INDEX của tỉnh Long An, Phó trưởng Phòng Nội vụ huyện Tân Thạnh Đặng Thị Ngọc Lan cho biết, UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn và Trung tâm Hành chính công huyện thường xuyên rà soát, cải tiến và thực hiện tốt các nội dung như: đơn giản hóa các thủ tục hành chính; niêm yết công khai, minh bạch các loại phí, lệ phí. Lãnh đạo từ huyện đến xã phải công khai lịch tiếp dân, thực hiện tiếp và đối thoại với dân nghiêm túc, trách nhiệm. Thực hiện việc triển khai cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, các đơn vị phải thường xuyên cập nhật dữ liệu, hồ sơ trên phần mềm “một cửa”. Cùng với đó, huyện luôn quan tâm, bố trí từ đội ngũ cán bộ đến các trang thiết bị nhằm phục vụ tốt cho người dân và doanh nghiệp.

Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Long An Võ Thanh Phong cho biết, nhiều đơn vị đã có những mô hình sáng tạo, đột phá, góp phần nâng cao chất lượng triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính. Điển hình như: Mô hình Tổ tư vấn kết hợp tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính cho người mù chữ và người khuyết tật của UBND xã Vĩnh Đại (huyện Tân Hưng). Mô hình tổ chức Lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho doanh nghiệp do Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện. Mô hình hỗ trợ cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo thực hiện dịch vụ công trực tuyến…

Long An còn có điểm nổi bật là sáng kiến về xây dựng nền tảng công dân số “Long An số”. Đây là nền tảng góp phần giúp người dân địa phương thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thông tin, góp phần thúc đẩy phát triển xã hội số, nâng cao hiệu quả hoạt động cải cách hành chính của tỉnh. Ứng dụng này đã được hoàn thiện và phát hành trên các kho ứng dụng phổ biến với các dịch vụ số thiết yếu như: phản ánh, kiến nghị với chính quyền; dịch vụ công trực tuyến; dịch vụ y tế; dịch vụ giáo dục; dịch vụ việc làm; tra cứu thửa đất; kết nối sàn thương mại điện tử; danh bạ khẩn cấp… và nhiều dịch vụ số thiết yếu khác phục vụ cuộc sống hàng ngày của người dân trên môi trường số.

Nhờ vậy, Chỉ số PAR INDEX năm 2022 của Long An đạt 87,41%, xếp hạng 8/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 14 bậc so với năm 2021, đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Bùi Lê Anh Hiếu, Giám đốc tiếp thị kinh doanh Công ty Cổ phần Long Hậu - chủ đầu tư Khu Công nghiệp Long Hậu ( huyện Cần Giuộc) cho biết, việc tỉnh Long An liên tục cải cách hành chính đã tạo được niềm tin và thu hút được nhiều nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Quang Hòa - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dương Vũ chia sẻ, tỉnh Long An là địa phương rất ưu ái và hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp nông nghiệp; những thủ tục pháp lý, thủ tục hành chính… đều được các Sở, ban ngành và UBND tỉnh hỗ trợ hoàn tất một cách nhanh nhất.

Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm

Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út nhấn mạnh, địa phương xác định sự hài lòng của người dân là thước đo cho hiệu quả của công tác cải cách hành chính, với mục tiêu cao nhất là phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp.

Thể chế hành chính tiếp tục được hoàn thiện. Chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được nâng cao. Công tác kiểm soát, ban hành mới, rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính được thực hiện thường xuyên. Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính được nâng cao. Thời gian giải quyết được rút ngắn, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức.

Quy tắc ứng xử, quy chế văn hóa công sở chặt chẽ cùng tinh thần làm việc, thái độ giao tiếp tích cực của cán bộ công chức viên chức đã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Trung tâm Hành chính công cấp huyện, Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả cấp xã hoạt động ổn định, phục vụ tốt nhu cầu thực hiện thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp.

Ông Võ Thanh Phong cho biết thêm, tỉnh đang tập trung nâng cao Chỉ số PAR INDEX trên tất cả các lĩnh vực. Đồng thời, khắc phục những tồn tại, hạn chế và cải thiện Chỉ số SIPAS (Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước) của tỉnh. Trọng tâm là nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ người dân và doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính.

Long An còn chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức rà soát, phân tích đánh giá, xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu, nguyên nhân và trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong triển khai nhiệm vụ được giao để có giải pháp cải thiện trong thời gian tới. Các đơn vị tăng cường thông tin, tuyên truyền về ý nghĩa, kết quả các chỉ số tới đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người dân, tổ chức để nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm và sự đồng thuận xã hội; có hình thức khen thưởng phù hợp đối với cá nhân, tổ chức đạt thành tích tốt trong việc tham mưu, thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính.

Ngoài ra, tỉnh tiếp tục rà soát, sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức các cơ quan, đơn vị, giảm đầu mối tổ chức trung gian, khắc phục sự trùng lặp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo nguyên tắc một tổ chức có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính.

Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Long An, anh Nguyễn Viết Vinh (huyện Thủ Thừa) đến làm thủ tục xuất khẩu lao động hồ hởi cho biết, các thủ tục, hồ sơ được cán bộ Trung tâm hướng dẫn cụ thể, nhiệt tình, sẵn sàng giải đáp cho người dân những chỗ nào chưa hiểu. Việc chờ nhận kết quả không phải chờ lâu như trước. Ngoài ra, người dân còn có thể liên hệ bằng điện thoại trước khi đến làm thủ tục để biết chuẩn bị các giấy tờ cần thiết, rất tiện lợi, giúp tiết kiệm thời gian, công sức.

Tương tự, chị Phạm Thị Kim Ngân, đại diện Công ty Cổ phần Đồng Tâm (huyện Bến Lức) đến nhận kết quả biến động địa chỉ trên quyền sử dụng đất của doanh nghiệp vui vẻ chia sẻ, chị được cán bộ nhiệt tình tư vấn, giải đáp rõ ràng mọi vấn đề. Công việc được giải quyết qua tin nhắn, thư điện tử, điện thoại, từ đó thủ tục được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí.

Bài cuối: Đồng bộ các giải pháp

Bình Nguyên Bình (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/xay-dung-nen-hanh-chinh-hien-dai-va-hieu-qua-bai-1-diem-sang-vung-dbscl-20231009113555439.htm