Xây dựng nền nông nghiệp thuận thiên
Một số mô hình canh tác nông nghiệp thuận thiên đã được chứng minh đem lại hiệu quả cao, giải quyết nhiều thách thức ngành nông nghiệp nói chung và nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng đang phải đối diện.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cho biết, thị trường trong nước và quốc tế đang có xu hướng chung là sẽ áp dụng ngày các nhiều các tiêu chuẩn mới liên quan đến tính bền vững, giảm thiểu khí thải đối với các loại sản phẩm.
Điều này là một trong “ba biến” thường được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhắc tới như thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp, bao gồm biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng trên thế giới.
Thách thức từ “ba biến” này, đối với Đồng bằng sông Cửu Long, vựa nông sản lớn nhất cả nước, cần giải pháp mang tính “thuận thiên”, theo đúng tinh thần của Nghị quyết 120 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, được coi là văn bản chính sách giúp “cởi trói” tiềm năng, định hướng lại con đường phát triển của đất Chín Rồng.
Lý giải về hai chữ “thuận thiên”, tại Hội nghị quốc gia huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên tại Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, là quá trình thích nghi một cách hài hòa giữa con người và tự nhiên, theo các quy luật của tự nhiên để đem lại lợi ích cho con người cũng như bảo vệ hệ sinh thái.
Thực tế đã chứng minh, “thuận thiên” đem lại những giá trị thiết thực, tiêu biểu như mô hình lúa tôm, nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng, xen canh lúa sen… giúp bà con nông dân tận dụng sinh thái, tận dụng chế độ nước mặn, ngọt để canh tác nông nghiệp hiệu quả, thay vì phá rừng ngập mặn, chặn nước mặn để canh tác như trước đây.
“Vua tôm” Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Thủy sản Minh Phú, lấy ví dụ điển hình về mô hình lúa tôm, là hình thức canh tác độc đáo được xem như biểu tượng của nông nghiệp thuận thiên ở miền Tây.
Cụ thể, vào mùa khô, mực nước sông hạ thấp, nước mặn từ biển tràn về đất liền. Nước nhiễm mặn không thích hợp để trồng lúa nhưng lại là điều kiện lý tưởng để nuôi tôm. Áp dụng mô hình lúa tôm, vào mùa khô, bà con chỉ cần nuôi thả hoàn toàn tự nhiên trên chính diện tích trồng lúa, tận dụng thức ăn tự nhiên do rễ cây lúa làm đất tơi xốp cho động vật thủy sinh phát triển.
Đến mùa mưa, nước ngọt về, những dưỡng chất, vi sinh vật trong quá trình nuôi tôm còn lại ở đồng ruộng lại giúp cho đất đai phì nhiêu giúp cây lúa phát triển. Ông Quang cho biết, đây là điều kiện lý tưởng để tạo ra những giống gạo thơm ST24, ST25 được đánh giá là ngon nhất thế giới.
Mỗi vụ, mô hình lúa tôm thu hoạch 5 – 8 tấn lúa và 0,3 – 1 tấn tôm. Thu nhập trung bình từ 250 – 500 triệu đồng, cá biệt có thể lên đến 1 tỷ đồng mỗi ha nếu canh tác thành công. Một điểm thuận lợi khác là mô hình này không cần bỏ nhiều vốn nên rất thích hợp cho bà con nông dân triển khai.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Xuân Huy, Giám đốc đối ngoại của Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) Việt Nam, giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng “thuận thiên” vẫn chưa cao và người nông dân vẫn chưa được hưởng lợi nhiều.
Ông Huy nhìn nhận, trên thực tế, không phải mô hình theo hướng thuận thiên nào cũng đem lại hiệu quả cao. Do đó, cần phải xây dựng những mô hình nhỏ để chứng minh hiệu quả, sau đó mở rộng triển khai, kết hợp với liên kết vùng, liên kết tiêu thụ và phát triển thị trường để tối đa hóa lợi ích và “tạo văn hóa nông nghiệp thuận thiên” cho bà con.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/xay-dung-nen-nong-nghiep-thuan-thien-1711271413172.htm