Xây dựng nếp sống văn minh trong đồng bào các dân tộc xã Mù Sang

Với sự nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân xã Mù Sang (huyện Phong Thổ), Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 22/12/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu giai đoạn 2024-2030 đã đi vào cuộc sống và thực hiện hiệu quả. Nhiều hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu được xóa bỏ, nếp sống văn minh được quan tâm xây dựng.

Mù Sang là xã biên giới có 603 hộ với trên 3.000 nhân khẩu, 2 dân tộc: Mông và Dao chiếm 99% dân số. Do trình độ nhận thức còn hạn chế nên trước đây một số hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu vẫn được duy trì như: ốm đau mời thầy mo, thầy cúng về làm lý; tục thách cưới, nhà trai phải chuẩn bị nhiều thịt lợn, rượu cho nhà gái; khi đi đón dâu các gia đình bố trí rất đông người, có đám đến vài chục người. Ở một số gia đình, đám cưới mở nhạc to suốt ngày, đêm thậm chí kéo sang cả sáng hôm sau; người chết nếu không vào ngày đẹp (ngày con trâu, con chó theo quan niệm của người dân địa phương) thì gia đình không mang chôn cất, có khi để trong nhà đến 5 ngày… Điều này gây ô nhiễm môi trường; áp lực kinh tế với các gia đình khó khăn. Một số hộ vì thể diện, muốn cưới vợ cho con mà cố gắng vay mượn, lo công việc xong nợ nần mãi không trả hết.
Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU, xã Mù Sang ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai. Trong đó, xã tổ chức hội nghị quán triệt, trao đổi làm rõ những hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu cần được xóa bỏ; phân công công việc cho từng thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách, sâu sát đến từng việc.

Cùng với xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, nhân dân xã Mù Sang tập trung phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống no ấm, hạnh phúc hơn.

Cùng với xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, nhân dân xã Mù Sang tập trung phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống no ấm, hạnh phúc hơn.

Đồng chí Dì A Lùng - Phó Chủ tịch UBND xã Mù Sang cho biết: Để đưa nghị quyết đi vào cuộc sống, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ xã đến bản đa dạng hình thức tuyên truyền trong cuộc họp bản, phát trên hệ thống loa phát thanh, đến các hộ gia đình nói chuyện trực tiếp theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”, đi một lần không được thì đi nhiều lần. Mỗi chuyến đi đều phân tích để người dân hiểu ý nghĩa và lợi ích của việc xóa bỏ hủ tục. Trong quá trình triển khai, xã gắn thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU với hương ước, quy ước bản và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
Đến nay, nhận thức của người dân trong xã cải thiện. Bà con dần xóa bỏ một số phong tục, tập quán lạc hậu, hủ tục. Ví dụ như tục thách cưới giảm dần số lượng lễ vật hay lúc đi đón dâu, gia đình nhà trai chỉ cử đi ít người đại diện, có khi chưa đến chục người. Thời gian mở nhạc đám cưới được thống nhất đưa vào quy ước bản để cùng chấp hành (mở sau 6 giờ và tắt trước 22 giờ). Người dân cũng giáo dục con cháu chăm chỉ học tập, không kết hôn sớm, không sinh con thứ 3, không mắc các tệ nạn xã hội. Khi đau ốm đến các cơ sở y tế để được khám, chữa bệnh kịp thời.
Anh Ma A Sùng - Phó bản Sin Chải chia sẻ: Bản có 114 hộ, 587 nhân khẩu, 100% đồng bào dân tộc Mông. 10 năm trước, các hộ gia đình trong bản tổ chức đám cưới đến 4 ngày nhưng hiện nay đã giảm xuống 2 ngày. Khi đau ốm mời thầy mo, thầy cúng về làm lý nhưng giờ cũng dần xóa bỏ. Bà con chủ động đến Trạm Y tế xã để được khám, điều trị bệnh. Trong bản nhiều năm không có tảo hôn, không có người sinh con thứ 3, không di cư tự do, không phát sinh người nghiện ma túy mới.
Chuyển biến tích cực khác cũng cần nhắc đến sau khi xã đưa Nghị quyết số 15-NQ/TU vào cuộc sống đó là bà con thay đổi thói quen chăn nuôi. Từ việc đại đa số hộ dân nuôi gia súc, gia cầm theo hình thức thả rông; đưa gia súc về nhà buộc ngay trong sân, ngoài hè gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường. Được cán bộ tuyên truyền, bà con nhiều bản chuyển sang chăn dắt, nuôi nhốt gia súc và di chuyển vật nuôi xa nơi ở. 90% số hộ chăn nuôi xây dựng chuồng trại.
Chị Thào Thị Mể ở bản Sin Chải nói: Gia đình tôi nuôi 8 con bò, 16 con lợn và ít gia cầm. Trước đây thường để vật nuôi gần nhà, nhiều lúc thả rông gây mất vệ sinh. Được cán bộ xã, bản tuyên truyền, tôi làm chuồng nuôi nhốt, nhà ở lúc nào cũng sạch sẽ, không khí trong lành.
Có thể thấy, Nghị quyết số 15-NQ/TU đi vào cuộc sống đã giúp người dân xã Mù Sang thay đổi nhận thức, hành động rõ rệt. Bà con xây dựng nếp sống văn hóa mới và chung sức đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Thời gian tới, xã Mù Sang sẽ tiếp tục vận động nhân dân giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu. Trọng tâm là xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ, ăn ở hợp vệ sinh; khuyến khích nhân dân tiếp tục di dời chuồng trại chăn nuôi ra xa nơi ở… Quyết tâm xây dựng quê hương vùng biên khởi sắc.

Thanh Hoa

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/x%C3%A2y-d%E1%BB%B1ng-n%E1%BA%BFp-s%E1%BB%91ng-v%C4%83n-minh-trong-%C4%91%E1%BB%93ng-b%C3%A0o-c%C3%A1c-d%C3%A2n-t%E1%BB%99c-x%C3%A3-m%C3%B9-sang