Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương: 'Võ cổ truyền Bình Định là di sản phi vật thể cần được nhận diện, bảo vệ, phát huy'
Theo thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Đạo Cương, võ cổ truyền Bình Định là di sản phi vật thể cần được nhận diện, bảo vệ và phát huy. Việc xây dựng hồ sơ ghi danh võ cổ truyền Bình Định vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ mang lại niềm tự hào lớn lao.
Nhận diện giá trị của di sản võ cổ truyền Bình Định
Ngày 5/1, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh (Tp.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế bảo vệ, phát huy di sản văn hóa phi vật thể và võ cổ truyền Bình Định. Hội thảo do UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Viện Nam tổ chức với sự tham gia của hơn 150 học giả, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Hội thảo này là cơ sở rất quan trọng để tỉnh Bình Định hoàn thiện hồ sơ khoa học võ cổ truyền Bình Định đệ trình UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phí vật thể đại diện của nhân loại. Đồng thời, giảm thiểu nguy cơ di sản bị mai một, đảm bảo sức sống của di sản cho hiện tại, tương lai và cho sự phát triển bền vững của võ cổ truyền Bình Định.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Hoàng Đạo Cương-Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL cho hay, võ cổ truyền Bình Định không chỉ là một môn võ thuật mà còn kết tinh của tinh thần thượng võ, ý chí tự cường và văn hóa ứng xử cao đẹp của người Việt. Võ cổ truyền Bình Định cần được nhận diện, bảo vệ và phát huy không chỉ vì giá trị lịch sử, văn hóa mà còn vì triết lý sống mà nó mang lại.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, hội thảo lần này là dịp để các nhà khoa học quốc tế và trong nước cùng nhau nhận diện giá trị của di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là võ cổ truyền Bình Định. "Việc xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh võ cổ truyền Bình Định vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là một nhiệm vụ quốc gia", Thứ trưởng nói.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Thanh- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, cho hay, Bình Định là cái nôi của các loại nghệ thuật truyền thống độc đáo như: võ cổ truyền, tuồng, bài chòi, trong đó Nghệ thuật Bài Chòi đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Riêng với võ cổ truyền đã có từ ngàn xưa, từ thời "cha ông đi mở cõi", có mặt ở nhiều khía cạnh trong đời sống văn hóa của người Bình Định từ trong lịch sử đến tận hôm nay. Võ cổ truyền đã trở thành văn hóa tinh thần, trở thành hoạt động thể thao rèn luyện thể lực, trí lực, tâm lực; đã tạo nên bản sắc văn hóa của người Bình Định, trở thành linh hồn của đất và người Bình Định, chứa đựng trong đó nhiều đạo lý, triết lý sống.
Tỉnh Bình Định đã ban hành và triển khai Đề án Bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Bình Định. Thời gian quan, Sở phối hợp với các ngành liên quan tổ chức khảo sát, sưu tầm các bài quyền, binh khí, chân dung các võ sư...; tổ chức thành công 88 kỳ Liên hoan quốc võ cổ truyền Việt Nam, góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn, quảng bá, giới thiệu võ cổ truyền đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước. Với những nỗ lực đó, năm 2012, võ cổ truyền Bình Định đã được Bộ VH-Tt&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bước quan trọng giúp Bình Định hoàn thiện hồ sơ khoa học
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, các diễn giả có những trao đổi thẳng thắn, tâm huyết, chia sẻ những kinh nghiệm để làm rõ các nội dung mà hội thảo đặt ra.
PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm – Viện trưởng Viên Nghiên cứu văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nêu quan điểm: Võ cổ truyền Bình Định ra đời, phát triển trên vùng đất Bình Định và có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Những gia đình võ, dòng họ võ, làng võ, môn phái võ, cùng với võ lý, võ học, võ thuật, võ nhạc... và sự tích hợp của võ vào thơ ca dân gian, nghệ thuật dân gian, tín ngưỡng lễ hội dân gian đã làm nên nét độc đáo, đặc sắc và phòng cách riêng của võ cổ truyền Bình Định.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn An Pha (Bình Định) nhận định, võ cổ truyền Bình Định là sự kế thừa và phát triển qua nhiều thế hệ, đỉnh cao võ học là thời Tây Sơn. Vua Quang Trung được nhân dân tôn vinh là ông tổ của võ cổ truyền Bình Định. Thời Tây Sơn Tam kiệt và các danh thần võ tướng, những anh hùng, hào kiệt trong dân gian đã tiếp thu tinh hoa võ học bậc thầy của nhiều thế hệ đi trước, tiếp tục sáng tạo những di sản văn hóa võ cổ truyền.
Trao đổi tại hội thảo, ông Frank Proschan, nguyên chuyên gia cao cấp của UNESCO, đưa ra góc nhìn trong việc chính quyền địa phương và cộng đồng cùng nỗ lực bảo bệ di sản, phát huy các giá trị của di sản và quảng bá di sản.
Tương tự, TS.Dương Bích Hạnh, Văn phòng UNESCO vùng Đông Á, đã đưa ra những ví dụ cụ thể từ việc phân tích hồ sơ đề cử của các di sản phi vật thể thuộc chủ đề võ thuật trong danh sách đã được UNESCO công nhận. Từ những bài học đó giúp Bình Định bảo vệ di sản một cách bài bản và trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sóng của người dân địa phương.
Trao đổi tại hội thảo, ông Tạ Xuân Chánh – Giám đốc Sở VH&TT tỉnh Bình Định, việc xây dựng hồ sơ võ cổ truyền Bình Định đệ trình UNESCO là nhiệm vụ mà tỉnh đã giao cho Sở phối hợp với các ngành, các tổ chức liên quan xây dựng bộ sơ. Hội này là một bước quan trọng trong tiến trình hoàn chỉnh hồ sơ đệ trình UNESCO.
Hội thảo diễn ra trong thời gian một này. Ban tổ chức đã nhận 60 tham luận, sau khi cân nhắc kỹ ban tổ chức chọn 52 tham luận phù hợp với nội dung tập vào 4 nhóm: võ cổ truyền Bình Định từ góc nhìn di sản văn hóa phi vật thể: Võ cổ truyền Bình Định – bản sắc địa phương, biến đổi và hội nhập; Bảo vệ và phát huy di sản võ cổ truyền Bình Định trong bối cảnh đương đại; Bài học từ các quốc gia về bảo vệ và phát huy di sản võ và bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể. Ban tổ chức chia thành 4 tiểu ban cũng thảo luận, làm rõ các vấn đề liên quan, để hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO trong thời gian tới.