Xây dựng Nhà nước kiến tạo, vì dân

Từ 1/7, chính quyền địa phương hai cấp chính thức vận hành. Bỏ cấp huyện là bước cải tổ bộ máy, chuyển từ quản lý sang phục vụ, từ hành chính quyền lực sang hành chính số, từ quản lý sang kiến tạo, phù hợp xu thế phát triển.

Kể từ hôm nay 1/7/2025, cả nước chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp: cấp tỉnh và cấp xã theo Nghị quyết của Quốc hội, thay thế cho mô hình ba cấp (tỉnh- huyện- xã) đã tồn tại gần 80 năm. Cùng với đó là việc sáp nhập chỉ còn 34 tỉnh, thành phố có hiệu lực.

Đây là sự kiện mang ý nghĩa lịch sử, không chỉ vì quy mô tổ chức hành chính được sắp xếp lại trên toàn quốc, mà còn vì nó phản ánh một tầm nhìn cải cách sâu rộng, phục vụ người dân tốt hơn và tạo nền tảng vững chắc cho phát triển dài hạn của đất nước.

Tổng bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh rằng: “Việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp là vấn đề hệ trọng, có tính lịch sử, không chỉ sắp xếp về tổ chức bộ máy, cán bộ, mà còn phân cấp về thẩm quyền, phân bổ lại nguồn lực, tạo không gian phát triển…”, một định hướng chiến lược cho tầm nhìn ít nhất 100 năm.

Ngược dòng lịch sử, Việt Nam chưa từng loại bỏ hẳn một cấp chính quyền trên phạm vi cả nước: Thời kỳ Lê sơ (thế kỷ 15): 4 cấp chính quyền (Đao, Phủ, huyện, xã); Thời kỳ Minh Mạng (1831): chính quyền 4 cấp (Tỉnh, phủ, huyện, tổng/xã); Thời kỳ 1945- 1954: gồm khu, tỉnh, huyện, xã; Thời kỳ 1976- 2019: ổn định 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) và từ 1/7/2025, lần đầu tiên cắt bỏ cấp huyện.

Quy mô cải cách 2025 vì thế vượt xa Đổi mới 1986: thay vì chỉ điều chỉnh chính sách kinh tế, chúng ta tổ chức lại bộ máy hành chính.

 Chiều 29/6/2025, Tổng bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác Trung ương đến khảo sát thực tế mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp tại phường Xuân Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh TTXVN.

Chiều 29/6/2025, Tổng bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác Trung ương đến khảo sát thực tế mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp tại phường Xuân Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh TTXVN.

Trong nhiều năm, mô hình ba cấp (tỉnh- huyện- xã) được cho là đã bộc lộ nhiều bất cập: bộ máy cồng kềnh, chồng chéo chức năng, gây lãng phí nguồn lực và kéo dài quy trình hành chính. Cấp huyện, dù có vai trò trung gian, lại thường không rõ trách nhiệm, quyền hạn, khiến việc ban hành và thực thi chính sách bị gián đoạn, thậm chí trì trệ.

Việc cắt giảm cấp trung gian nhằm mục tiêu:

- Thu gọn bộ máy, giảm chi phí quản lý: Theo Bộ Nội vụ, mô hình hai cấp có thể giúp tiết kiệm khoảng 190.500 tỷ đồng trong 5 năm tới, nguồn lực lớn có thể tái đầu tư vào giáo dục, y tế, an sinh xã hội.

- Rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền và người dân: Chính sách sẽ đi thẳng từ cấp tỉnh đến cấp xã, loại bỏ tầng nấc trung gian, qua đó tăng hiệu quả điều hành, sát thực tế.

- Tăng quyền tự chủ cho cấp cơ sở: Xã/phường được giao nhiều thẩm quyền hơn về quy hoạch, đầu tư, cung cấp dịch vụ công – điều kiện để phát huy sáng kiến và trách nhiệm giải trình.

Đây không chỉ là một sắp xếp kỹ thuật, mà là một lựa chọn chính trị, thể hiện tư duy cải cách mạnh mẽ, hướng đến mô hình “chính quyền phục vụ”.

Một trong những thông điệp nhất quán của cải cách lần này là đặt người dân vào trung tâm của bộ máy hành chính. Khi chính quyền được tổ chức đơn giản, hiệu quả, người dân sẽ cảm nhận được ngay những thay đổi thiết thực: thủ tục hành chính nhanh hơn, chi phí thời gian và tiền bạc giảm, dịch vụ công tiếp cận dễ dàng hơn.

Về bản chất, mô hình hai cấp không chỉ là sự sắp xếp lại bộ máy, mà là sự chuyển đổi trong tư duy quản trị: Từ “quản lý nhân dân” sang “phục vụ nhân dân”, xây dựng nhà nước kiến tạo dựa trên nền tảng số.

Hơn thế, cải cách này mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương. Khi cấp xã được phân quyền thực chất, các xã, phường, thị trấn, nơi trực tiếp “chạm” vào đời sống người dân, sẽ trở thành “tế bào chủ động” trong hệ thống hành chính, từ đó phát huy tốt hơn tiềm năng địa phương, thúc đẩy sáng kiến cộng đồng và tăng sức cạnh tranh vùng.

Dù mang lại nhiều kỳ vọng, việc vận hành mô hình hai cấp chắc chắn đối mặt với không ít thách thức.

Thứ nhất, năng lực quản lý và vận hành của cấp xã hiện nay còn nhiều hạn chế. Khi nhận thêm nhiều trách nhiệm từ cấp huyện chuyển xuống, các xã/phường sẽ phải gánh khối lượng công việc lớn hơn, phức tạp hơn. Nếu không được bồi dưỡng, hỗ trợ, rất dễ xảy ra tình trạng quá tải, “tê liệt cục bộ” hoặc hành chính hình thức.

Thứ hai, vấn đề nhân sự dôi dư ở cấp huyện sau khi sáp nhập là không nhỏ. Hàng chục nghìn cán bộ, công chức có thể bị “mất ghế” hoặc phải điều chuyển vị trí. Nếu không có chính sách sắp xếp minh bạch, công bằng và nhân văn, có thể phát sinh tâm lý bất ổn trong đội ngũ cán bộ, điều nguy hiểm cho một cuộc cải cách cần sự đồng thuận cao.

Thứ ba, không phải xã/phường nào cũng có đủ điều kiện về hạ tầng số, nhân lực công nghệ và tài chính để thực hiện “chính quyền điện tử”, trong khi một phần quan trọng của cải cách là xây dựng chính quyền số, chính phủ số. Khoảng cách số giữa nông thôn, thành thị, miền núi, đồng bằng có thể tạo ra độ vênh trong hiệu quả vận hành mô hình hai cấp.

Để cải cách không rơi vào tình trạng “hình thức hóa”, cần triển khai các giải pháp đồng bộ:

1. Phân quyền thực chất: Cấp xã phải được giao quyền gắn liền với nguồn lực. Không thể giao trách nhiệm mà không có ngân sách, nhân sự và quyền quyết định. Luật pháp cần quy định rõ phạm vi quyền hạn, cơ chế kiểm tra, giám sát, phản biện để tránh lạm quyền.

2. Nâng cao năng lực chính quyền cơ sở: Cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lại toàn diện cho đội ngũ công chức xã, phường, đặc biệt ở các lĩnh vực tài chính - kế toán, đầu tư công, quản lý đô thị, công nghệ thông tin. Việc tuyển chọn nhân sự cần hướng đến trình độ, chuyên nghiệp và đạo đức công vụ.

3. Đầu tư cho hạ tầng số và dữ liệu: Chính quyền địa phương hai cấp chỉ có thể phát huy hiệu quả nếu được vận hành trên nền tảng công nghệ số. Cần ưu tiên ngân sách cho hạ tầng viễn thông, dịch vụ công trực tuyến toàn trình, kho dữ liệu dùng chung và hệ thống định danh số, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa.

Việc tổ chức lại mô hình chính quyền địa phương lần này không đơn thuần là hành động ứng phó tức thời, mà mang tính chiến lược lâu dài. Trong bối cảnh toàn cầu chuyển dịch mạnh sang kinh tế tri thức, xã hội số và đô thị thông minh, một nền hành chính hiện đại, linh hoạt, gọn nhẹ, sát thực tiễn sẽ là điều kiện tiên quyết để Việt Nam tăng tốc phát triển và hội nhập quốc tế.

 Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại xã Yên Dương, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh TTXVN.

Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại xã Yên Dương, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh TTXVN.

Về lâu dài, khi hệ thống dữ liệu quốc gia hoàn thiện, bộ máy hành chính số hóa, mô hình hai cấp có thể chuyển hóa thành mô hình “hành chính mở”: người dân, doanh nghiệp có thể tương tác trực tiếp với chính quyền qua một nền tảng số duy nhất; chính sách được hoạch định dựa trên dữ liệu thời gian thực; và dịch vụ công được cung cấp theo nhu cầu, thay vì theo quy trình cứng nhắc.

Bắt đầu từ ngày 1/7/2025, Việt Nam bước vào một chương mới trong tiến trình cải cách hành chính. Chính quyền địa phương hai cấp không chỉ là một thay đổi về mô hình tổ chức, mà còn thể hiện quyết tâm đổi mới tư duy quản trị, lấy người dân làm trung tâm, phục vụ nhân dân tốt hơn.

Khi Bộ Chính trị ban hành nghị quyết chỉ đạo, Quốc hội thông qua luật, Chính phủ ban hành công điện và 34 tỉnh/thành đồng loạt kích hoạt mạng IOC (Trung tâm Điều hành Thông minh) ta thấy “guồng quay” của cả hệ thống chính trị. Cải cách này cho thấy Đảng không chỉ giữ vai trò “định hướng vĩ mô” mà còn rất sát sao trong việc tổ chức thực hiện.

Bất kỳ cuộc cách mạng, sự đổi mới nào thì chặng đường đầu chắc chắn vấp váp, khó khăn nhưng như lời Tổng Bí thư Tô Lâm: “Cải cách thể chế là hành trình bền bỉ, không một bước đã thành công. Nhưng mỗi quyết sách đúng lúc sẽ mở ra một chân trời phát triển mới cho đất nước”.

Với bước ngoặt hai cấp lần này, Việt Nam không chỉ tinh gọn bộ máy, mà còn đặt nền móng cho một nền hành chính kiến tạo, minh bạch, số hóa, nơi tiếng nói của người dân ở xã/phường vang vọng thẳng tới cơ quan lập pháp và người đứng đầu Đảng. Và đó mới là ý nghĩa sâu xa nhất của cuộc “đại phẫu” thể chế lần này.

Nếu thực hiện đúng hướng, đầy đủ và quyết liệt, cải cách này sẽ trở thành nền tảng quan trọng cho việc xây dựng một nhà nước kiến tạo, một nền hành chính hiện đại và một xã hội công bằng, văn minh, đúng như kỳ vọng được Tổng Bí thư nêu: “một tầm nhìn cho 100 năm phát triển đất nước”.

Lê Thọ Bình

Lê Thọ Bình

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/xay-dung-nha-nuoc-kien-tao-vi-dan-post187061.html