Xây dựng nhãn hiệu sản phẩm

Thời gian qua, nông nghiệp của huyện Lâm Thao đã có bước phát triển cả về lượng và chất nhờ các giải pháp, chính sách phù hợp. Đặc biệt, việc chú trọng xây dựng sản phẩm chủ lực gắn với xây dựng nhãn hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm đã góp phần nâng cao giá trị trong sản xuất.

Sản phẩm rau của HTX dịch vụ sản xuất sơ chế và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn Tứ Xã được sơ chế, bảo quản đúng kỹ thuật, dán tem trước khi đưa ra thị trường.

Với lợi thế là huyện đồng bằng và có vị trí địa lý thuận lợi, huyện đã tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa cận đô thị, tăng giá trị và hiệu quả trên một đơn vị diện tích, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất rau an toàn. Nhờ vậy, nhiều sản phẩm hàng hóa trên địa bàn đã có thương hiệu riêng, hình thành vùng sản xuất có quy mô lớn. Có thể kể đến như lúa JO2 với diện tích trên 2.500ha/năm, vùng sản xuất rau an toàn theo hướng hàng hóa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Tứ Xã với diện tích 45ha, vùng trồng ớt Phùng Nguyên diện tích 15ha. Một số địa phương, HTX có sản phẩm đặc sản, đặc trưng có tiềm năng phát triển như tương Dục Mỹ, mì rau củ của HTX Thực phẩm xanh...

Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, lựa chọn, ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển các sản phẩm có lợi thế của địa phương, đồng thời quan tâm xây dựng thương hiệu, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, xây dựng thành công nhãn hiệu sản phẩm, hỗ trợ tạo lập, quản lý quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ với các sản phẩm nông nghiệp: Rau an toàn Tứ Xã, chuối Bản Nguyên, tương Dục Mỹ, tương cổ Đất Tổ và nước cốt tương - xã Cao Xá... Các sản phẩm sau khi được xác lập, bảo hộ đã thực sự phát huy hiệu quả, 100% sản phẩm sau bảo hộ đã đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá rộng rãi trên thị trường, bước đầu có thị trường tiêu thụ ổn định tại các cửa hàng giới thiệu sản phẩm, siêu thị và một số kênh phân phối tiêu thụ khác.

Năm 2020, HTX dịch vụ sản xuất sơ chế và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn Tứ Xã được cấp nhãn hiệu tập thể rau an toàn Tứ Xã. Trước đây, sản phẩm làm ra chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của người dân nên chất lượng không đồng đều. Từ khi HTX đứng ra bao tiêu sản phẩm, hướng dẫn quy trình kỹ thuật, nhất là từ khi được công nhận nhãn hiệu tập thể, các thành viên tham gia tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật từ khâu bảo đảm môi trường đến đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa - Giám đốc HTX cho biết: HTX được huyện và các ngành chức năng hỗ trợ triển khai dự án tạo lập, quản lý, phát triển nhãn hiệu tập thể, trong đó được hỗ trợ về xây dựng mã số, mã vạch, mã QR Code... Xây dựng nhãn hiệu giúp HTX hạn chế những rủi ro về biến động giá và mở rộng thị trường tiêu thụ. HTX hiện canh tác khoảng 40 loại rau, củ theo mùa vụ, sản phẩm đã có mặt tại một số siêu thị lớn như Co.op mart, Winmart. Khi được “định danh” không chỉ giúp nông sản có được chỗ đứng trên thị trường, các thành viên HTX cũng nâng cao trách nhiệm, nhận thức trong sản xuất.

Thời gian tới, huyện tiếp tục nghiên cứu, chủ động đề xuất, xây dựng các dự án hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm, dịch vụ của địa phương, tạo động lực cho phát triển sản xuất, kinh doanh, giúp người dân, doanh nghiệp tham gia hiệu quả, chủ động vào thị trường. Đối với những sản phẩm đã được bảo hộ, chứng nhận, tiếp tục tuyên truyền để nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc giữ gìn, phát triển nhãn hiệu chứng nhận. Đồng thời đẩy mạnh quảng bá thương hiệu sản phẩm gắn với quản lý tốt việc sử dụng tem, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người sản xuất.

Nguyễn Huế

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//nong-lam-nghiep/xay-dung-nhan-hieu-san-pham/189151.htm