Xây dựng nông thôn mới gắn với bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống

Sau hơn một thập niên triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), bức tranh ở những làng quê xứ Thanh đã có nhiều khởi sắc. Những con đường trước kia 'mưa lầy, nắng bụi' giờ đây đã được bê tông sạch đẹp. Nhiều công trình hạ tầng, dân sinh được đầu tư xây dựng góp phần thiết thực cho nhu cầu giao thương của người dân.

Nhiều hộ dân ở bản Bút, xã Nam Xuân (Quan Hóa) vẫn lưu giữ nếp nhà sàn truyền thống.

Nhiều hộ dân ở bản Bút, xã Nam Xuân (Quan Hóa) vẫn lưu giữ nếp nhà sàn truyền thống.

Bên cạnh cơ sở vật chất được cải thiện thì chất lượng đời sống tinh thần cũng ngày một nâng cao, trong đó việc bảo tồn, giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống vẫn được nối tiếp, trao truyền gìn giữ trong cộng đồng dân cư.

Có nhiều ý kiến cho rằng, xây dựng NTM không có nghĩa là phải làm mới tất cả. Và câu chuyện giữ “hồn làng”, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa địa phương luôn được coi trọng trong quá trình xây dựng NTM. Bởi, khi nhắc tới “đặc trưng” văn hóa truyền thống vùng, miền thì không chỉ có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ hay những công trình bê tông kiên cố mà nó còn là hình thái không gian, cảnh quan, bản sắc, nếp làng, cốt cách con người... Đó mới thực là nền tảng cốt lõi mang giá trị bền vững, và là mục tiêu cần được tập trung hướng tới trong quá trình xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trong thời gian tới.

Khi bắt tay vào xây dựng NTM, thôn Thượng Đại, xã Hoằng Xuyên (Hoằng Hóa) được sự đồng tình, hưởng ứng của các tầng lớp Nhân dân. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, Nhân dân trong thôn đã đóng góp tiền của, ngày công để đầu tư vào các công trình dân sinh, bê tông hóa 100% tuyến đường giao thông nội thôn, nội đồng. Điều quan trọng hơn nữa là bà con Nhân dân trong thôn luôn đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong lao động sản xuất và cuộc sống. Trong quá trình xây dựng NTM, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong thôn luôn có ý thức giữ gìn những nét văn hóa truyền thống của quê hương. Theo đó, năm 2017 để lưu giữ, bảo tồn chùa Đậu, Nhân dân trong thôn đã tự nguyện hiến hơn 500m2 đất nông nghiệp và đóng góp tiền của, công sức để tu sửa, mở rộng khuôn viên chùa. Ngôi chùa được tôn tạo không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, mà còn tôn vinh và kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống, gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, du lịch của địa phương...

Năm 2017, xã Phú Nghiêm được chọn làm điểm xây dựng NTM của huyện Quan Hóa. Ngay sau khi bắt tay vào triển khai, xã đã tập trung theo hướng phát triển bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, lấy phát triển sản xuất nông nghiệp làm chủ lực, tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng, từng bước nâng cao mức sống, thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, xã cũng xác định trong xây dựng NTM phải gắn với việc giữ gìn bản sắc văn hóa của địa phương. Cùng với cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, đơn vị văn hóa, xã luôn chú trọng việc nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng NTM, đồng thời huy động các nguồn lực xây dựng, chỉnh trang các hạng mục cơ sở vật chất về văn hóa; xây dựng quy chế quản lý, sử dụng các trang thiết bị ở trung tâm văn hóa - thể thao xã và nhà văn hóa các thôn, qua đó góp phần làm thay đổi bộ mặt văn hóa nông thôn, nâng cao nhận thức của Nhân dân trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương...

Cụ thể, xã Phú Nghiêm đã quan tâm bảo tồn nghề dệt thổ cẩm, đan lát truyền thống; lưu giữ những làn điệu dân ca, dân vũ, cùng các trò chơi dân gian truyền thống đặc sắc của đồng bào Thái, như khặp, khua luống, trống, chiêng, nhảy sạp, hát ru, kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy, đu quay, đi cà kheo... Qua đó ý thức cộng đồng, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cũng như sự gắn bó, tình làng nghĩa xóm ở từng khu dân cư được khơi dậy và vun đắp. Đến nay, xã Phú Nghiêm có 90% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; có 4/4 bản đạt chuẩn văn hóa...

Nhằm khắc phục hiện tượng “chảy máu nhà sàn” trên địa bàn, Ban Thường vụ Huyện ủy Quan Hóa đã ban hành Nghị quyết số 12 ngày 12-5-2018 về “Giữ gìn, phát huy nhà sàn truyền thống và văn hóa nhà sàn của đồng bào Thái, Mường huyện Quan Hóa”. Theo đó huyện đã ban hành cơ chế, chính sách để bảo tồn và phát huy nhà sàn truyền thống; từng bước phát triển nhà sàn để gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Gìn giữ, phát huy nhà sàn truyền thống và văn hóa nhà sàn gắn với xây dựng NTM, với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của Nhân dân.

Có thể nói, cánh cổng làng ở những vùng quê xứ Thanh đang rộng mở để các giá trị văn hóa nông thôn tiếp tục lan tỏa, phát huy trong đời sống cộng đồng, đồng thời chủ động đón nhận những làn gió văn hóa mới để bồi đắp thêm cho văn hóa nông thôn ngày càng phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, bức tranh văn hóa nông thôn cũng đang chịu những sức ép lớn từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, công nghiệp hóa, đô thị hóa và những luồng tư tưởng cực đoan, những thông tin xấu độc trên không gian mạng...

Để tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng NTM, các cấp ủy, chính quyền địa phương trong tỉnh cần tiếp tục coi trọng việc phát huy giá trị cốt lõi của truyền thống văn hiến quê hương mình nhằm nâng cao năng lực cộng đồng và đời sống tinh thần của người dân; giữ vững vai trò văn hóa trong đời sống tinh thần của Nhân dân. Đó cũng chính là “chìa khóa” để thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển.

Bài và ảnh: Gia Bảo

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/xay-dung-nong-thon-moi-gan-voi-bao-ton-gia-tri-van-hoa-truyen-thong/179684.htm