Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị ở Hà Nội:Tạo đột phá từ đầu tư hạ tầng
Xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội không chỉ là nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội mà còn là bước đệm quan trọng để các địa phương trở thành đô thị.
Những năm gần đây, diện mạo các huyện của thành phố Hà Nội như: Đông Anh, Hoài Đức, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng... đều có chuyển biến tích cực. Từ những vùng quê thuần nông, các địa phương này đang từng bước tiệm cận tiêu chí đô thị nhờ đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội. Xây dựng nông thôn mới không chỉ là nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội mà còn là bước đệm quan trọng để các địa phương trở thành đô thị.

Diện mạo nông thôn mới khang trang tại xã Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm). Ảnh: Quang Thái
Ưu tiên phát triển hạ tầng đồng bộ
Tại Đông Anh, một trong những huyện có hạ tầng giao thông đang được đầu tư quy mô, hiện đại. Nhiều tuyến đường trọng điểm như: Đường Võ Nguyên Giáp, đường 23B, đường Vành đai 3,5, các tuyến nối khu công nghiệp, khu đô thị mới... đã và đang được cải tạo, mở rộng, kết nối thuận lợi giữa huyện Đông Anh với trung tâm Thủ đô và vùng lân cận. Nhờ tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng, Đông Anh là một trong những huyện đầu tiên của Hà Nội được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới (năm 2016) và đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (năm 2025).
Mới đây, ngày 19-5, thành phố Hà Nội khởi công xây dựng cầu Tứ Liên - cây cầu dây văng hiện đại nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh qua sông Hồng. Có tổng vốn đầu tư gần 20.000 tỷ đồng, dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2028. Khi đưa vào sử dụng, cầu Tứ Liên sẽ giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa nội đô và các huyện phía Bắc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực ven đô.
Không riêng Đông Anh, huyện Hoài Đức cũng đang có bước chuyển mình mạnh mẽ. Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn huyện đã có hàng chục dự án đầu tư công trọng điểm của thành phố, của huyện được triển khai, tập trung phát triển hạ tầng giao thông như: Đường Vành đai 3,5, đường LK1, đường LK8, đường ĐH02, đường Lại Yên - Vân Canh… Huyện đang đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án: Quốc lộ 32, đường LK5...; tiếp tục rà soát đề xuất thành phố triển khai đầu tư hoàn thành hệ thống giao thông khung, trục chính trên địa bàn trong giai đoạn tiếp theo. Bên cạnh đó, Hoài Đức tập trung thực hiện các dự án công viên, cây xanh, vườn hoa, công trình văn hóa, thể dục, thể thao, trường học, trạm y tế đồng bộ, đáp ứng nhu cầu người dân; củng cố, nâng cao tiêu chí nông thôn mới, hoàn thiện tiêu chí quận, phường.
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, giai đoạn 2010-2024, tổng nguồn vốn huy động cho chương trình xây dựng nông thôn mới toàn thành phố đạt hơn 183.000 tỷ đồng. Riêng giai đoạn 2021-2024, Hà Nội đã huy động hơn 86.800 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, đến nay, toàn thành phố có 17/17 huyện và thị xã Sơn Tây đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 5 huyện: Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Oai đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao...
Thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và đô thị
Phát triển hạ tầng không chỉ phục vụ dân sinh mà còn tạo môi trường hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư. Theo Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền, khi hạ tầng được đầu tư bài bản, nhiều khu đô thị quy mô lớn như: Vinhomes Ocean Park, Đặng Xá, Trâu Quỳ… được hình thành, góp phần thay đổi cơ cấu dân cư, kinh tế trên địa bàn. Nhờ đó, các cụm công nghiệp như Phú Thị, Bát Tràng, Dương Xá… phát triển mạnh mẽ, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động nông thôn với thu nhập cao hơn so với sản xuất nông nghiệp.
Tại huyện Đan Phượng - nơi 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, hệ thống hạ tầng đang dần mang dáng dấp đô thị. Đầu năm 2025, Đan Phượng đã khởi công xây dựng tuyến đường Tây Thăng Long, đoạn từ đường Vành đai 3,5 đến đường kênh Đan Hoài. Nhiều tuyến giao thông, đường trục chính xã, thôn được trải nhựa, lắp đèn chiếu sáng thông minh. Các xã đều có tuyến đường hoa, khu sinh hoạt cộng đồng và cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Chủ tịch UBND xã Hồng Hà Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ: “Tuy ở nông thôn nhưng chúng tôi được đầu tư hạ tầng đồng bộ. Người dân thực sự cảm nhận được chất lượng cuộc sống nâng cao từng ngày”.
Tại huyện Phúc Thọ, chính quyền địa phương cũng đang từng bước xây dựng nếp sống văn minh gắn với tiêu chí đô thị. Theo Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đình Sơn, từ cuối năm 2024, huyện đã triển khai tuyên truyền để người dân thực hiện nếp sống văn minh khi xây dựng nhà ở. Các công trình xây dựng đều phải xin phép, ký cam kết bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng đến hàng xóm. Đây là một trong những bước đi cụ thể để tạo dựng nền tảng ứng xử văn minh - yếu tố cốt lõi của phát triển đô thị hiện đại.
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, nhiều năm nay, Hà Nội đã chỉ đạo, định hướng các địa phương xây dựng nông thôn mới phải gắn chặt với phát triển đô thị tương lai. Trong đó, một số huyện đã thực hiện song song đề án xây dựng nông thôn mới và xây dựng huyện thành quận. Từ đó, các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị được thực hiện khoa học, bài bản, hiệu quả…
Chủ trương của thành phố Hà Nội tiếp tục đầu tư phát triển mạnh mẽ hệ thống giao thông liên vùng, các tuyến đường vành đai, hệ thống cấp thoát nước, xử lý rác thải... đồng thời, khuyến khích các địa phương chủ động thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào quá trình phát triển hạ tầng và dịch vụ khu vực nông thôn. Khi hạ tầng được đầu tư đồng bộ, khoảng cách giữa nông thôn và đô thị sẽ dần thu hẹp. Người dân ven đô sẽ được thụ hưởng điều kiện sống hiện đại mà vẫn giữ gìn được giá trị truyền thống văn hóa làng quê - bản sắc riêng của nông thôn Thủ đô.