Xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp

Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/HU, ngày 16/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Cù Lao Dung về xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp (Nghị quyết số 10-NQ/HU), huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) đã góp phần nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Là một trong những nông dân chuyên canh mía lâu năm ở huyện Cù Lao Dung, ông Nguyễn Văn Tấn ngụ ấp Nguyễn Tăng, xã Đại Ân 1 đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của cây mía bởi những tác động từ thời tiết và thị trường. Nhiều năm, giá thu mua mía nguyên liệu xuống thấp chạm đáy, khiến thu nhập của ông Tấn và nhiều hộ trồng mía khác bấp bênh. Tuy nhiên, đó là chuyện của hơn 5 năm về trước. Hiện nay, khu vườn 30 công xen canh 3 loại cây chủ lực gồm: nhãn, mít và chanh bông tím đang giúp ông Tấn đem về thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng/năm. Đây là kết quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng do ngành Nông nghiệp huyện Cù Lao Dung cùng chính quyền địa phương vận động nông dân thực hiện.

Theo ông Nguyễn Văn Tấn, hơn 5 năm trước, việc trồng mía không còn đem lại lợi nhuận cao cho gia đình nữa. Chính vì vậy, sau khi được địa phương khuyến cáo, ông Tấn quyết định chuyển toàn bộ diện tích mía kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái. Nhờ việc xen canh nhãn, mít và chanh bông tím nên hiện nay, ông Tấn có lợi nhuận ít nhất 200 triệu đồng/năm. Có được kết quả này, ngoài sự mạnh dạn, nỗ lực trong đầu tư của nhà vườn còn có sự quan tâm, hỗ trợ sâu sát từ ngành Nông nghiệp huyện Cù Lao Dung trong việc hỗ trợ cây giống, phân bón cho đến mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, giúp nông dân chuyển đổi cây trồng hiệu quả.

Nhà vườn ở huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) ứng dụng chuyển số trong sản xuất nông nghiệp với phần mềm điều khiển tưới tiêu nước tiết kiệm thông qua điện thoại di động. Ảnh: HẢI HÀ

Nhà vườn ở huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) ứng dụng chuyển số trong sản xuất nông nghiệp với phần mềm điều khiển tưới tiêu nước tiết kiệm thông qua điện thoại di động. Ảnh: HẢI HÀ

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng mía kém hiệu quả sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn mà nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Cù Lao Dung đã khai thác hiệu quả đất đai, nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 10-NQ/HU. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm nên thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy tham mưu, tổ chức Hội nghị triển khai, quán triệt Nghị quyết số 10-NQ/HU đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức để nghiên cứu học tập, quán triệt. Đồng thời, chỉ đạo UBND huyện triển khai Nghị quyết số 10-NQ/HU đến các ban ngành, đoàn thể huyện và UBND các xã, thị trấn. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cũng chủ động tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch cụ thể, để tổ chức triển khai và thực hiện sát với tình hình thực tế tại huyện Cù Lao Dung. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền phong phú, đa dạng bằng nhiều hình thức về quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về Nghị quyết số 10-NQ/HU. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân toàn huyện, tích cực hưởng ứng, tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, góp phần tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Theo đồng chí Lê Trọng Nguyên - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cù Lao Dung, với mục tiêu trọng tâm là nâng cao đời sống vật chất cho người dân nông thôn, huyện Cù Lao Dung đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đã chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Hiện nay, ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện đã đạt mức tăng trưởng khá nhanh. Nuôi thủy sản giai đoạn 2016 - 2023 tăng hơn 150% so với giai đoạn 2011 - 2015; cây ăn trái (nhãn, dừa) giai đoạn 2016 - 2020 tăng 100% so với giai đoạn 2011 - 2015. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển đổi mạnh mẽ từ diện tích trồng mía kém hiệu quả sang cây ăn trái, tôm nước lợ vừa đem lại hiệu quả vừa thích ứng với biến đổi khí hậu. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện Cù Lao Dung đạt 62,39 triệu đồng (tăng hơn 3,46 lần so với năm 2010). Đến nay, huyện Cù Lao Dung có 7/7 xã nông thôn mới, huyện cơ bản đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới, có 2 xã An Thạnh 1 và An Thạnh Tây đạt xã nông thôn mới nâng cao, xã An Thạnh 1 đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về chuyển đổi số.

Với những cách làm hiệu quả trong thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/HU, Đảng bộ huyện Cù Lao Dung đã từng bước phát huy tiềm năng, lợi thế để xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển ngành nông nghiệp. Từ đó giúp kinh tế - xã hội huyện ngày thêm khởi sắc, góp phần quan trọng vào quá trình tăng trưởng chung của tỉnh.

HẢI HÀ

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/xay-dung-nong-thon-moi/xay-dung-nong-thon-moi-gan-voi-tai-co-cau-nong-nghiep-72629.html