Xây dựng nông thôn mới ở các xã vùng khó huyện Như Thanh
Như Thanh là huyện miền núi với 14 đơn vị hành chính. Đến nay, phong trào xây dựng nông thôn mới (XDNTM) trên địa bàn huyện đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận, huyện đang tiếp tục gỡ các 'nút thắt', nhất là ở các xã vùng khó để đẩy nhanh hơn nhiệm vụ XDNTM.
Mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên tại xã Thanh Kỳ.
Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Thanh Trần Thị Thu Hằng, cho biết: Như Thanh có 9 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, song nhờ nguồn kinh phí hỗ trợ từ các chương trình, dự án của trung ương và tỉnh, hiện nay đã có 6 xã đặc biệt khó khăn về đích NTM. Theo đó, huyện đã có 9 xã NTM, trong đó có 3 xã NTM nâng cao, 17 thôn NTM kiểu mẫu. Đến thời điểm hiện tại xã Phượng Nghi đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM, đang củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí để trình các ngành thẩm định. Hiện còn các xã Thanh Kỳ, Thanh Tân, Xuân Thái chưa hoàn thành chương trình XDNTM, là thách thức trên lộ trình phấn đấu đưa Như Thanh trở thành huyện NTM vào năm 2024.
Tại xã Thanh Kỳ - một trong 3 địa phương đang loay hoay với chương trình XDNTM, tính đến tháng 4-2023 mới đạt 10/19 tiêu chí NTM. Đây là xã khó khăn, địa giới hành chính rộng, dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Dân cư sinh sống thưa thớt nên việc đầu tư, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, công trình phụ trợ luôn thiếu nguồn lực. Mặc dù đặt mục tiêu về đích NTM vào năm 2023, nhưng đến nay xã còn nhiều chỉ tiêu, tiêu chí chưa đạt, gồm: giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, môi trường và an toàn thực phẩm, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật. Với tiêu chí giao thông đòi hỏi nguồn đầu tư lớn nên bên cạnh sự hỗ trợ từ Nhà nước, xã đã và đang vận động Nhân dân đóng góp ngày công và vật chất để hoàn thiện các nội dung tiêu chí, như tiến hành múc rãnh, đắp lề các trục đường xã bảo đảm bề rộng nền đường 6,5m; phát quang hành lang và nạo vét rãnh dọc bên đường các trục thôn và ngõ xóm.
Chủ tịch UBND xã Thanh Kỳ Nguyễn Trọng Viện cho biết: Là xã miền núi khó khăn lại có địa giới hành chính rộng nên việc huy động nguồn lực để hoàn thành chương trình XDNTM, nhất là bộ tiêu chí mới còn khó khăn. Do đó, bên cạnh sự hỗ trợ từ tỉnh, huyện thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, UBND xã đã tập trung tuyên truyền, vận động và khơi dậy sự đồng lòng của Nhân dân. Dự kiến trong tháng 6-2023, 100% các tuyến giao thông nông thôn trên địa bàn xã sẽ hoàn thành, nhà cửa hộ dân được chỉnh trang, bảo đảm theo bộ tiêu chí NTM. Những tiêu chí còn lại xã nỗ lực hoàn thành trong quý 3 và 4.
Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra tại các xã Thanh Tân, Xuân Thái, khi số lượng tiêu chí đạt chuẩn theo bộ tiêu chí mới thấp. Tình trạng người lao động thiếu việc làm còn khá nhiều, thu nhập và chất lượng đời sống thấp, lại thêm địa hình hiểm trở, thiên tai khắc nghiệt, dịch bệnh bất thường; hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, phục vụ dân sinh. Mặt khác, năng lực của cán bộ cơ sở nhiều địa phương còn yếu; cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong các cơ quan hành chính còn ít, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị chưa đồng đều; công tác tạo nguồn, quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý là người dân tộc thiểu số chưa đồng bộ... là những thách thức, trở ngại lớn trong XDNTM.
Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Thanh Trần Thị Thu Hằng khẳng định: Để tháo gỡ nút thắt trong XDNTM ở các xã vùng khó, UBND huyện đã và đang thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương hỗ trợ XDNTM; kết hợp lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại các xã, thôn, bản, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế- xã hội khu vực nông thôn. Đồng thời, tăng cường thực hiện các giải pháp huy động nguồn lực nhằm thực hiện có hiệu quả, bền vững chương trình trên địa bàn huyện.