Xây dựng nông thôn mới tạo tiền đề vững chắc để Hậu Lộc phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững (Bài 3): Ứng dụng khoa học - công nghệ phát triển chăn nuôi theo hướng quy mô lớn gắn với bảo vệ môi trường
Trong những năm qua ngành chăn nuôi của huyện Hậu Lộc phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như ảnh hưởng của các loại dịch bệnh, giá thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi giá đầu ra vật nuôi không ổn định. Song được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, hiện nay ngành chăn nuôi huyện Hậu Lộc đã đạt được những thành quả quan trọng. Theo đó, chăn nuôi phát triển toàn diện, sản xuất theo xu hướng thâm canh, dần hình thành các trang trại quy mô lớn theo hướng công nghệ cao, góp phần thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của huyện Hậu Lộc giai đoạn 2021-2025.
Xã Minh Lộc hình thành các cụm trang trại chăn nuôi gia cầm lớn nhất huyện Hậu Lộc. Ảnh: Hoàng Đông
Tính đến tháng 7-2023, tổng đàn trâu, bò trên địa bàn huyện Hậu Lộc là 5.027 con; đàn lợn 30.829 con, trong đó được nuôi tại trang trại theo phương thức công nghiệp chiếm trên 50%; đàn gia cầm 1.371 nghìn con (trong đó 50% tổng đàn được nuôi trang trại theo phương thức công nghiệp). Các sản phẩm chăn nuôi đa dạng, trong đó sản lượng thịt hơi các loại đạt 7.536 tấn; sản lượng trứng đạt 8.380 nghìn quả. Đến nay, huyện Hậu Lộc duy trì và phát triển trên 292 trang trại chăn nuôi chuyên biệt, trong đó có 111 trang trại chăn nuôi đạt tiêu chí theo Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (gồm 26 trang trại lợn và 85 trang trại gia cầm). Trong đó có 94 trang trại gia cầm và lợn chăn nuôi theo hình thức liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm chủ lực đối với trang trại chăn nuôi là lợn thịt, gà thịt, vịt thịt và trứng gia cầm.
Trong 6 tháng đầu năm, ngành chăn nuôi của huyện Hậu Lộc phát triển ổn định, không có dịch bệnh lớn phát sinh trên đàn vật nuôi. Nhìn chung, các mô hình trang trại sau khi chuyển đổi đều cho hiệu quả kinh tế cao hơn khoảng 10 lần so với trồng lúa. Điển hình là khi đến thăm trang trại chăn nuôi của gia đình ông Đỗ Mạnh Hùng, thôn Đa Thượng, xã Lộc Sơn, cảm nhận được khuôn viên thoáng đãng, sạch đẹp và bảo vệ môi trường. Ông Đỗ Mạnh Hùng cho biết: “Gia đình tôi bắt đầu làm trang trại từ năm 2017. Khu trang trại trước đây là đất nông nghiệp trồng lúa, rau màu kém hiệu quả, gia đình đã nhận thầu và chuyển đổi mục đích sử dụng sang làm trang trại tổng hợp. Với diện tích 4 ha, gia đình tôi đã trồng các loại cây ăn quả như bưởi, xoài, mít, ổi để tạo không khí trong lành đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình chăn nuôi lợn và gia cầm. Hiện gia đình đang duy trì đàn lợn nái 70 - 80 con; nuôi hơn 400 con gà đẻ trứng. Trang trại tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động và 5 - 7 lao động thời vụ, mức lương 8 - 10 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm, trang trại cho doanh thu khoảng 5 tỷ đồng.
Việc chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang các mô hình trang trại chăn nuôi cũng chính là giải pháp thiết thực nhằm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy chăn nuôi trên địa bàn huyện Hậu Lộc phát triển. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Hậu Lộc đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi, góp phần nâng cao, đa dạng hóa sản phẩm và vật nuôi. Tăng cường khuyến khích kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài huyện chuyển nhượng, tích tụ, tập trung đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả phù hợp với quy hoạch sang các mô hình trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn theo hướng công nghệ cao và công nghệ cao. Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn huyện đã thực hiện tích tụ, chuyển đổi 5,7 ha diện tích đất kém hiệu quả sang các mô hình trang trại chăn nuôi gia cầm, chủ yếu tại các xã Liên Lộc, Tuy Lộc và Hưng Lộc. Lũy kế từ năm 2021 đến nay toàn huyện thực hiện tích tụ, tập trung đất đai phát triển sản xuất chăn nuôi quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao là 4,1 ha, diện tích theo hướng công nghệ cao là 9,2 ha.
Trang trại chăn nuôi gà của gia đình anh Vũ Văn Khánh, thôn Minh Hùng, xã Minh Lộc đang áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật với hệ thống cung cấp thức ăn, nước uống tự động. Ảnh: Hoàng Đông
Tại xã Minh Lộc, là một trong những xã có tổng số trang trại chăn nuôi lớn nhất huyện, đặc biệt là trang trại chăn nuôi gia cầm. Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2020-2025, ngành chăn nuôi của xã được quan tâm chỉ đạo và phát triển cả về quy mô và số lượng trang trại, đem lại hiệu quả kinh tế, đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường. Hiện nay, xã duy trì 56 trang trại chăn nuôi đạt tiêu chí theo Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (gồm 8 trang trại lợn, 46 trang trại gia cầm). Trong đó hình thành 4 cụm trang trại gia cầm, 2 cụm trang trại nuôi lợn. Tiêu biểu như trang trại nuôi gà gia đình anh Nguyễn Văn Tơm, thôn Minh Hải (thuộc cụm trang trại Đồng Biêng) có quy mô 49.000 con/lứa; trang trại nuôi lợn thịt của gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn, thôn Minh Thành, quy mô 1.000 con/lứa; trang trại nuôi gà gia đình anh Vũ Văn Khánh, thôn Minh Hùng (thuộc cụm trang trại Mãng Già) có quy mô 10.000 con/lứa; trang trại nuôi gà của gia đình anh Nguyễn Văn Thắng (thuộc cụm trang trại Mãng Già) có quy mô 15.000 con/lứa... Hiện nay các trang trại đều áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi, với hệ thống cung cấp thức ăn, nước uống tự động, chăn nuôi khép kín, đảm bảo an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành chăn nuôi huyện Hậu Lộc còn gặp những khó khăn như chăn nuôi quy mô nuôi nông hộ còn nhiều, mật độ chăn nuôi cao; vấn đề ô nhiễm môi trường chăn nuôi còn xảy ra; công tác quản lý đất đai, quản lý trang trại, nhất là trang trại chuyển đổi từ đất kém hiệu quả sang mô hình trang trại chăn nuôi tập trung chưa được quan tâm tạo điều kiện giao đất dài hạn để người dân yên tâm đầu tư. Việc tích tụ, tập trung đất đai để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong phát triển kinh tế trang trại khó thực hiện do liên quan đến khoảng cách chăn nuôi và công tác quy hoạch tại các địa phương.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hậu Lộc lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó đề ra chương trình trọng tâm là phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021–2025, đối với lĩnh vực chăn nuôi, huyện Hậu Lộc tập trung phát triển đàn gia cầm thịt chất lượng cao tạo bước đột phá trong chăn nuôi; coi phát triển chăn nuôi gia cầm là chương trình trọng tâm. Phát triển chăn nuôi trang trại theo quy mô công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường; duy trì chăn nuôi nông hộ theo hình thức an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường. Phấn đấu đến năm 2025, tổng đàn trâu, bò trên địa bàn huyện là 7.102 con, tổng đàn lợn 35.000 con, đàn gia cầm 1,35 triệu con; thịt hơi các loại 22.500 tấn, trong đó thịt lợn 13.500 tấn; sản lượng trứng gia cầm đạt 22,683 triệu quả. Để đạt được những mục tiêu đề ra, huyện Hậu Lộc đã và đang đề ra các giải pháp chủ yếu, đó là. Tiếp tục chuyển đổi từ đất nông nghiệp khác kém hiệu quả chuyển sang mô hình trang trại chăn nuôi tập trung theo hướng công nghệ cao phù hợp với quy hoạch tái cơ cấu và tích tụ đất đai cũng như quy hoạch nông thôn mới. Mở rộng và nâng cao chất lượng các chương trình tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi gắn với thực tiễn sản xuất, các quy trình chăn nuôi và biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Tăng cường phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ, từng bước hình thành sản phẩm chăn nuôi sạch. Tăng cường khuyến khích, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài huyện chuyển nhượng, tích tụ, tập trung đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả phù hợp với quy hoạch sang các mô hình trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn theo hướng công nghệ cao theo chuỗi giá trị gắn với bảo vệ môi trường.