Xây dựng nông thôn mới thông minh

Với mục tiêu XDNTM theo chiều sâu, thực chất, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã chủ động tiến hành xây dựng các tiêu chí của NTM thông minh. Từ đó, giúp người dân nông thôn tiếp cận gần hơn các ứng dụng công nghệ số, nâng cao chất lượng đời sống.

Xã Hoằng Đồng (Hoằng Hóa) dán mã QR thể hiện danh sách hộ gia đình trong các thôn.

Xã Hoằng Đồng (Hoằng Hóa) dán mã QR thể hiện danh sách hộ gia đình trong các thôn.

Theo quy định của Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025, mỗi xã NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã lựa chọn 1 thôn xây dựng mô hình điểm thôn thông minh để nhân rộng. Theo đó, thôn thông minh phải có hạ tầng internet cáp quang và thông tin di động 3G, 4G đến từng hộ; 100% văn bản đến và đi được thực hiện trên môi trường mạng (trừ văn bản mật); tỷ lệ người trong độ tuổi lao động của thôn có tài khoản thanh toán điện tử, có thể thanh toán được các dịch vụ thiết yếu đạt trên 50% trở lên...

Minh Đức là thôn đầu tiên của xã Thiệu Long (Thiệu Hóa) được lựa chọn xây dựng thôn thông minh. Sau thời gian hướng dẫn, hiện nay, người dân trong thôn đã hoàn toàn đồng tình, thành thạo các thao tác thanh toán qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh và ứng dụng rộng rãi vào đời sống. Ông Đỗ Văn Chuyên, Bí thư chi bộ thôn Minh Đức cho biết: “Bây giờ tôi chỉ cần đăng thông tin lên nhóm zalo chung của thôn là người dân dù có bận công việc hay ở đâu cũng dễ dàng nắm bắt, tham gia thực hiện. Việc triển khai vận động, lấy ý kiến hoặc kiến nghị của người dân trong thôn cũng chính xác và không phải thông báo nhiều lần, các thông tin được chia sẻ minh bạch giúp người dân tiếp thu nhanh hơn và có phản hồi nhanh hơn. Qua nhóm zalo riêng của thôn, người dân cũng tương tác nhiều hơn, kiến nghị, phản ánh những tâm tư, các vấn đề phát sinh trong đời sống để cán bộ thôn vào cuộc tháo gỡ”.

Tại nhà văn hóa thôn Minh Đức cũng đã được lắp đặt Wifi tốc độ cao, đài truyền thanh của thôn đem đến cho người dân nhiều thông tin bổ ích; 100% số hộ dân có điện thoại thông minh, 90,4% hộ lắp đặt mạng internet, trên 70% số người trong độ tuổi lao động có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu như sử dụng phần mềm khám bệnh; trên 70% hộ dân lắp đặt camera an ninh tại gia đình. Tại các tuyến đường thôn Minh Đức, mô hình camera an ninh đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, giữ gìn vệ sinh môi trường, kịp thời nhắc nhở các hành vi, hiện tượng đổ rác sai quy định. Tuy nhiên, sự thay đổi rõ rệt trong quá trình xây dựng thôn thông minh đó là hiện nay, người dân đã tích cực sử dụng tài khoản thanh toán điện tử để thanh toán các dịch vụ thiết yếu, mua bán hàng hóa trực tuyến; từ đó đã giúp cho người dân tiết kiệm thời gian, quản lý chi tiêu dễ dàng.

Trong XDNTM thông minh, các địa phương còn chú trọng chuyển đổi số trong nông nghiệp theo hướng phát triển toàn diện, sinh thái, hiệu quả cao. Trên địa bàn tỉnh đã có hàng nghìn trang trại trồng trọt, chăn nuôi áp dụng các loại máy móc hiện đại, camera giám sát, máy bay không người lái, lò ấp trứng tự động hóa... phát triển nông nghiệp thông minh, hiện đại. Ông Nguyễn Ngọc Khang, chủ trang trại cung cấp giống gia cầm tại xã Quảng Lộc (Quảng Xương) cho biết: “Đầu tư máy ấp trứng công nghiệp đã cho tỷ lệ nở cao hơn do máy được chỉnh nhiệt độ, độ ẩm phù hợp lại ấp được nhiều loại trứng khác nhau... trên 98% số trứng sau khi ra lò đều đảm bảo chất lượng”.

Hay tại nhà màng trồng dưa kim hoàng hậu của gia đình chị Lê Thị Tuyết, xã Xuân Hòa (Thọ Xuân) đã đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel cho chất dinh dưỡng từ phân bón và lượng nước cung cấp cho cây đến tận gốc, đáp ứng tốt từng giai đoạn sinh trưởng của cây và không bị lãng phí nguồn nước tưới. Phương pháp này còn có lợi ích ngăn ngừa sâu bệnh bằng cách giảm thiểu tiếp xúc nước với lá, thân và hoa, giảm rửa trôi của nước và chất dinh dưỡng dưới gốc; tiết kiệm chi phí lao động, thời gian sản xuất.

Với mục tiêu hiện đại hóa nông thôn, hiện nay, các địa phương ngay từ khi bắt đầu XDNTM, NTM nâng cao đã chủ động xây dựng các tiêu chí của NTM thông minh chứ không chờ đến lúc XDNTM kiểu mẫu mới XDNTM thông minh. Tuy còn nhiều địa phương lúng túng, điều kiện chuyển đổi số còn hạn chế, trình độ sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin của một bộ phận người dân chưa cao... nhưng từ những kết quả ban đầu đã đạt được, có thể thấy, xã NTM thông minh đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn, kéo gần hơn khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, xây dựng nông thôn Thanh Hóa ngày càng văn minh, hiện đại.

Bài và ảnh: Lê Ngọc

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/xay-dung-nong-thon-moi-thong-minh-31809.htm