Xây dựng pháp luật: Phân cấp, phân quyền tối đa

Tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 4 luật, 5 nghị quyết phục vụ công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy

Ngày 6-2, tại Nhà Quốc hội (QH), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy QH, Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn đồng chủ trì hội nghị giữa Ban Thường vụ Đảng ủy QH và Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ về kỳ họp bất thường lần thứ 9, QH khóa XV.

Xem xét công tác nhân sự tại kỳ họp bất thường

Báo cáo tại hội nghị, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng QH Lê Quang Tùng cho biết tại kỳ họp bất thường lần thứ 9 (diễn ra từ ngày 12 đến 18-2), QH sẽ xem xét, thông qua 4 luật, 5 nghị quyết phục vụ công tác sắp xếp, hoàn thiện thể chế, cơ chế vận hành các cơ quan, đơn vị, tổ chức của hệ thống chính trị; xem xét, quyết định 4 nội dung khác thuộc thẩm quyền. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cũng đã báo cáo về công tác chuẩn bị hồ sơ, tài liệu để trình kỳ họp bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ.

Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh đây là hội nghị hết sức quan trọng để rà soát các công việc liên quan chuẩn bị cho kỳ họp bất thường lần thứ 9, bảo đảm chất lượng, hiệu quả cao và tạo sự đồng thuận cao nhất của đại biểu QH trong quyết định các nội dung, chương trình của kỳ họp, cũng như quyết định về công tác nhân sự.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng chủ trì hội nghị ngày 6-2. Ảnh: PHẠM THẮNG

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng chủ trì hội nghị ngày 6-2. Ảnh: PHẠM THẮNG

Về phía Đảng ủy Chính phủ, Bí thư Đảng ủy, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết việc tổ chức kỳ họp bất thường thể hiện rõ tinh thần khi có vấn đề thực tiễn phát sinh phải giải quyết và giải quyết đến cùng, có hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.

Về sửa đổi các luật liên quan tổ chức bộ máy, Thủ tướng nhấn mạnh tinh gọn bộ máy là chủ trương lớn, đã được thực hiện nhiều năm qua nhưng lần này quyết liệt hơn, đúng với tinh thần là cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị. Do đó, có những vấn đề về luật pháp cần phải sửa đổi, quán triệt tinh thần của Trung ương là "vướng đâu thì sửa đấy".

Thủ tướng đề nghị tiếp tục quán triệt nguyên tắc xây dựng pháp luật với tinh thần phân cấp, phân quyền tối đa. Việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền phải đi đôi với phân bổ nguồn lực để nâng cao năng lực thực thi, tăng cường giám sát, kiểm tra.

Quốc hội giảm 2 ủy ban

Chiều cùng ngày, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH và các dự thảo nghị quyết về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các cơ quan chuyên môn của QH.

Trình bày tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Hoàng Thanh Tùng cho biết cơ quan của QH sau sắp xếp gồm Hội đồng Dân tộc và 7 ủy ban: Ủy ban Pháp luật và Tư pháp; Ủy ban Kinh tế và Tài chính; Ủy ban Văn hóa và Xã hội; Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Ủy ban Dân nguyện và Giám sát; Ủy ban Công tác đại biểu.

Phương án sắp xếp như sau: Ủy ban Đối ngoại kết thúc hoạt động, chuyển nhiệm vụ về Ủy ban Quốc phòng, An ninh - Văn phòng QH, Bộ Ngoại giao. Ủy ban Quốc phòng, An ninh đổi tên thành Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại. Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Tư pháp sáp nhập thành Ủy ban Pháp luật và Tư pháp. Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính, Ngân sách thành Ủy ban Kinh tế và Tài chính. Ủy ban Xã hội - Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thành Ủy ban Văn hóa và Xã hội.

Hai cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ QH là Ban Dân nguyện và Ban Công tác đại biểu được nâng cấp thành Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của QH, Ủy ban Công tác đại biểu của QH. Như vậy, sau khi thực hiện sắp xếp, số lượng các cơ quan của QH giảm 2 ủy ban.

Về cơ cấu Hội đồng Dân tộc và các ủy ban, dự thảo Luật Tổ chức QH cũng đã bỏ các quy định về ủy viên thường trực, ủy viên chuyên trách hiện nay. Theo đó, cơ cấu Hội đồng Dân tộc và các ủy ban chỉ còn chủ tịch, các phó chủ tịch, chủ nhiệm, các phó chủ nhiệm và các ủy viên. Các ủy viên là đại biểu QH hoạt động chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc và các ủy ban sẽ là thành viên thường trực Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của QH.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định cho biết Ủy ban Thường vụ QH đồng tình với nguyên tắc và nội dung phân định thẩm quyền của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban như dự thảo nghị quyết.

Đột phá về thể chế

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận khó khăn nhất hiện nay là vấn đề tăng trưởng - chỉ tiêu cơ bản nhất trong đánh giá sự phát triển của một đất nước, phản ánh quy mô nền kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, năng suất lao động... Có tăng trưởng mới có tiềm lực, có tiềm lực mới có tiếng nói, có sức mạnh. Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trở lên trong năm 2025, cần phải dành công sức cho một trong 3 đột phá chiến lược, đó là đột phá về thể chế.

MINH CHIẾN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/xay-dung-phap-luat-phan-cap-phan-quyen-toi-da-196250206220502217.htm