Xây dựng phương án dạy và học đáp ứng kỳ thi đổi mới

Từ năm học 2024-2025, chương trình giáo dục phổ thông mới từ lớp 1 đến lớp 12 được triển khai đồng bộ. Theo đó, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT sẽ thực hiện theo chương trình này. Ngành Giáo dục Bắc Giang đang tập trung cao đóng góp ý kiến vào dự thảo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), đồng thời chủ động triển khai hoạt động dạy và học đáp ứng với những thay đổi của kỳ thi sắp tới.

Sửa đổi quy chế tuyển sinh vào lớp 10

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang tổ chức lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT từ năm 2025. Dự kiến, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành quy chế sớm hơn 3 tháng so với năm học trước để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà trường trong quá trình dạy và học, chủ động ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi. Tại dự thảo, quy chế tuyển sinh THCS cơ bản được giữ nguyên, không tác động nhiều đến việc dạy và học trong năm học này. Riêng phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT nhận được sự quan tâm của đông đảo cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh. Đối với công tác tuyển sinh lớp 10 THPT, Bộ GD&ĐT đưa ra 3 phương thức gồm: Thi tuyển, xét tuyển, kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Việc lựa chọn phương thức tuyển sinh thuộc thẩm quyền của các tỉnh, TP. Sở GD&ĐT tham mưu cho UBND tỉnh, TP phê duyệt và lựa chọn phương thức.

 Giờ học môn Lịch sử - Địa lí của cô và trò Trường THCS Đồng Sơn (TP Bắc Giang).

Giờ học môn Lịch sử - Địa lí của cô và trò Trường THCS Đồng Sơn (TP Bắc Giang).

Để bảo đảm thống nhất quan điểm tổ chức kỳ thi nhẹ nhàng, không gây tốn kém, dự thảo quy định chung việc thực hiện 3 môn thi gồm: Toán, Ngữ văn, môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp do Sở GD&ĐT lựa chọn và được công bố trước ngày 31/3 hằng năm. Môn thi thứ ba được chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số của chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS. Môn thi thứ ba có sự thay đổi qua các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản. Bài thi tổ hợp các môn học được lựa chọn trong số các tổ hợp có đánh giá bằng điểm số của chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS. Nội dung thi nằm trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, chủ yếu là chương trình lớp 9.

Những năm gần đây, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT trên địa bàn tỉnh có từ 21-23 nghìn thí sinh tham gia. Kỳ thi mang tính cạnh tranh cao do chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 THPT chỉ chiếm hơn 60% trong tổng số học sinh tốt nghiệp THCS. Số còn lại phân luồng theo học tại các trường tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp.

Theo đại diện Sở GD&ĐT, đa số ý kiến ủng hộ phương án thi 3 môn vào lớp 10 THPT từ năm 2025 với 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, còn môn thứ 3 được thay đổi theo từng năm.

Thầy giáo Lương Văn Vũ, Hiệu trưởng Trường THCS Đồng Sơn (TP Bắc Giang) cho biết: “Việc thay đổi môn thi thứ 3 theo từng năm và được công bố trước ngày 31/3 hằng năm nhằm tránh tình trạng học sinh học tủ, học lệch, bảo đảm công bằng giữa các môn học, đồng thời đáp ứng mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 là phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất học sinh.

Tuy nhiên khó khăn trong việc lựa chọn phương án này là trong chương trình giáo dục phổ thông mới có các môn học tích hợp như: Lịch sử - Địa lí, Khoa học tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Sinh học). Nếu chọn môn thi thứ 3 vào môn Lịch sử - Địa lí hay môn Khoa học tự nhiên thì khối lượng kiến thức các em phải ôn luyện sẽ rất nặng. Nhà trường kiến nghị Sở GD&ĐT xem xét sớm ban hành cấu trúc đề minh họa để giáo viên, học sinh chủ động bố trí giảng dạy và học tập hiệu quả”.

Nhiều giáo viên trực tiếp giảng dạy lớp cuối cấp bậc THCS trên địa bàn tỉnh cũng đồng tình với dự thảo của Bộ GD&ĐT về phương án thi 3 môn vào lớp 10 THPT gồm: Toán, Ngữ văn, môn thứ 3 được thay đổi theo từng năm và đề xuất nội dung đề thi ở mức độ cơ bản để giảm tải áp lực thi cử cho học sinh. Bên cạnh đó, một số cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh đề xuất các phương án khác như: Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT được tổ chức với 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 1 môn tự chọn hoặc ấn định 3 môn thi bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh.

Bám sát nhiệm vụ trọng tâm năm học

Cùng với việc tổng hợp các ý kiến đóng góp của cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh, thời điểm này, ngành Giáo dục Bắc Giang tập trung cao triển khai nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu kỳ thi đổi mới.

Ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Thực hiện kế hoạch số 144/KH-UBND ngày 11/9/2024 của UBND tỉnh về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024-2025, khi triển khai đồng bộ việc dạy và học theo chương trình mới từ lớp 1 đến lớp 12, ngành Giáo dục Bắc Giang chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động trong giảng dạy và học tập, tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Trong đó dành nhiều thời gian cho các em khai thác sử dụng sách giáo khoa, chú trọng vận dụng kiến thức để thực hành, thí nghiệm, ứng dụng vào thực tiễn và định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp”.

Từ khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã xây dựng phương án dạy và học không chỉ cho một năm học mà trong cả giai đoạn, mang tính ổn định, lâu dài, ứng phó linh hoạt với tình huống phát sinh. Trong đó, các nhà trường bám sát nhiệm vụ năm học, bảo đảm chất lượng giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp các em tích lũy kiến thức phổ thông, biết vận dụng vào thực tiễn đời sống và vượt qua các kỳ thi một cách hiệu quả. Đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ, ưu tiên người có trình độ, năng lực chuyên môn dạy các môn tích hợp và dạy lớp cuối cấp.

Bài, ảnh: Minh Thu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/xay-dung-phuong-an-day-va-hoc-dap-ung-ky-thi-doi-moi-082608.bbg