Xây dựng tài liệu giáo dục phòng ngừa tội phạm
Bộ GD&ĐT vừa ban hành kế hoạch thực hiện chương trình phòng, chống tội phạm trong ngành giáo dục đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
GD&TĐ - Bộ GD&ĐT vừa ban hành kế hoạch thực hiện chương trình phòng, chống tội phạm trong ngành giáo dục đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và năng lực hành động của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, người lao động và học sinh, sinh viên trong công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật; tăng cường công tác quản lý, hoàn thiện hệ thống văn bản về phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong ngành Giáo dục.
Kế hoạch đặt ra các mục tiêu cụ thể gồm: Phấn đấu đến năm 2023, 100% trường học định kỳ tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các thành viên trong trường học về phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật, bạo lực học đường trong học sinh, sinh viên.
Phấn đấu đến năm 2024, 100% trường học định kỳ tổ chức giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống và văn hóa ứng xử cho các thành viên trong trường học. Phấn đấu đến năm 2025, số vụ, số người phạm tội, vi phạm pháp luật trong HSSV giảm bền vững.
Để đạt được các mục tiêu trên, ngành Giáo dục các cấp xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức phổ biến, tuyên truyền, giáo dục triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 1944/QĐ-TTg ngày 18/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ, tổ chức tuyên truyền về phòng ngừa tội phạm và phòng, chống hành vi vi phạm pháp luật trong HSSV.
Tổ chức lồng ghép, gắn kết nội dung tuyên truyền phòng ngừa tội phạm với các nội dung tuyên truyền về giáo dục an toàn giao thông, phòng, chống bạo lực học đường, phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác; tuyên truyền phòng ngừa tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật thông qua các chương trình và hoạt động giáo dục của nhà trường.
Tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, hoạt động văn nghệ, giao lưu; các cuộc thi tìm hiểu dưới dạng bài viết hoặc sân khấu hóa, vẽ tranh, áp phích, sáng tác, biểu diễn tiểu phẩm về đề tài phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong HSSV.
Xây dựng tài liệu truyền thông dành cho thành viên trong trường và gia đình HSSV về phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong HSSV; xây dựng tin, bài, phóng sự tuyên truyền về các gương người tốt, việc tốt, các mô hình, điển hình về công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong HSSV.
Tích hợp, lồng ghép nội dung giáo dục phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật vào chương trình giáo dục các môn học phù hợp với từng cấp học, trình độ đào tạo; xây dựng và triển khai chương trình, tài liệu giáo dục phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật thông qua các hoạt động trải nghiệm, hoạt động ngoại khóa dành cho HSSV.
Bộ GD&ĐT giao Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện kế hoạch; đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch; làm đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan của các bộ, ngành trong việc tham mưu phối hợp chỉ đạo theo ngành dọc triển khai thực hiện kế hoạch; tổ chức xây dựng tài liệu về giáo dục phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho học sinh, sinh viên.