Xây dựng Tây Nguyên bình yên, phát triển xanh và bền vững
Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên nhằm cùng các địa phương xây dựng cơ chế đủ mạnh và hiệu quả.
Sáng 20-9, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối (HĐĐP) vùng Tây Nguyên lần thứ nhất.
Dự hội nghị còn có Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, lãnh đạo, đại diện một số ban, bộ, ngành trung ương, lãnh đạo năm tỉnh Tây Nguyên: Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum và Gia Lai.
Nút thắt lớn là giao thông kết nối vùng
Tại hội nghị, đại diện Bộ KH&ĐT - cơ quan thường trực của HĐĐP trình bày báo cáo về một số nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Tây Nguyên và kế hoạch hoạt động của HĐĐP những tháng cuối năm 2023.
Cũng tại hội nghị, các địa phương phản ánh nút thắt lớn nhất của vùng là kết nối giao thông nội vùng và giữa vùng với các địa phương, khiến Tây Nguyên vẫn đang phát triển dưới tiềm năng.
Bên cạnh đó, mức độ liên kết giữa các địa phương còn hạn chế, chủ yếu mới dừng lại ở mức trao đổi thông tin nên chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là những sản phẩm chủ lực chung như cà phê, sầu riêng.
Phải xây dựng vùng Tây Nguyên bình yên và thúc đẩy sự phát triển xanh, bền vững phủ khắp trên cả vùng.
Tình trạng di dân tự do không chỉ dẫn đến nguy cơ phá rừng để làm đất sản xuất, thậm chí chuyển nhượng trái phép đất ở, đất sản xuất, mà còn gây áp lực đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia gặp vướng mắc do vướng quy hoạch; chưa khai thác tốt tiềm năng của rừng vào phát triển du lịch và nâng cao đời sống nhân dân.
Phản hồi ý kiến của địa phương, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết: Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm quy hoạch ngành, đề nghị các tỉnh sớm hoàn thiện quy hoạch tỉnh, làm căn cứ để triển khai các dự án đầu tư.
Với tầm quan trọng của Tây Nguyên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết Thủ tướng giao Bộ GTVT xây dựng tám tuyến giao thông tại vùng Tây Nguyên đến cuối năm 2030, tổng chiều dài hơn 800 km, trong đó có bốn tuyến phải hoàn thành trước năm 2025. Đây là nhiệm vụ nặng nề, vì thế Bộ trưởng đề nghị các tỉnh phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT và Bộ KH&ĐT xây dựng danh mục các dự án ưu tiên tập trung triển khai.
Năm tỉnh Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước, là “phên dậu phía Tây của Tổ quốc”, là “nóc nhà của Đông Dương”, thuộc tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.
Địa bàn có gần 6 triệu người, thuộc tất cả 54/54 dân tộc anh em của cả nước sinh sống.
Cần xây dựng cơ chế mạnh và hiệu quả
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Sự ra đời của HĐĐP vùng Tây Nguyên nhằm cùng các địa phương xây dựng cơ chế đủ mạnh và hiệu quả. Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh phải xây dựng vùng Tây Nguyên bình yên và thúc đẩy sự phát triển xanh, bền vững phủ khắp trên cả vùng.
Phó Thủ tướng đưa ra các yêu cầu cụ thể, trước mắt là cần tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ: 1. Kết nối giao thông nội vùng và giữa vùng với khu vực phụ cận như TP.HCM, ven biển miền Trung; 2. Phối hợp thu hút đầu tư chung, thay vì riêng lẻ, trong đó phải hết sức lưu ý nhà đầu tư mong muốn đầu tư vào ngành nghề nào ở địa bàn và khả năng đáp ứng được mong muốn của nhà đầu tư vì sự phát triển chung của cả khu vực; 3. Cố gắng tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, tăng cường liên kết vùng nguyên liệu; 4. Thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia.
Về kết nối giao thông, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Trong bối cảnh hiện nay cần có sự huy động vốn của trung ương, địa phương và cả nhà đầu tư. Phó Thủ tướng gợi ý các địa phương có thể cùng góp vốn đầu tư chung theo hướng địa phương nào mạnh hơn về nguồn lực đóng góp nhiều hơn, hoặc tham khảo kinh nghiệm của các địa phương khác trong thực hiện các dự án hạ tầng kết nối với các địa phương lân cận.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương trong vùng nhanh chóng hoàn thành quy hoạch tỉnh, trong đó có lồng ghép nội dung chống biến đổi khí hậu; nghiên cứu hình thành Quỹ phát triển hạ tầng vùng.
Về quản lý rừng, Phó Thủ tướng cho biết tới đây sẽ sửa Luật Lâm nghiệp theo hướng phân cấp, phân quyền cho địa phương; quản lý chặt chẽ thực trạng rừng; tăng mức khoán bảo vệ rừng để bà con yên tâm hơn.•
Rừng suy giảm, nước đang cạn kiệt
Hiện vùng Tây Nguyên còn nhiều khó khăn, như GRDP bình quân đầu người vẫn ở mức thấp nhất trong sáu vùng kinh tế - xã hội, chưa địa phương nào trong vùng tự cân đối được ngân sách.
Tỉ lệ che phủ rừng giảm mạnh và không đạt mục tiêu đề ra; rừng tự nhiên suy giảm cả về diện tích và chất lượng. Nguồn nước có nguy cơ cạn kiệt, tình trạng khô hạn diễn biến thất thường.
Giáo dục - đào tạo chuyển biến chậm; chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động thấp. Công tác chăm sóc sức khỏe, dịch vụ y tế cơ bản còn thấp so với mức trung bình của cả nước.
Liên kết nội vùng và liên vùng chưa chặt chẽ, còn hình thức; mạng lưới kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng thiếu và yếu, nhất là hạ tầng chiến lược (giao thông, y tế, giáo dục, hạ tầng số) chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Nguồn PLO: https://plo.vn/xay-dung-tay-nguyen-binh-yen-phat-trien-xanh-va-ben-vung-post752426.html