Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh

Với mục tiêu xây dựng vùng biển, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô thành một trong những trung tâm kinh tế biển phát triển mạnh của cả nước, thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chú trọng các dự án đầu tư vào hạ tầng cảng, hạ tầng khu công nghiệp, khu phi thuế quan… nhằm phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh.

Cảng biển Chân Mây (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) đang được chú trọng đầu tư về hạ tầng để thu hút các hãng tàu, doanh nghiệp. (Ảnh: Thùy Nhung)

Cảng biển Chân Mây (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) đang được chú trọng đầu tư về hạ tầng để thu hút các hãng tàu, doanh nghiệp. (Ảnh: Thùy Nhung)

Hạ tầng, bến bãi được đầu tư

Thừa Thiên Huế là tỉnh thuộc khu vực vùng biển và ven biển Trung Trung Bộ với 128km chiều dài bờ biển tiếp cận với ngư trường Biển Đông, có vị trí cửa ngõ thông thương ra biển; lợi thế kết nối, giao lưu kinh tế thương mại, hàng hải ba miền Bắc - Trung - Nam, kết nối hình thành vành đai kinh tế ven biển động lực phát triển miền Trung.

Xác định tầm quan trọng của biển đối với phát triển kinh tế của tỉnh, thời gian qua, Thừa Thiên Huế đã chú trọng phát huy tiềm năng, thế mạnh của biển và khu vực ven biển, hạ tầng được quan tâm đầu tư. Tỉnh đã tập trung đầu tư hạ tầng nông thôn, thủy lợi - thủy sản, giao thông, góp phần khai thác và phát triển du lịch; xử lý chống xói lở bờ biển Thuận An, Tư Hiền, Hải Dương, mở rộng Cảng cá Thuận An, giải quyết cơ bản nguồn nước sạch cho các xã ven biển.

Với lợi thế của cảng nước sâu, đến nay tại cảng Chân Mây đã kêu gọi đầu tư và đưa vào khai thác 3 cầu cảng với tổng chiều dài khoảng 921m, tổng công suất khai thác khoảng 6 triệu tấn/năm. Đã hình thành và đưa vào khai thác một số khu du lịch mới đẳng cấp quốc tế, nhất là tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Mới đây, dự án (DA) đầu tư xây dựng bến tổng hợp - container số 4 và số 5 cảng Vsico Chân Mây đã được khởi công. DA có tổng mức đầu tư hơn 1.678 tỷ đồng; xây dựng 2 cầu cảng liên hoàn dài 540m, bảo đảm khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp đến 70.000 DWT, tàu container đến 4.000 TEU.

Với tiềm năng, lợi thế, hạ tầng sẵn có, sau khi xây dựng hoàn thành bến số 4 và số 5 sẽ nâng tổng chiều dài các cầu cảng tại Chân Mây lên 1.450m. Hoàn thành giai đoạn 2 đê chắn sóng cảng Chân Mây với chiều dài 750m sẽ bảo đảm các điều kiện để tiếp nhận đồng thời các loại tàu hàng, tàu container, tàu khách cỡ lớn và hiện đại trên thế giới, tăng thời gian khai thác tàu trong năm; tạo động lực và khí thế mới cho Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Ngoài ra, các bến 7 đến 12 cũng đang được tỉnh tập trung kêu gọi đầu tư. Bên cạnh đó, DA đê chắn sóng cảng Chân Mây đã được Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh đầu tư hoàn thành giai đoạn 1 với chiều dài 450m và hiện đang tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 với chiều dài 300m, dự kiến hoàn thành vào quý IV/2025 sẽ góp phần hỗ trợ để các tàu làm hàng ổn định, an toàn trong các điều kiện thời tiết không thuận lợi.

Với mục tiêu đẩy mạnh xây dựng, phát triển đồng bộ hạ tầng cơ sở cảng Chân Mây, trong thời gian qua, Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh cũng đã tập trung nguồn lực để đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông đối nội, đối ngoại tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa lưu thông đến cảng Chân Mây. Đồng thời, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án logistics tại khu vực KT1, KT2 cảng Chân Mây với quy mô khoảng 43,6ha và một số dự án hạ tầng kho bãi, logistics khác nhằm hoàn thiện hệ thống kho bãi, các công trình hạ tầng kỹ thuật đáp ứng nhu cầu của các hãng tàu, nhu cầu của doanh nghiệp.

Cơ chế cho các hãng tàu biển

Ngoài đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cảng biển, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều chính sách nhằm thu hút các hãng tàu container và các doanh nghiệp có hoạt động xuất, nhập hàng hóa đến làm hàng tại cảng Chân Mây. Theo ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ngoài những chính sách ưu đãi chung, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 18/2022/NQ-HĐND ngày 7/9/2022 và Nghị quyết 25/2022/NQ-HĐND ngày 8/12/2022 về thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây.

Cụ thể, đối với hãng tàu biển, đại lý hãng tàu được phép hoạt động kinh doanh vận chuyển container theo quy định và thực hiện trả hàng hoặc bốc hàng tại cảng Chân Mây theo tuyến với tần suất tối thiểu 2 chuyến cập cảng mỗi tháng, mức hỗ trợ 210 triệu đồng/chuyến cập cảng. Đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây (trừ hàng tạm nhập tái xuất, hàng hóa quá cảnh), mức hỗ trợ đối với container 20 feet, 800 nghìn đồng/container; đối với container 40 feet, 1,1 triệu đồng/container.

Các hãng tàu biển có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây.

Các hãng tàu biển có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây.

Hiện nay, lượng hàng hóa qua cảng Chân Mây ngày càng tăng cao. Năm 2023, lượng hàng thông qua cảng khoảng 4 - 4,5 triệu tấn. Việc khu bến Chân Mây được khai thác tàu container, cùng với chính sách hỗ trợ của tỉnh đối với các hãng tàu, doanh nghiệp có hàng container qua cảng, lượng hàng hóa của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh qua cảng dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh. Cùng với việc khai thác nguồn hàng từ Lào, Đông Bắc Thái Lan và các nước trong khu vực, dự báo đến năm 2030, lượng hàng hóa qua cảng Chân Mây khoảng 20 - 25 triệu tấn/năm.

Để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương cho biết, tỉnh đã đề ra phương hướng phát triển, giải pháp về phát triển kinh tế biển và được cụ thể hóa tại Quyết định số 1745/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ xây dựng kinh tế biển là một trong những trung tâm mạnh của cả nước với hệ thống cảng biển nước sâu Chân Mây đồng bộ, hiện đại gắn với phát triển kinh tế chuỗi khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị biển - đầm phá. Xây dựng hệ thống cảng biển nước sâu, cảng hàng không quốc tế Phú Bài trở thành trung tâm logistics của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Phát triển các đô thị biển hiện đại tại khu vực hành lang ven biển và đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Liên kết với các địa phương thuộc vùng để phát triển cụm ngành kinh tế biển Trung Trung Bộ gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á.

Thùy Nhung

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/xay-dung-thua-thien-hue-tro-thanh-trung-tam-kinh-te-bien-manh-post509706.html