Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực
Khai thác thế mạnh của địa phương gắn với thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, huyện Bắc Yên đã hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX và nhân dân xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu nông sản, góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Nằm ở độ cao khoảng 1.500m - 1.700m so với mặt nước biển, xã Tà Xùa được thiên nhiên ban tặng khí hậu mát mẻ, cảnh quan hùng vĩ, tươi đẹp. Nơi đây, còn được biết đến có cây chè Shan tuyết hàng trăm năm tuổi, với hương vị chè đặc trưng được người tiêu dụng ưa chuộng.
Hiện nay, Tà Xùa có hơn 200 ha cây chè; trong đó có khoảng 1.600 cây chè Shan tuyết cổ thụ. Những năm trở lại đây, hầu hết sản lượng chè Shan tuyết cổ thụ của xã Tà Xùa được Công ty TNHH Trà và đặc sản Tây Bắc thu mua để sản xuất thành các sản phẩm, như: Trà viên, trà trúc, trà mây và trà túi lọc... đáp ứng nhu cầu, sở thích của nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.
Bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Công ty TNHH Trà và đặc sản Tây Bắc, thông tin: Công ty đã đầu tư nhà xưởng, chế biến chè Tà Xùa theo công nghệ lên men hiện đại. Trung bình mỗi năm công ty thu mua 60 tấn chè búp tươi, chế biến thành hơn 10 tấn trà khô các loại từ trà xanh đến bạch trà, trà bánh. Đến nay, 3 sản phẩm của Công ty được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh gồm: Trà xanh mây, Trà xanh thiện và Bạch trà mây.
Từ những giá trị truyền thống, sản phẩm chè của Tà Xùa được nâng tầm thương hiệu khi tham gia chương trình OCOP và ngày càng được nhiều người biết đến. Anh Lê Đức Hoàng, thành phố Hà Nội, chia sẻ: Đến du lịch Tà Xùa lần này, tôi tận mắt nhìn thấy những cây chè hàng trăm năm tuổi và trực tiếp thưởng thức Bạch trà mây của Công ty TNHH Trà và đặc sản Tây Bắc. Nhấp ngụm chè, cảm nhận hương thơm đặc trưng, vị ngọt dịu còn đọng lại lâu mà khó loại chè nào có được. Vì vậy, tôi đã chọn mua về làm quà cho bạn bè và người thân.
Nâng cao giá trị các sản phẩm đặc trưng của địa phương tham gia chương trình OCOP, huyện Bắc Yên chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và hỗ trợ các cơ sở sản xuất tham gia; kết nối với các đơn vị cấp tỉnh hỗ trợ tập huấn kiến thức và kỹ năng tham gia chương trình; thường xuyên tổ chức các buổi khảo sát thực tế quá trình sản xuất, hướng dẫn trực tiếp tại từng cơ sở; hỗ trợ các sản phẩm, ý tưởng có tiềm năng; khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho các chủ thể đầu tư mở rộng quy mô, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào quá trình sản xuất.
Đến nay, toàn huyện có 11 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 4 sản phẩm đạt 4 sao cấp tỉnh (Trà xanh mây, Trà xanh thiện, Bạch trà mây, rượu Hang Chú) và 7 sản phẩm đạt 3 sao (măng trúc muối ớt, táo sơn tra khô, thảo quả sấy khô, khoai sọ núi, miến dong tươi, miến dong khô, trà sương tuyết cổ thụ - truyền thống).
Bà Dương Thị Lan Hương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Yên, cho biết: Khi tham gia chương trình OCOP, các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp còn được huyện, tỉnh hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ; hỗ trợ xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với sơ chế, chế biến và quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn tiên tiến. Đến nay, nhiều nông dân, các đơn vị doanh nghiệp, HTX ngày càng chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, dần xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường và đưa lên các sàn giao dịch thương mại điện tử.
HTX dịch vụ tổng hợp nông nghiệp và thương mại Làng Chếu trong năm 2023 đã xây dựng 2 sản phẩm miến dong khô, miến dong tươi đạt OCOP 3 sao.
Ông Sồng A Mang, Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp nông nghiệp và thương mại Làng Chếu, cho biết: Phục vụ nhu cầu sản xuất của gia đình và nhân dân trong bản, tôi đầu tư xây dựng xưởng chế biến rộng 200 m2; 2 máy sấy quả sơn tra, hệ thống máy sản xuất tinh bột và miến dong. Mong muốn khi tham gia vào chương trình OCOP sẽ quảng bá sản phẩm nông sản của địa phương để nhiều người biết đến mua hàng, giúp nông dân trong xã có thu nhập tốt hơn. Năm 2023, tôi đã thu mua hơn 2.000 tấn quả sơn tra và dong riềng của nhân dân trong xã, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương, với mức thu nhập 9-10 triệu đồng/người/tháng.
Xây dựng sản phẩm OCOP đã mở ra cơ hội để các HTX, doanh nghiệp, hộ nông dân tham gia các chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị nông sản, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiệu quả, bền vững, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần tích cực vào việc xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.