Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc trưng tỉnh Nam Định
Hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn nắm bắt kiến thức, kỹ năng và chiến lược xây dựng thương hiệu gắn với sở hữu trí tuệ là nội dung chủ yếu của Hội thảo Sở hữu trí tuệ và chiến lược xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc trưng của tỉnh Nam Định do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định tổ chức ngày 23/4.

Ông Vũ Xuân Trung, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định phát biểu tại hội nghị.
Ông Vũ Xuân Trung, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định cho biết, tỉnh có nhiều sản phẩm đặc trưng gắn với bản sắc địa phương như: Nem nắm Giao Thủy, nước mắm Sa Châu, gạo tám Hải Hậu, tơ lụa Cổ Chất, gạo nếp Bắc Nghĩa Bình cùng nhiều sản phẩm chế biến từ muối, thủy hải sản... Những sản phẩm này hoàn toàn có tiềm năng vươn xa nếu được đầu tư bài bản trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu gắn với bảo hộ tài sản trí tuệ.
Hội thảo là dịp để ngành lắng nghe ý kiến phản ánh, chia sẻ khó khăn, vướng mắc từ phía doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong quá trình xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp… Từ đây, cung cấp nội dung tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò của sở hữu trí tuệ trong xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm đặc trưng địa phương, đề xuất giải pháp đẩy mạnh việc đăng ký, bảo hộ và khai thác hiệu quả tài sản trí tuệ, tăng cường sự kết nối giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với chuyên gia, cơ quan chức năng để hình thành mạng lưới hỗ trợ phát triển thương hiệu một cách chuyên nghiệp, bền vững.
Tại hội nghị, các đại biểu được ông Lê Tất Chiến, nguyên Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo và hỗ trợ, tư vấn (Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ) trình bày, giải đáp nội dung về sở hữu trí tuệ, vai trò của sở hữu trí tuệ trong phát triển thương hiệu và kinh nghiệm trong xây dựng, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; giải pháp thúc đẩy chiến lược phát triển thương hiệu cho sản phẩm đặc trưng của tỉnh Nam Định.
Bà Phạm Thị Xuân Mỵ, Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định thông tin, năm 2024, tỉnh hỗ trợ đăng ký bảo hộ thương hiệu và phát triển thương mại cho 150 sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) đạt 3 sao trở lên của tỉnh; hỗ trợ 10 sản phẩm OCOP xây dựng bộ nhận diện nhãn hiệu, 7 lượt tổ chức, cá nhân được hướng dẫn cụ thể về thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ...
Theo số liệu cập nhật trên cổng thông tin tra cứu của Cục Sở hữu trí tuệ và tổng hợp theo dõi của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, tính đến ngày 31/12/2024, có trên 4.830 đơn và hơn 2.580 văn bằng sở hữu công nghiệp đã được cấp cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh Nam Định.

Quang cảnh hội nghị.
Để đẩy mạnh các hoạt động về sở hữu trí tuệ trên địa bàn, Nam Định tiếp tục bám sát mục tiêu và nội dung Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ, xây dựng các chính sách mang tính đặc thù để hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ gắn với sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP và sản phẩm truyền thống của tỉnh.
Công tác thông tin, tuyên truyền Chiến lược Sở hữu trí tuệ được chú trọng nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết cho cán bộ chuyên môn, cộng đồng về các chính sách, pháp luật sở hữu trí tuệ và lợi ích, giá trị của tài sản trí tuệ đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân.
Tỉnh thí điểm mô hình quản trị tài sản trí tuệ tại doanh nghiệp, hợp tác xã tập trung vào chuỗi sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp từng bước nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh. Đồng thời, tỉnh tăng cường nguồn lực, tiềm lực cho công tác sở hữu trí tuệ; phối hợp liên ngành giữa các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương trong kiểm tra, thanh tra chống hàng giả, gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quyền tác giả, quyền đối với giống cây trồng; phát triển sàn giao dịch tài sản trí tuệ để tăng cường liên kết cung cầu…