Lo đánh thuế nước ngọt có thể gây suy giảm cầu tiêu dùng
Trước bối cảnh kinh tế nhiều biến động, các chuyên gia đề nghị cần cân nhắc kỹ về mức tăng và thời điểm áp dụng Thuế tiêu thụ đặc biệt để không gây 'sốc' cho doanh nghiệp.

Nước giải khát có đường với hàm lượng từ 5 g/100 ml được đề nghị áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10%. Ảnh: F&B Marketing.
Tại Hội thảo "Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế - Góc nhìn từ doanh nghiệp chịu Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB)" do Báo Nhân Dân tổ chức mới đây, ông Lê Quốc Minh, Phó trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, nhận định cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt với rất nhiều khó khăn kéo dài kể từ sau đại dịch Covid-19, thể hiện ở số doanh nghiệp phá sản, tạm ngừng hoạt động có những thời điểm tăng cao hơn so với số doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường.
Trong bối cảnh đó, mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo càng trở nên thách thức, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.
“Đây cũng là thời điểm chúng ta cần tập trung các giải pháp gia tăng sản xuất trong nước, có chính sách hỗ trợ tiêu dùng trong nước trở thành động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế”, ông Minh nhấn mạnh.
Chưa có căn cứ rõ ràng
Tại dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang trình Quốc hội, Bộ Tài chính đề xuất phương án 2 đối với mặt hàng đồ uống có cồn, tức tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ 65% lên 80% và tiến tới mức 100% trong giai đoạn 2026-2030.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường hàm lượng trên 5 g/100 ml theo TCVN vào đối tượng chịu thuế với thuế suất dự kiến 10%.
Dù việc sửa đổi Luật Thuế TTĐB là cần thiết, Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) cho rằng cần cân nhắc kỹ việc tăng thuế, mở rộng đối tượng chịu thuế, đặc biệt với nước giải khát có đường.
Ông Hòa dẫn lại nhiều ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 và các hội thảo cho rằng việc áp thuế với nước giải khát có đường không đạt hiệu quả trong phòng ngừa béo phì, thiếu công bằng và không đúng trọng tâm. Các nghiên cứu cũng chỉ ra mặt hàng này không phải nguyên nhân chính gây thừa cân và 49% người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang đồ uống đường phố kém vệ sinh hơn nếu bị đánh thuế cao.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng việc tăng thuế thời điểm hiện tại có thể gây "sốc" cho doanh nghiệp. Ảnh: BTC.
Ông nhấn mạnh trong khi Chính phủ đang cố gắng kích cầu tiêu dùng nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp bằng các chính sách như giảm thuế VAT đến hết 2026 (bao gồm nước giải khát) thì dự thảo lại đề xuất tăng thuế với mặt hàng này dù chưa có cơ sở khoa học rõ ràng, có thể làm suy giảm động lực tiêu dùng và ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.
Đại biểu Hòa cho rằng chính sách thuế cần hài hòa, đồng thuận trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Ông chia sẻ quan ngại cùng với Amcham rằng khi Việt Nam đang đàm phán giảm thuế quan với Mỹ, việc tăng thuế lại có thể đi ngược lại nỗ lực hội nhập.
Ông kiến nghị cần đánh giá kỹ lưỡng thực trạng béo phì ở Việt Nam và các nguyên nhân liên quan, trước khi mở rộng thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường, tránh chính sách vội vàng khi chưa có đủ cơ sở khoa học toàn diện.
Đồng quan điểm, ông Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, cho rằng việc tăng thuế là vấn đề hệ trọng vì tác động trực tiếp đến lợi ích và sức khỏe người tiêu dùng, nhất là với các mặt hàng như thuốc lá, rượu bia và nước giải khát có đường.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng cần tiếp cận vấn đề một cách toàn diện, cân bằng giữa lợi ích sức khỏe cộng đồng và hoạt động của doanh nghiệp với lộ trình và thời điểm phù hợp.
Coi doanh nghiệp như một loại tài sản quốc gia
Theo TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, dự thảo lần này dự kiến được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 và thông qua vào Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).
Theo ông, Luật này sẽ có tác động lớn và trực tiếp tới ngành đồ uống, đặc biệt là ngành bia, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, sinh kế của hàng triệu lao động trong chuỗi giá trị liên quan, người tiêu dùng và cả nền kinh tế nói chung.
TS Bình nhận định lộ trình tăng thuế trong dự thảo hiện nay là quá nhanh, trong khi các doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân, đang đối mặt với nhiều khó khăn. Ông nhấn mạnh rằng "khoan thư sức dân, khoan thư sức doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu" nên là ưu tiên trong hoạch định chính sách, và đó cũng là cách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả nhất cho nền kinh tế hiện nay.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, đặc biệt là trước các chính sách thuế quan đối ứng từ Mỹ nhắm vào hàng hóa Việt Nam, chuyên gia Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng đây là thời điểm phù hợp để Việt Nam nhìn lại và điều chỉnh chính sách phát triển.
Theo ông, áp lực từ bên ngoài có thể trở thành cú hích thúc đẩy cải cách. Việt Nam cần tái cấu trúc mô hình tăng trưởng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng 2 con số một cách thực chất và bền vững. Trong đó, doanh nghiệp nội địa phải giữ vai trò trung tâm và trở thành lực lượng chủ lực của nền kinh tế.
"Phải coi doanh nghiệp như một loại tài sản chiến lược của quốc gia", ông nhấn mạnh.
Đại diện cơ quan quản lý, ông Lưu Đức Huy, Phó cục trưởng Cục Quản lý Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính), khẳng định trong định hướng chiến lược, không có câu nào nhắc đến tăng thuế TTĐB nhằm mục tiêu tăng thu ngân sách.
Trong định hướng chiến lược, không có câu nào nhắc đến tăng thuế TTĐB nhằm mục tiêu tăng thu ngân sách
Ông Lưu Đức Huy, Phó cục trưởng Cục Quản lý Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính)
Ông cho biết việc Mỹ gần đây tuyên bố áp thuế đối ứng đã ảnh hưởng mạnh đến tâm lý và hoạt động kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời tạo sức ép đáng kể đối với nền kinh tế. Trước tình hình đó, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính rà soát, nghiên cứu và báo cáo các nội dung cần điều chỉnh trong dự thảo Luật.
Chính phủ đã tiến hành lấy phiếu thành viên để điều chỉnh phương án của dự thảo Luật, từ đó giao Bộ Tài chính gửi ý kiến chính thức tới Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội.
Theo đó, một trong những điểm điều chỉnh quan trọng là giãn lộ trình tăng thuế TTĐB đối với một số mặt hàng như bia và rượu. Nếu trước đây, phương án 2 với mức tăng mạnh được lựa chọn thì hiện nay, để tránh gây tác động đột ngột, Chính phủ đề xuất quay lại phương án 1 với mức tăng thấp hơn và lộ trình hợp lý hơn.
Bên cạnh đó, thời điểm bắt đầu áp dụng lộ trình tăng thuế cũng được điều chỉnh, thay vì thực hiện từ năm 2026 như đề xuất ban đầu, sẽ lùi sang năm 2027 để doanh nghiệp có thêm thời gian thích nghi.
Ông Huy cho biết hiện Ủy ban Kinh tế và Tài chính đang tổng hợp ý kiến từ Bộ Tài chính và các bên liên quan, để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình phương án điều chỉnh tại kỳ họp tới.