Xây dựng thương hiệu nông sản để phát triển nông nghiệp bền vững
Xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, 'chắp cánh' cho các nông sản vươn xa ra tỉnh bạn với các điều kiện cần và đủ về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm. Những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, hỗ trợ các HTX, người dân xây dựng nhãn hiệu, tạo tiền đề để xây dựng thương hiệu, tạo tính bền vững lâu dài cho sản phẩm gắn với thế mạnh của từng vùng, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông thôn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển.
Kỳ I: Nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh
Thành viên HTX sản xuất và chế biến chè Đá Hen, huyện Cẩm Khê thu hái chè đảm bảo kỹ thuật để chế biến chè xanh, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Từ số hóa cho sản phẩm
Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu “Chương trình phát triển tài sản trí tuệ vàChiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh đã phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ (giai đoạn 2021-2030) tại Quyết định số 132/QĐ-UBND ngày 18/1/2022 với những mục tiêu cụ thể: Tiếp tục nâng cao nhận thức, năng lực về sở hữu trí tuệ cho các tập thể, cá nhân trên địa bàn tỉnh, góp phần tăng năng suất, chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh của các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ. Tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Hỗ trợ tạo lập, quản lý, khai thác phát triển các sáng chế, giải pháp hữu ích mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp và người dân, trong đó tập trung hỗ trợ tạo lập, quản lý, khai thác, phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc thù, có lợi thế gắn với thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, thúc đẩy và nâng cao hiệu quả bảo hộ, quản lý, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
Tránh làm nhái thương hiệu, tạo dựng lòng tin của người tiêu dùng, mở rộng thị trường, là ba trong những giá trị mà cơ sở sản xuất tương của gia đình anh Bùi Kim Liên - một trong những hộ sản xuất tương với quy mô lớn của làng nghề tương Dục Mỹ, huyện Lâm Thao gặt hái được khi ứng dụng phần mềm quản lý và sử dụng mã số, mã vạch cho sản phẩm thời gian qua. Anh cho biết: Trải qua nhiều thế hệ, người làm tương ở đây luôn có ý thức bảo tồn và gìn giữ nghề truyền thống. Sản phẩm đã được đầu tư thiết kế bao bì, nhãn mác, thu hút người tiêu dùng; có đầy đủ các thông tin cần thiết của sản phẩm; mã QR, mã vạch… bảo đảm các quy định về vệ sinh ATTP và có mặt trên thị trường các tỉnh, thành phố trong cả nước, trung bình mỗi tháng, gia đình tôi sản xuất khoảng 200 lít tương với giá bán từ 30.000-50.000 đồng/lít. Đầu ra sản phẩm thuận lợi, thu nhập cũng tăng khiến gia đình tôi rất phấn khởi và càng tích cực sản xuất để có khoản thu nhập đáng kể.
Cùng với sản phẩm làng nghề tương Dục Mỹ, sản phẩm rau an toàn của Hợp tác xã (HTX) dịch vụ sơ chế và tiêu thụ rau an toàn Tứ Xã, huyện Lâm Thao là một minh chứng rõ nét cho “hành trình” xây dựng thương hiệu, tạo nên những sản phẩm rau an toàn, cung cấp cho thị trường. Anh Nguyễn Văn Nghĩa - Giám đốc HTX cho biết: Để có “trái ngọt” thương hiệu hiện nay, HTX sản xuất rau an toàn Tứ Xã cũng trải qua nhiều gian khó. Đến nay, các thành viên, hộ dân liên kết đang mở rộng diện tích, đảm bảo sản xuất theo quy trình thống nhất, kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra và dán tem truy xuất nguồn gốc, sản phẩm rau của HTX sẵn sàng cạnh tranh với các thương hiệu, nhãn hiệu khác trên thị trường. Sản phẩm rau an toàn Tứ Xã đã được bảo hộ nhãn hiệu với trên 40 sản phẩm rau, củ, quả được sản xuất thường xuyên theo mùa vụ. Sản lượng cung ứng cho thị trường tiêu thụ bình quân từ 4-6 tấn/ngày, thị trường tiêu thụ được mở rộng, ổn định tại các siêu thị lớn ở trong và ngoài tỉnh như: Siêu thị BigC, Coopmart, Winmart...
Sản phẩm gạo nếp Gà Gáy Mỹ Lung của huyện Yên Lập được đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ tại các hội chợ, siêu thị trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh, thành lân cận.
Đến tạo dấu ấn cho nông sản địa phương
Tân Sơn - mảnh đất xuất xứ của giống gà nhiều cựa gắn liền với câu chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh đời Vua Hùng Vương thứ 18 khi thách lễ kén chồng cho công chúa. Giống gà tiến Vua thời xưa so với các giống gà khác không chỉ nhiều cựa, hương vị thơm ngon, thịt ngọt mà còn mang nhiều ý nghĩa về truyền thống văn hóa và tâm linh. Năm 2016, nhãn hiệu tập thể “Gà nhiều cựa Tân Sơn” đã được Bộ KH&CN cấp giấy chứng nhận.
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Đức - chủ trang trại nuôi và nhân giống gà nhiều cựa ở Tân Phú chia sẻ: “Giống gà nhiều cựa tuy nuôi khó hơn so với gà thông thường, nhất là khâu mua nhưng chọn đúng giống gà chuẩn lại cho hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, sản phẩm gà nhiều cựa sau xác lập nhãn hiệu tập thể đã tăng giá bán cao gấp 2-3 lần so với trước, dao động từ 200.000-300.000 đồng/kg đối với gà thương phẩm, từ 300.000-500.000 đồng/kg đối với gà bố mẹ. Lợi ích từ kinh tế nhận thấy rõ, gia đình tôi đã mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng khu chuồng trại kiên cố, vững chắc, sử dụng các thiết bị hỗ trợ để tăng tỉ lệ sống và đảm bảo chất lượng gà khi xuất bán. Mới đây, chúng tôi còn vui mừng khi cầu thủ bóng đá Hà Đức Chinh đã trở thành hình ảnh đại sứ thương hiệu cho giống gà nhiều cựa Tân Sơn. Hy vọng rằng, thương hiệu gà cựa Tân Sơn sẽ có sức hút mạnh mẽ và lan tỏa rộng rãi đến các tỉnh, thành trong cả nước”.
Không chỉ nhãn hiệu tập thể gà nhiều cựa của Tân Sơn phát huy được thế mạnh sau khi được bảo hộ, nhằm bảo tồn và phát triển thương hiệu đặc sản hồng Gia Thanh của xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh, những năm qua, tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan thực hiện điều tra khảo sát đất đai, điều kiện tự nhiên để quy hoạch phát triển vùng sản xuất hồng tập trung quy mô lớn, xây dựng những cơ chế chính sách phù hợp nhằm khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng hồng. Hiện xã có khoảng 70ha hồng, trong đó gần 50ha đang cho thu hoạch. Năng suất bình quân hàng năm đạt hơn 20 tấn, tổng doanh thu khoảng 8 tỉ đồng. Tháng 8/2019, UBND huyện Phù Ninh tổ chức hội nghị công bố nhãn hiệu tập thể “Hồng không hạt Gia Thanh” do Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN cấp cho HTX dịch vụ nông nghiệp xã Gia Thanh và cấp phép sử dụng nhãn hiệu tập thể cho 159 hộ gia đình trồng hồng xã Gia Thanh.
Với vai trò là cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh, Sở KH&CN đã triển khai nhiều hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp đăng ký, xác lập, phát triển tài sản trí tuệ. Từ năm 2016 đến nay, Sở đã hỗ trợ tạo lập, quản lý 37 sản phẩm đã được cấp bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu hàng hóa, trong đó có 24 sản phẩm chủ lực, đặc trưng, có lợi thế của tỉnh đã được cấp nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và 13/13 sản phẩm của doanh nghiệp được cấp bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Các sản phẩm sau khi được bảo hộ nhãn hiệu đều tăng giá trị từ 1,5-2 lần so với trước; diện tích cũng được mở rộng; thu nhập của người dân được cải thiện rõ rệt. Số lượng văn bằng nhãn hiệu được cấp cho các tổ chức tập thể và doanh nghiệp đã tăng lên đáng kể, là tiền đề nâng cao uy tín các sản phẩm trên thị trường trong, ngoài nước, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế- xã hội của tỉnh.
>>> Kỳ II: Xây dựng đi đôi với bảo vệ thương hiệu
Nhóm PV