Xây dựng thương hiệu 'Thành phố lễ hội'
Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm du lịch lớn của cả nước với tốc độ tăng trưởng ổn định, quy mô tổ chức các hoạt động ngày càng lớn.
Đáng chú ý, những năm gần đây, việc chú trọng xây dựng và phát triển lễ hội giúp thành phố thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế.
Lễ hội sông nước Thành phố Hồ Chí Minh vừa được trao tặng Giải thưởng Sáng tạo lần thứ 4, năm 2025. Đây là lễ hội do Sở Du lịch thành phố phối hợp các đơn vị tổ chức từ năm 2023 với mục đích bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa-lịch sử, xây dựng sản phẩm, sự kiện đặc trưng; đẩy mạnh khai thác các giá trị kinh tế, du lịch từ hệ thống tài nguyên sông biển trên địa bàn thành phố; hướng đến định vị thương hiệu một đô thị sông nước giàu bản sắc văn hóa. Ở lần tổ chức thứ 2 vào năm 2024, lễ hội có hơn 4,5 triệu lượt người tham gia; trong đó, tổng số khách đến thành phố thời gian này hơn 1,3 triệu lượt, với 121.000 lượt khách quốc tế trong suốt 10 ngày diễn ra sự kiện. Lượng khách tại các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đường thủy bao gồm ẩm thực và vận chuyển cũng ghi nhận sự gia tăng trung bình 20% trong thời gian diễn ra lễ hội, và sau đó tiếp tục tăng trưởng đến 25-40%. Nhiều điểm du lịch nổi tiếng của thành phố như Bảo tàng Hồ Chí Minh ghi nhận mức tăng trưởng 103%, Địa đạo Củ Chi với mức tăng lên tới 423%. Tổng doanh thu du lịch trong kỳ lễ hội ước tính đạt 4.250 tỷ đồng. Lễ hội sông nước cùng với Lễ hội Áo dài, Lễ hội âm nhạc Hò Dô đã trở thành các lễ hội mang thương hiệu Thành phố Hồ Chí Minh, luôn được du khách đón chờ hằng năm.
Mới đây, Viện nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đã có tờ trình đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức Lễ hội hòa bình vào tháng 4 hằng năm, sau sự thành công vượt bậc của chuỗi hoạt động văn hóa kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Chuỗi hoạt động này đã tạo được sức hút lớn đối với du khách, mang lại giá trị kinh tế cao cho thành phố. Suốt 5 ngày diễn ra, sự kiện đã thu hút 1,9 triệu lượt khách tham quan, đóng góp rất lớn vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8,5%/ năm của thành phố qua việc tăng đáng kể doanh thu các ngành dịch vụ liên quan, như: du lịch, nghệ thuật, giải trí, chuỗi cung ứng thực phẩm, logistics.
Từ sự thành công của các lễ hội vừa qua cho thấy, Thành phố Hồ Chí Minh có đủ cơ sở, nội lực để xây dựng cho mình thương hiệu “Thành phố lễ hội”. Sau khi sáp nhập với Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, thành phố càng có thêm nhiều dư địa để xây dựng những lễ hội độc đáo, mang nét đặc trưng của một siêu đô thị đa dạng về văn hóa. Theo đó, thành phố cần xây dựng lại quy hoạch, đề án phát triển lễ hội, sao cho phát huy được thế mạnh của không gian phát triển mới như sông Sài Gòn (Công viên Bờ sông Sài Gòn), Cần Giờ, Hồ Tràm, Vũng Tàu, Bình Dương, Lái Thiêu, Côn Đảo,… Thành phố cần tập trung xây dựng những lễ hội mang tính đặc trưng, phát huy được nét đặc sắc của địa phương; tránh việc chạy theo số lượng, lợi ích kinh tế làm ảnh hưởng đến công tác bảo tồn các di sản văn hóa trên địa bàn.
Trong bối cảnh phát triển hiện nay, Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết 198/2025/QH15 của Quốc hội Khóa XV về cơ chế đặc thù cho kinh tế tư nhân đã tạo nền tảng pháp lý và định hướng chính trị mạnh mẽ để đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp tham gia sâu rộng hơn vào các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, trong đó có văn hóa và lễ hội. Thành phố có thể đặt hàng doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp hưởng các ưu đãi về tài chính, mặt bằng, truyền thông theo cơ chế đặc thù khi tham gia tổ chức các hoạt động sáng tạo, giải trí, công nghệ, thể thao, ẩm thực, du lịch, biểu diễn cộng đồng, hội chợ... tạo nền tảng bền vững cho tương lai
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/xay-dung-thuong-hieu-thanh-pho-le-hoi-post891550.html