Xây dựng Trung tâm công nghiệp văn hóa trong 6 lĩnh vực

Với mục tiêu xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, tạo lập môi trường văn hóa văn minh, thanh lịch, tiêu biểu cho bản sắc văn hóa dân tộc và truyền thống ngàn năm văn hiến, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định nhiều cơ chế để phát triển văn hóa.

Lan tỏa việc xây dựng văn hóa người Hà Nội

Trong đó, nổi bật như xây dựng Trung tâm công nghiệp văn hóa trong 6 lĩnh vực (điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, du lịch văn hóa); giao Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định nội dung, mức hỗ trợ cao hơn quy định hiện hành đối với nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể; việc truyền dạy, thực hành, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể…

Quy định này sẽ tạo động lực, góp phần lan tỏa việc xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.

PGS.TS Phạm Thị Thu Hương - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội mong Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ có những quy định về cơ chế, chính sách mang tính đặc thù, “vượt trước” về văn hóa, để mục tiêu “kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế, giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, trong đó văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô” có thể trở thành hiện thực.

Lễ hội Bình Đà (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai). Ảnh: Hoàng Phúc.

Lễ hội Bình Đà (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai). Ảnh: Hoàng Phúc.

Theo PGS.TS Phạm Thị Thu Hương, tại Điều 24. Bảo vệ và phát triển văn hóa, thể thao, nên thay hai chữ “bảo vệ” bằng “bảo tồn”. Vì, bảo vệ là việc giữ gìn một hiện tượng văn hóa/thực hành văn hóa hay giá trị văn hóa nào đó khỏi bị hư hỏng, mai một mà không bao hàm cả việc phát huy giá trị của chúng. Còn bảo tồn là việc không chỉ bảo đảm sự tồn tại lâu dài, ổn định của những hiện tượng văn hóa/thực hành văn hóa hay giá trị văn hóa ấy mà còn có cả việc phát huy giá trị của chúng.

PGS.TS Phạm Thị Thu Hương nhìn nhận, tên của Điều 24 cho thấy quan điểm của Ban soạn thảo Luật là muốn hướng đến sự phát triển bền vững của văn hóa Thủ đô, đó là đảm bảo các giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ và bổ sung những giá trị văn hóa mới, phù hợp với mỗi giai đoạn phát triển của Thủ đô, để văn hóa Thủ đô, văn hóa của người Hà Nội ngày càng phong phú và tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam. Đây là một quan điểm phù hợp, đúng đắn.

Góp ý về phát triển công nghiệp văn hóa, PGS.TS Phạm Thị Thu Hương cho rằng, các di sản văn hóa có tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa đều là những di sản có giá trị tiêu biểu (di sản văn hóa thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, một số di tích quốc gia), nên nếu tập trung đầu tư cho những di sản này, đối tượng được đầu tư sẽ thu hẹp hơn nhiều về số lượng. Điều đó giúp Hà Nội đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và thực sự có thể tập trung nguồn lực như Dự thảo Luật đề ra.

Về thực hiện hợp tác công - tư trong lĩnh vực văn hóa, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó cho phép Thành phố được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa. Theo PGS.TS Phạm Thị Thu Hương, với Hà Nội, hình thức này nên được thực hiện chính thức và quy định trong Luật.

Mở rộng hơn đối tượng được ưu tiên đầu tư

Góp ý xây dựng Luật, bà Đoàn Thị Tố Uyên - Trưởng Khoa Pháp luật Hành chính, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, Hà Nội là địa phương có nhiều nghệ nhân được phong tặng danh hiệu cao quý nhất và có nhiều đóng góp cho thể thao của cả nước (nhiều huấn luyện viên, vận động viên đạt giải thể thao thành tích cao).

Bà Đoàn Thị Tố Uyên đồng tình việc Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định về thành lập Quỹ văn hóa Thủ đô.

Bà Đoàn Thị Tố Uyên đồng tình việc Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định về thành lập Quỹ văn hóa Thủ đô.

Do đó, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cho phép Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định cơ chế hỗ trợ với phạm vi, mức cao hơn quy định hiện hành của Trung ương theo khả năng cân đối ngân sách của thành phố Hà Nội đối với nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể; việc truyền dạy, thực hành, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể sẽ là nguồn động viên to lớn, khuyến khích họ tiếp tục cống hiến, tạo động lực cho đội ngũ nghệ nhân kế cận tin tưởng vào việc giữ nghề và truyền nghề.

Cũng theo bà Đoàn Thị Tố Uyên, Hà Nội cần mở rộng hơn đối tượng được ưu tiên đầu tư, gồm cả di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể (các di tích lịch sử - văn hóa), bởi lẽ các di tích cũng hoàn toàn có thể rơi vào tình trạng bị mai một, thậm chí nguy cơ còn lớn hơn di sản văn hóa phi vật thể trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng như hiện nay.

Theo bà Uyên, với mục đích thu hút các nguồn lực xã hội cùng tham gia, hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa đã được triển khai từ khá lâu và đem lại những kết quả đáng kể. Hiện nay, chỉ riêng trong lĩnh vực di sản, Hà Nội có 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, số lượng di sản cần được nghiên cứu, bảo quản, tu bổ, tôn tạo… hàng năm nếu thực hiện, sẽ tốn một số lượng kinh phí khổng lồ. Vậy nên nếu bao gồm các hoạt động văn hóa khác, chắc chắn ngân sách sẽ không thể gánh nổi.

“Chúng ta đã bàn đến hợp tác công - tư và chắc chắn sẽ có thêm nguồn kinh phí từ các cá nhân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, tư nhân sẽ chỉ cơ bản hợp tác đối với những dự án có khả năng khai thác hoặc có lợi về kinh tế, còn lại phần lớn vẫn sẽ trông chờ kinh phí từ Nhà nước, nếu không có thêm những nguồn khác.

Trong trường hợp ấy, Quỹ văn hóa Thủ đô sẽ góp phần bổ sung một phần đáng kể, nếu chúng ta có nguyên tắc thành lập phù hợp, cơ chế huy động, quản lý và vận hành tốt, bởi lúc đó sẽ huy động được nguồn lực từ mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài Thủ đô, trong nước và nước ngoài”, bà Uyên bày tỏ đồng tình với việc thành lập Quỹ văn hóa Thu đô.

Hiện, tỉnh Thừa Thiên Huế đã được Quốc hội cho phép thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế để bổ sung nguồn lực cho hoạt động trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Ở nước ngoài, các quỹ văn hóa được thành lập ở nhiều quốc gia, nhiều bang, thành phố của các nước.

Lễ hội chùa Láng. Ảnh: Phương Ngân.

Lễ hội chùa Láng. Ảnh: Phương Ngân.

Theo bà Uyên, việc thành lập Quỹ sẽ huy động, tập trung được nguồn lực tài chính ngoài ngân sách nhà nước; dễ huy động vì hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng tài chính của mỗi người; góp phần giáo dục ý thức, trách nhiệm bảo vệ di sản, phát triển văn hóa cho cộng đồng (nhất là lứa tuổi học sinh); tạo sự chủ động, kịp thời trong việc bảo vệ, phát huy giá trị các di sản văn hóa, tổ chức các hoạt động sáng tạo, phát triển văn hóa và sở hữu các tài sản văn hóa…

Để thực hiện được điều này, Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội cần được phân quyền quy định việc thực hiện, quyết định biện pháp khuyến khích đầu tư, nội dung, phương thức phối hợp trong hợp tác, cơ chế tổ chức và hoạt động của Quỹ.

Cùng quan tâm đến chính sách văn hóa trong Luật Thủ đô (sửa đổi), dưới góc nhìn của một người dân, ông Nguyễn Văn Lưỡng, trú tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm mong muốn, trong Luật Thủ đô (sửa đổi) có cơ chế, chính sách phát huy hơn nữa truyền thống “dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”, khuyến khích những nét cư xử lịch sự, thanh lịch, lên án những hành vi ứng xử không đúng mực. Từ đó, góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống thanh lịch của người Thủ đô, nhất là với thế hệ trẻ.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/xay-dung-trung-tam-cong-nghiep-van-hoa-trong-6-linh-vuc-161343.html